Từ “chúa nợ” thành đại gia nhờ đào thứ người Việt ăn đầy
Từng cõng trên vai số nợ hàng chục tỉ đồng, người đàn ông này đã dựa vào chính sức mình để trả nợ và giúp nhiều người trong làng cùng đổi đời.
Bỏ việc về quê “cày cuốc” để trả nợ cho cha
Tại Chiết Giang, Trung Quốc, có một người đàn ông đã dám can đảm bỏ công việc ổn định, lương cao ở thành phố để về quê lập nghiệp, trả nợ cho cha. Chỉ trong 5 năm, người này đã trả hết nợ và thậm chí còn giúp toàn bộ dân làng cùng trở nên giàu có. Người ta biết đến anh với tên gọi Triệu Tây Khải.
Huyện An Cát ở Chiết Giang (Trung Quốc) - quê nhà của anh Khải vốn có khí hậu ấm áp và ẩm ướt, rất thích hợp để tre phát triển. Nơi đây có hơn một triệu mẫu rừng tre và là “vương quốc tre” nổi tiếng ở Trung Hoa.
Ngoài dùng tre để làm sàn nhà, đồ nội thất, đồ thủ công, người dân An Cát còn coi măng tre là một đặc sản bản địa. Cha của Triệu Tây Khải cũng từng trồng tre và chế biến măng. Tuy nhiên, do giá bán thấp và sản phẩm không tạo được điểm nổi bật để cạnh tranh trên thị trường nên nhà máy chế biến của ông thua lỗ từ năm này qua năm khác. Đến năm 2016, cha của Triệu Tây Khải nợ tổng cộng 10 triệu NDT (hơn 34 tỉ đồng).
Thấy vậy, người con trai hiếu thảo quyết định nghỉ việc, về nhà tiếp quản công việc kinh doanh của cha và giúp ông trả nợ. Anh bắt đầu thay đổi tư duy kinh doanh măng để tìm ra hướng đi giúp tăng thu nhập nhanh nhất có thể.
Hành trình “đi ngược, làm liều” đổi lại thu nhập tiền tỉ
Trong khi người cha tập trung chế biến măng xuân thì anh Khải lại bắt đầu để ý tới măng mùa đông. Bởi vào mùa lạnh, việc đào măng xuân trở nên khó khăn, một nhân công chỉ có thể đào được 10 - 15kg măng/ngày.
Để thúc đẩy động lực cho nhân công đào măng vào mùa đông, anh đã tăng mức thù lao cho họ lên đến 550 NDT/ngày, cao gấp đôi so với thông thường.
Ảnh: CCTV
Vào thời điểm đó, không có công ty nào ở An Cát chuyên bán măng mùa đông. Sau khi Triệu Tây Khải chuyển sản phẩm chính sang măng mùa đông, anh tiếp tục đưa ra một quyết định kỳ lạ.
Trong khi những người buôn măng khác thường chỉ chọn mua những cây măng tre nhỏ thì anh Khải thu mua toàn bộ măng, không quan trọng kích cỡ, đồng thời mua với giá tương đối cao. Chỉ trong 1 tháng, anh đã thu mua được một lượng lớn măng mùa đông - hơn 20 tấn.
Bên cạnh đó, anh còn tìm cách mở rộng kênh tiêu thụ thay vì chỉ tập trung vào chợ nông sản truyền thống - kênh vốn có tỷ suất lợi nhuận thấp và cạnh tranh khốc liệt.
Sau khi tìm hiểu, anh nhận thấy trên thị trường lúc bấy giờ có rất ít thương nhân bán măng mùa đông, và nhu cầu về măng đã qua chế biến, măng thái lát và măng cắt vụn rất cao.
Vì vậy, anh quyết định chế biến măng mùa đông thành các sản phẩm theo nhu cầu của các nhà hàng như măng khối, măng lát, măng xé nhỏ, măng thái hạt lựu. Như vậy, người mua có thể trực tiếp dùng để nấu ăn, giúp loại bỏ khâu xử lý cồng kềnh trong các nhà hàng.
Những mặt hàng này được anh Khải định giá ở mức 50 NDT/kg (175.000 đồng). Ngoài ra, anh không còn đặt nặng vấn đề kích cỡ hay trọng lượng măng, bởi kể cả măng nhỏ cũng có thể thái lát hoặc cắt hạt lựu rồi đóng thành túi. Kết quả, một số nông dân địa phương đã chuyển sang trồng măng mùa đông.
Quyết định táo bạo của Triệu Tây Khải đã giúp anh thành công hợp tác với 6-7 nhà hàng vào năm 2018. Doanh thu hàng năm của anh lúc bấy giờ đạt 13 triệu NDT, đồng thời anh cũng giúp hơn 30 nông dân trong làng tăng thu nhập.
Năm 2019, số lượng nhà hàng hợp tác với Triệu Tây Khải đã lên đến hơn 2 chữ số. Tuy nhiên, số nợ khổng lồ của cha anh vẫn chưa thể trả hết.
Để gia tăng lượng hàng tiêu thụ, anh bắt đầu gia ngập ngành thương mại điện tử. Người đàn ông với đầu óc kinh doanh nhạy bén này không chỉ bán măng mà còn thu mua gà để kinh doanh. Bởi ở An Cát, món gà xào măng mùa đông rất được yêu thích.
Thậm chí, để khách hàng có thể thưởng thức món ngon này nhanh chóng và tiện lợi hơn, anh còn sơ chế sẵn măng và gà để người mua nhận hàng là có thể nấu ngay. “Chủ shop” này còn chu đáo đến mức in cả công thức nấu cho khách hàng để quảng bá sản phẩm.
Và để thúc đẩy doanh số hơn nữa, anh còn chấp nhận gồng lỗ trong suốt một tháng rưỡi, bán combo “gà và măng” với giá chỉ bằng một nửa giá niêm yết. Mục đích duy nhất là để có thêm nhiều khách hàng hơn nữa được trải nghiệm hương vị thơm ngon của món ăn này. Anh tin chắc rằng, những ai đã thích sản phẩm này sẽ tiếp tục đặt hàng và trở thành khách quen.
Ảnh: CCTV
Không ngoài mong đợi, năm 2020, doanh số bán sản phẩm “măng và gà” đã đạt gần 2 triệu NDT, tổng doanh thu trong năm vượt quá 18 triệu NDT (gần 62 tỉ đồng).
Cuối năm đó, Triệu Tây Khải cuối cùng cũng trả xong món nợ khổng lồ của cha mình, gia đình họ cuối cùng cũng có thể thở phào nhẹ nhõm.
Năm 2021, anh bắt đầu nghĩ đến măng xuân, tập trung sản xuất măng mùa đông và tăng chủng loại sản phẩm. Năm 2021, tổng doanh thu măng đông và măng xuân của Triệu Tây Khải đã đạt mức 21 triệu NDT (hơn 72 tỉ đồng).
Đặc sản này có năng suất cao, giá thành rẻ nên được trồng rộng rãi ở nhiều quốc gia.
Nguồn: [Link nguồn]