Trưởng Phòng Nông nghiệp: "Tôi cũng khó mua được gạo Séng Cù Mường Khương thật"
Theo Trưởng phòng NN-PTNT huyện Mường Khương (Lào Cai), nếu không đến trực tiếp hộ sản xuất, ông cũng khó được ăn gạo Séng Cù thật của Mường Khương
Thời gian gần đây, gạo "Séng Cù Xanh" của Mường Khương lại liên tục được các tiểu thương quảng cáo, rao bán rầm rộ trên mạng.
Đăng thông tin bán gạo Séng Cù Xanh trên mạng xã hội, chị T.X. cho biết đây là loại gạo đặc sản của Mường Khương, Lào Cai được xát với lá tám thơm tự nhiên nên ăn như gạo tám xưa. Đặc biệt, hàng được kiểm nghiệm an toàn cho sức khỏe với giá 179 ngàn đồng/5 kg, 339 ngàn đồng/10 kg.
Gạo Séng Cù Xanh Mường Khương (Lào Cai) được rao bán rầm rộ trên mạng xã hội
Thực tế, sản phẩm gạo Séng Cù Xanh từng được bán rầm rộ, gây sốt thị trường vào năm ngoái nhưng sau đó đã được cơ quan chức năng khẳng định màu xanh này có thể được tạo ra từ phẩm màu hoặc lá tự cây tự nhiên.
Trao đổi với Báo Người Lao Động, ông Lê Thanh Hoa, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Mường Khương (Lào Cai), cho biết đến thời điểm này, địa phương không có giống gạo Séng Cù Xanh. Vì vậy, người tiêu dùng cần cẩn trọng khi mua bán, sử dụng loại gạo này.
Thực ra, không riêng mỗi Séng Cù Xanh. Hiện nay, Séng Cù là loại gạo đặc sản của huyện Mường Khương (Lào Cai). Thế nhưng, ông Hoa cho hay nhiều địa phương lân cận cũng gieo cấy Séng Cù. Chất lượng không bằng nhưng thương lái đều quảng cáo là Séng Cù Mường Khương.
"Qua tay thương lái bán cho người tiêu dùng lại nói là Séng Cù Mường Khương. Điều này làm ảnh hưởng tới chất lượng, thương hiệu và uy tín của gạo Séng Cù Mường Khương" - ông Hoa nhìn nhận.
Theo Trưởng Phòng NN-PTNT Mường Khương, việc bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận cho gạo Séng Cù Mường Khương đã được địa phương giao cho Hợp tác xã kinh doanh tổng hợp Mường Khương. Đây là nhãn hiệu thông thường, không phải nhãn hiệu tập thể, tên địa danh Mường Khương gắn với gạo Séng Cù giao cho hợp tác xã quản lý.
Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) giao cho hợp tác xã quản lý và phát triển thương hiệu. Vì vậy trước tình trạng xâm phạm thương hiệu, ông Hoa cho hay, hợp tác xã phải khởi kiện các địa phương, cá nhân lợi dụng gạo Séng Cù Mường Khương để bán hàng.
Ông cho hay: "Phòng NN-PTNT huyện Mường Khương đã trao đổi vấn đề này với hợp tác xã nhưng họ hiện giờ cung không đủ cầu, sản phẩm bán rất chạy nên đơn vị này chưa bận tâm lắm tới vấn đề này".
"Thời gian tới, với chức năng của cơ quan quản lý Nhà nước, chúng tôi sẽ hỗ trợ và hướng dẫn hợp tác xã tiếp tục đẩy mạnh vấn đề bảo vệ thương hiệu" - Trưởng phòng Lê Thanh Hoa nhấn mạnh.
Đáng chú ý, vị Trưởng phòng thừa nhận hiện nay gạo giả thương hiệu rất tinh vi. "Nói thật, tôi là Trưởng phòng Nông nghiệp, nhiều lúc đi mua mà không đến trực tiếp hộ sản xuất cũng chẳng được ăn Séng Cù thật của Mường Khương. Nguyên nhân là thương lái Mường Khương nhập Séng Cù từ nơi khác về bán ở địa phương và phân phối đi các tỉnh" - ông Hoa chia sẻ thêm.
Để ngăn chặn triệt để tình trạng này, cần sự triển khai đồng bộ các giải pháp từ cơ quan quản lý nhãn hiệu, cơ quan quản lý nhà nước, người tiêu dùng thông thái.
Thống kê ước tính, sản lượng gạo Séng Cù của Mường Khương trong năm 2024 đạt khoảng 2.500 tấn, giá bán tại địa phương dao động từ 27 – 30 ngàn đồng/kg, về Hà Nội sẽ được bán với giá 35 ngàn đồng/kg.
Loại khổ qua này khi chín sẽ có vị rất ngọt, có thể ăn trực tiếp như trái cây.
Nguồn: [Link nguồn]