Truy tìm người ngâm rau muống bào với hóa chất độc

Sự kiện: Thực phẩm bẩn

Rau muống bào ngâm sulfat đồng có thể gây ngộ độc cấp tính. Do đó, hành vi này sẽ bị xử phạt vì vi phạm quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm.

“Từ lời khai của người cung cấp hóa chất độc hại dùng ngâm rau muống bào, cơ quan chức năng sẽ tiếp tục truy tìm những người đã sử dụng hóa chất nói trên”. Ông Dương Đức Trọng, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) TP.HCM, cung cấp thông tin sáng 17-9.

Truy tìm người ngâm rau muống bào với hóa chất độc - 1

Cán bộ Chi cục BVTV TP.HCM đang lấy mẫu rau muống bào kinh doanh ở chợ đầu mối Hóc Môn để xét nghiệm.

Xác định được người bán hóa chất độc hại

Trước đó, đêm 7-9, Chi cục BVTV TP.HCM cùng cơ quan chức năng thanh tra đột xuất các hộ sản xuất rau muống bào trên địa bàn xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi. Đoàn kiểm tra phát hiện ba hộ Nguyễn Đức Thìn (ấp 6B), Nguyễn Văn Thư (ấp 6B) và Nguyễn Văn Giang (ấp 5) ngâm rau muống bào trong hóa chất màu xanh dương.

Làm việc với đoàn kiểm tra, cả ba hộ đều cho biết rau muống bào sau khi ngâm với hóa chất nói trên sẽ có màu xanh đẹp mắt, dễ bán.

Cơ quan chức năng lấy các mẫu rau muống bào đã ngâm và hóa chất màu xanh để xét nghiệm, đồng thời tiêu hủy 1.400 kg rau muống bào của cả ba hộ này.

“Ba hộ trên còn cho biết đã mua hóa chất màu xanh của bà Nguyễn Thị Tâm (cư ngụ tại phường 15, quận Gò Vấp, TP.HCM)” - bà Nguyễn Thị Lệ Thoa, Trưởng phòng Quản lý an toàn thực phẩm thuộc Chi cục BVTV TP.HCM, nói.

Biết độc nhưng vẫn xài

Truy tìm người ngâm rau muống bào với hóa chất độc - 2

Dung dịch màu xanh còn sót lại trong chai nhựa tại nhà bà Sự. Ảnh: TRẦN NGỌC.

Tối 15-9, Chi cục BVTV TP.HCM cùng các cơ quan chức năng đã kiểm tra đột xuất nhà bà Tâm tại địa chỉ nói trên. Khi đến nơi, đoàn phát hiện nhà đối diện đang bào rau muống nên đã kiểm tra. Phát hiện người lạ, chủ nhà là bà Nguyễn Thị Sự nhanh tay đổ thau dung dịch màu xanh và chai nhựa cũng đựng dung dịch nói trên. Tuy nhiên, một thành viên trong đoàn kiểm tra đã kịp giữ lại chai nhựa còn sót lại một ít dung dịch.

Bị đoàn kiểm tra chất vấn, bà Sự cho biết đó là hóa chất không được sử dụng trong chế biến thực phẩm. Bà Sự lúc thì nói hóa chất được người quen cho, lúc thì nói mua của một người mang tới tận nhà. Tuy nhiên, cuối cùng bà Sự chỉ nói đã mua hóa chất màu xanh của một người hiện sống ở quận Gò Vấp.

Sau đó, đoàn kiểm tra tiếp tục làm việc với bà Tâm. Bà này thừa nhận đã bán hóa chất màu xanh cho ba hộ sản xuất rau muống ở xã Bình Mỹ (Củ Chi). Bà Tâm khai hóa chất mua ở chợ Kim Biên (TP.HCM) nhưng không đưa ra được chứng từ, hóa đơn. Bà này cũng không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hóa chất.

“Cơ quan chức năng tiếp tục yêu cầu bà Tâm cung cấp địa chỉ những nơi bà đã bán hóa chất màu xanh, sau đó sẽ tiến hành kiểm tra để kịp thời ngăn chặn rau muống độc hại bán ngoài thị trường” - bà Thoa cung cấp thông tin.

Bà Thoa nói thêm, sau khi có kết quả xét nghiệm, cơ quan chức năng sẽ ra quyết định xử phạt ba hộ ở xã Bình Mỹ, bà Sự và bà Tâm.

Theo TS Phan Thế Đồng, Trưởng dự án An toàn thực phẩm Trường ĐH Hoa Sen (TP.HCM), hóa chất màu xanh dương ngâm rau muống bào có thể là dung dịch sulfat đồng. “Sulfat đồng ở dạng bột, hòa tan trong nước để ngâm rau muống bào nhằm mục đích giúp rau luôn có màu xanh. Sulfat đồng một khi thấm vô rau thì không tiêu hủy ở nhiệt độ cao, không thải ra khi ngâm trong nước sạch. Rau muống bào ngâm sulfat đồng có thể gây ngộ độc cấp tính. Sử dụng lâu dài sẽ tích lũy trong cơ thể, hại não, thận, gan, da nổi mẩn ngứa, viêm kết mạc, giác mạc…

Ông Nguyễn Văn Minh, một tiểu thương kinh doanh rau muống bào ở chợ đầu mối Hóc Môn, còn cho biết rau muống bào sau khi được ngâm dung dịch sulfat đồng có thể giữ màu xanh suốt 20 tiếng. Bốc rau muống bào ngâm hóa chất, màu sẽ dính trên tay. Rau muống bào ngâm hóa chất khi rửa thì nước trong thau có màu vàng tựa như nước phèn. Trong khi rau muống bào không ngâm hóa chất trong vòng tám tiếng đã chuyển màu vàng, không bắt mắt.

Họ đã nói

Kiểm tra rau muống và bắp chuối bào ở các chợ đầu mối

Liên tục trong các đêm từ 12 đến 16-9, Chi cục BVTV TP.HCM đã lấy 13 mẫu rau muống bào và bắp chuối bào, ba mẫu nước ngâm bắp chuối bào, ba mẫu bột trắng không rõ nguồn gốc tại ba chợ đầu mối Bình Điền, Thủ Đức và Hóc Môn để phân tích hóa chất độc hại. Nếu phát hiện sai phạm, Chi cục sẽ phạt đúng quy định và công khai trên báo, đài. Nếu sai phạm nặng, Chi cục đề nghị ban quản lý chợ ngưng hợp đồng kinh doanh.

Bà NGUYỄN THỊ LỆ THOA, Trưởng phòng Quản lý an toàn thực phẩm thuộc Chi cục BVTV TP.HCM

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trần Ngọc (Pháp luật TP.HCM)
Thực phẩm bẩn Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN