Truy nợ doanh nghiệp xăng dầu

Nguyên nhân dẫn đến việc các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu không đồng ý với quyết định truy thu hàng trăm tỉ đồng tiền thuế xăng dầu tạm nhập tái xuất chuyển tiêu thụ nội địa là do bất đồng trong thời điểm tính thuế.

Tổng cục Hải quan vừa có văn bản gửi các đầu mối kinh doanh xăng dầu nhập khẩu là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tổng Công ty Dầu Việt Nam, Công ty TNHH MTV Xăng dầu Quân đội, Công ty Hóa dầu Nam Việt..., khẳng định việc truy thu thuế là đúng quy định của pháp luật (Báo Người Lao Động ngày 12-6 đã đưa tin).

Dựa vào tờ khai hải quan mới

Ngay từ giữa tháng 5-2013, Bộ Tài chính đã yêu cầu các công ty xăng dầu nộp bổ sung thuế cho các lô hàng tạm nhập không tái xuất với mức truy thu cụ thể: Công ty TNHH MTV Xăng dầu Quân đội bị truy thu gần 20 tỉ đồng, Tổng Công ty Dầu Việt Nam 66 tỉ đồng, Công ty Hóa dầu Nam Việt 26 tỉ đồng và Petrolimex 170 tỉ đồng.

Theo Bộ Tài chính, các doanh nghiệp (DN) khai báo hải quan các lô hàng trên theo diện tạm nhập tái xuất từ đầu năm 2012 nhưng đến cuối năm thì còn lại một khối lượng lớn đã không được tái xuất mà chuyển đổi mục đích sử dụng để tiêu thụ tại thị trường trong nước. Các lô hàng này không được miễn mà phải nộp đầy đủ số thuế nhập khẩu như hàng hóa thông thường, thời hạn tính khi DN thực hiện việc chuyển đổi mục đích sử dụng. Tuy nhiên, các DN đầu mối bị truy thu thuế không đồng tình với cách tính của Bộ Tài chính.

Truy nợ doanh nghiệp xăng dầu - 1

Quyết định truy thu thuế của Tổng cục Hải quan đã bị các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu “phản pháo”. Ảnh: HỒNG THÚY

Mới đây, Petrolimex đã đề nghị các cơ quan hữu trách không truy thu thuế đối với các lô hàng xăng dầu tạm nhập nhưng không tái xuất hết mà chuyển tiêu thụ nội địa trong năm 2012. Trong đề nghị này, ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch HĐTV Petrolimex, cho rằng cách truy thu và hồi tố trên không làm rõ được trách nhiệm các bên khi hướng dẫn và thực hiện Thông tư 194 của Bộ Tài chính mà còn gây thiệt hại cho tập đoàn này khoảng 170 tỉ đồng. “Trong khi đó, toàn bộ hoạt động kinh doanh xăng dầu của chúng tôi bị lỗ khoảng 125 tỉ đồng do ưu tiên nhiệm vụ bình ổn giá thị trường trong nước” - ông Bảo nói.

Theo báo cáo gửi Chính phủ của Công ty CP Hóa dầu Quân đội, quyết định truy thu thuế trên là chưa hợp lý. 2012 là năm Chính phủ điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường với định hướng kiềm chế lạm phát và bình ổn giá nên trong khoảng đầu năm, thuế suất mặt hàng xăng dầu được điều chỉnh ở mức 0%-3%. Đến cuối năm, do bảo đảm nguồn thu ngân sách nên thuế suất nhập khẩu lên 8%-12%.

Đây chính là lý do làm cho các lô hàng xăng dầu tái xuất không hết nhập lại, nếu áp dụng theo tờ khai hải quan từ thời điểm chuyển đổi mục đích sử dụng thì sẽ phải chịu mức thuế suất cao hơn. “Hơn nữa, việc Chính phủ chỉ đạo dừng tái xuất xăng dầu đột ngột khiến lượng hàng chưa tái xuất được chuyển vào tiêu thụ nội địa của công ty tăng cao đột biến vào cuối năm” - báo cáo nêu.

Văn bản chồng chéo

Đánh giá về động thái “phản pháo” việc truy thu thuế của các DN đầu mối, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng do chính sách tạm nhập tái xuất còn thiếu chặt chẽ nên tạo kẽ hở cho DN lợi dụng. “Như vậy, xăng dầu đã thẩm lậu vào Việt Nam dưới danh nghĩa tạm nhập tái xuất, sau đó không được xuất đi nước ngoài mà tiêu thụ trong nước để trốn thuế” - ông Long nhận định.

Về những tranh cãi xung quanh thời điểm tính thuế đối với những lô hàng tạm nhập không tái xuất mà chuyển sang tiêu thụ ở thị trường nội địa, ông Long nhận định: “Áp thuế vào thời điểm lô hàng được chuyển đổi mục đích sử dụng là hợp lý. Không thể tính thuế theo thời điểm nhập vào như đề xuất của DN vì thật ra họ đang lợi dụng thời điểm thuế suất nhập khẩu thấp để có lợi cho mình” - ông Long nói.

Tuy nhiên, theo một chuyên gia về xăng dầu, hiện nay, việc DN và cơ quan nhà nước bất đồng trong việc truy thu thuế xăng dầu tạm nhập tái xuất chuyển tiêu thụ nội địa là do đang cùng lúc tồn tại nhiều văn bản pháp lý.

Vị chuyên gia này cho biết Nghị định 154 của Chính phủ về thủ tục hải quan, giám sát hải quan, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu quy định rõ DN chỉ khai và nộp thuế theo quy định chứ không phải thay thế tờ hải quan, có nghĩa là  thuế suất nhập khẩu được tính tại thời điểm nhập. Đến ngày 7-12-2012, Bộ Tài chính lại có công văn gửi các cục hải quan địa phương, yêu cầu hàng hóa tạm nhập tái xuất không hết khi chuyển sang tiêu thụ nội địa phải thay tờ khai hải quan và thời điểm tính thuế tính từ thời điểm đăng ký tờ khai hải quan thay thế.

“Xét về tính pháp lý, Nghị định 154 cao hơn công văn trên. Chưa kể, nếu công văn trên có giá trị thực hiện thì không thể có tính hồi tố, tức là chỉ có hiệu lực sau ngày ký chứ không phải quay lại áp dụng cho cả năm 2012” - vị chuyên gia này phân tích.

Doanh nghiệp sẽ chấp hành!

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Trần Ngọc Năm, Phó Tổng Giám đốc Petrolimex, từ chối bình luận thêm về quyết định truy thu thuế của Tổng cục Hải quan vì đã có báo cáo phản hồi lên Chính phủ. “Tuy nhiên, đó là quyết định của cơ quan nhà nước và có tính pháp lý nên các đơn vị xăng dầu sẽ vẫn chấp hành” - ông Năm cho biết.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo PHƯƠNG NHUNG - TÔ HÀ (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN