Truy tìm nguồn gốc dầu ăn bẩn: Bí mật nghề buôn dầu đen
Những người làm nghề thu gom dầu ăn đã qua sử dụng (gọi chung là dầu đen) đều phải luôn bám, giữ mối liên lạc với chủ mối. Bởi những người thu mua thường xuyên thay đổi địa điểm "đóng quân" để tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng. Sự cảnh giác là bài học số một của họ để "trụ" lại với "nghề"...
Theo đó, để mua được một can dầu đen 20 lít, L.T. chỉ phải trả cho đầu bếp khoảng chừng từ 120.000 - 150.000 đồng. Dầu được chắt trực tiếp từ các chảo, xoong, xô trong bếp ăn vào can của đầu nậu rồi "tiền trao cháo múc". Đầu nậu nào cẩn thận hơn thì mang theo một cái vá (mảnh lưới) để lọc trước các tạp chất, thức ăn lẫn vào, như vậy lượng dầu sẽ nhiều hơn mà tiền chi ra ít hơn, giá bán lại cũng cao hơn. Cũng có khi, dầu ăn lẫn mỡ nhưng đầu nậu cũng kệ, "gom tất" nhưng với giá rẻ hơn nhiều. "Khi để lẫn dầu ăn và mỡ trong một thùng hỗn hợp như thế thì đến "thánh" cũng không phân biệt nổi đâu là dầu ăn "xịn", đâu là dầu đen", L.T cho biết.
Dầu ăn này sau khi được gom đủ số lượng nhất định, các đầu nậu sẽ gọi điện thông báo cho đầu mối thu gom, hẹn địa điểm, thời gian đến giao hàng. "Các đầu mối này cũng thay đổi địa điểm thường xuyên. Trung bình cứ một tháng, họ thay đổi một lần. Lúc thì họ ở chợ Đông Sản (Văn Quán, Hà Đông, Hà Nội), khi thì ở một điểm trên đường Lê Văn Lương (Thanh Xuân, Hà Nội), lúc lại chuyển sang địa điểm khác ở Đống Đa, Hà Nội...
Khi mình gom được khoảng 10 can - 20 can thì gọi điện cho họ, họ sẽ cho người đến lấy hoặc bảo mình mang đến. Giá cả cũng tuỳ theo thoả thuận. Trung bình bán được khoảng 13.000 - 15.000, có khi 16.000 đồng/lít tuỳ theo chất lượng dầu. Mỗi can dầu có khi lãi được đến 100.000 - 150.000 đồng".
"Thực ra, mỗi tuần đến lấy hàng một lần cũng được, nếu như mình có nhiều mối hàng. Nhưng để lâu, có khi đứa khác nó lại len vào lấy mất mối. Có những cơ sở chuyên chế biến thức ăn nhanh, nổi tiếng trên địa bàn Hà Nội cũng sẵn sàng tuồn dầu đen ra ngoài nhưng chỉ theo mối quen chứ người mới đến, họ nói không liền", L.T. cho hay.
Có những quãng thời gian, nhà L.T. vô tình trở thành một cái kho nhỏ với cả chục can dầu ăn bẩn loại lớn, được xếp từ trong nhà cho tới ngoài hè. Khi chúng tôi gạ hỏi, địa điểm tái chế dầu ăn, L.T. chỉ lắc đầu: "Bọn nó kín lắm, đến anh làm cho nó 2-3 năm mà cũng không biết chuyển dầu đi đâu nữa là. Nghe đâu, dầu đen được chuyển về mạn Hoài Đức (Hà Nội) để chế biến lại thì phải. Người làm ăn coi trọng nguyên tắc cấm tò mò vào nồi cơm của người khác, mình cũng phải giữ".
Thấy chúng tôi vẫn còn nhiều điều khó hiểu về quy trình thu gom dầu thải, L.T. căn dặn: "Bọn nó làm ăn cảnh giác lắm, lại là dân chợ nữa nên nhìn qua là biết ngay ai là người thế nào. Đi theo mấy người thu gom đã khó rồi, đến chỗ tập kết "hàng" còn khó hơn. Không tin, bọn em cứ thử theo chân một đầu nậu xem, may ra có công an là bám được họ. Mà có đóng vai người đi mua dầu tại các cửa hàng cũng phải khéo, ăn mặc kiểu lịch sự như bọn em thế này thì không ai dám bán cho đâu. Bọn em phải mặc như kiểu dân thị trường, tiếp thị ấy, may ra còn tiếp cận được".