Trung thu chưa đến, lồng đèn "ngoại" đã tràn ngập
Dù còn gần một tháng nữa mới đến Tết Trung Thu, nhưng thị trường lồng đèn tại TPHCM đã sôi động hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, thay vì chứng kiến sự lên ngôi của các sản phẩm lồng đèn truyền thống như 2 năm gần đây, lồng đèn "ngoại" (nhập khẩu từ nước ngoài) lại tràn ngập các cửa hàng, chợ và cả trên các nền tảng mua sắm trực tuyến.
Chiếm lĩnh thị trường vì giá rẻ
Theo ghi nhận từ các chợ đầu mối như chợ Bình Tây (Quận 6), phố lồng đèn Lương Nhữ Học, Hải Thượng Lãn Ông (Quận 5), lồng đèn có xuất xứ từ nước ngoài đang chiếm khá nhiều ưu thế. Tại những khu vực này hiện tràn ngập các sản phẩm lồng đèn điện tử, đèn led có giá thành rẻ, mẫu mã đa dạng.
Là một trong những điểm đến khi tới mùa Trung Thu, khu phố lồng đèn Lương Nhữ Học luôn thu hút lượng lớn khách tham quan, đặc biệt là giới trẻ. Dù còn gần một tháng nữa mới đến ngày rằm, nhưng con phố này đã rực rỡ đèn hoa từ nhiều ngày qua. Dù vậy, theo quan sát của chúng tôi, khu phố lồng đèn này hiện có khá ít gian hàng, chỉ khoảng một nửa so với mọi năm nhưng cũng trưng bày đầy đủ các loại đèn lồng với đủ mọi chất liệu và kiểu dáng.
Lồng đèn được quảng cáo đến từ Hội An
Ngoài các mô hình đèn lồng truyền thống, các lồng đèn có xuất xứ từ nước ngoài cũng được bày bán công khai, cập nhật nhanh chóng những trào lưu mới như lồng đèn thú bông capybara, quái vật Labubu... Các sản phẩm này được nhiều bạn trẻ, thiếu nhi thích thú lựa chọn, giá chỉ dao động từ 50.000 đồng đến 200.000 đồng. Minh Thùy (19 tuổi, ngụ Q.Bình Tân) cho biết, bản thân tranh thủ đi chơi và chụp hình sớm ở phố lồng đèn để có nhiều ảnh đẹp, đồng thời không phải chen lấn như mọi năm. Đối với hầu hết người trẻ, lồng đèn thường chỉ mua để chụp hình, đăng lên mạng xã hội hoặc chơi 1 - 2 ngày nên không quan tâm nhiều lắm đến chất lượng, xuất xứ.
Tương tự, nhiều tiểu thương ở phố lồng đèn Hải Thượng Lãn Ông cũng cho biết, một lượng lớn lồng đèn bày bán là hàng có xuất nước nước ngoài với giá từ 20.000 đến 300.000 đồng/chiếc, tùy chủng loại và mẫu mã. Mức giá thấp nhưng đi kèm nhiều chức năng hấp dẫn nên loại hàng này vẫn có chỗ đứng, trở thành lựa chọn phổ biến của nhiều gia đình, học sinh hoặc trẻ em. Trong khi đó, lồng đèn thủ công Việt Nam thường có giá cao hơn, từ 30.000 đến 120.000 đồng cho những loại đèn đơn giản, làm thủ công bằng giấy bóng kính.
Bóp nghẹt lồng đèn truyền thống
Tuy nhiên, chính sự rẻ tiền này đã đặt ra nhiều nghi ngại về chất lượng. Trước đó, theo một báo cáo của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, nhiều lồng đèn không nguồn gốc chứa các chất hóa học độc hại như chì, cadimi vượt ngưỡng cho phép. Năm 2023, nhiều vụ tai nạn cũng đã xảy ra với nguyên nhân do pin lồng đèn phát nổ sau một thời gian sử dụng. Những sự cố này cho thấy nguy cơ tiềm ẩn khi sử dụng các sản phẩm kém chất lượng không được kiểm định an toàn.
Phố lồng đèn Lương Nhữ Học
Sự cạnh tranh, đôi lúc thống trị của lồng đèn "ngoại" không chỉ ảnh hưởng đến người tiêu dùng, mà còn gây ra những thiệt hại lớn đối với ngành sản xuất lồng đèn truyền thống tại Việt Nam. Làng nghề làm lồng đèn ở Phú Bình (Quận 11) từng là một trong những trung tâm sản xuất lồng đèn thủ công nổi tiếng. Thế nhưng, theo chia sẻ từ chị Lê Thị Thắm, một nghệ nhân làm lồng đèn, sản lượng tiêu thụ của lồng đèn thủ công đã giảm tới 70 - 80% trong vòng 5 năm qua.
Chị Thắm cho biết, cả làng nghề chỉ còn lác đác vài hộ bám trụ, hầu hết là những người già và trung niên là còn làm lồng đèn. Hiện cũng có những tổ chức, đoàn hội mua tặng cho các em thiếu nhi khó khăn vùng sâu vùng xa, làm từ thiện hoặc một số nơi mua đèn để tặng trẻ em, trang trí cửa hàng... Còn các khu chợ, cửa hàng, phố lồng đèn chỉ mua với số lượng không đáng kể.
Dù chưa có số liệu mới nhất, trong một báo cáo của Bộ Công Thương, làng nghề sản xuất lồng đèn tại Việt Nam đã giảm từ 50 làng nghề vào năm 2015 xuống còn chưa đầy 20 làng nghề hoạt động thường xuyên vào năm 2023. Nhiều nghệ nhân than thở, họ không thể cạnh tranh với lồng đèn "ngoại" về giá thành và quy mô sản xuất. Để làm ra một chiếc lồng đèn ông sao truyền thống, một người thợ phải tốn khoảng 3 - 4 giờ để hoàn thành các bước từ chặt tre, vẽ họa tiết đến ghép lồng đèn. Trong khi đó, lồng đèn có xuất xứ từ nước ngoài chỉ mất vài phút vì sản xuất bằng máy móc.
Lồng đèn gắn pin, phát nhạc với nhiều mẫu mã đa dạng chiếm ưu thế
Không chỉ vậy, sản phẩm truyền thống còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận người tiêu dùng. Ở nhiều thời điểm, các nghệ nhân làm lồng đèn truyền thống đã phải cạnh tranh, giảm giá sản phẩm xuống gần một nửa chỉ để hy vọng có người nhập hàng, hàng hóa được trưng bày tại các con phố lồng đèn. Trước thực trạng này, nhiều địa phương đã nỗ lực triển khai các biện pháp nhằm bảo tồn và phát triển lồng đèn truyền thống. Ở Hội An, một số nghệ nhân đã phối hợp với các doanh nghiệp địa phương để xây dựng các tour du lịch trải nghiệm làm lồng đèn, thu hút khách du lịch quốc tế và trong nước. Chương trình này không chỉ giúp bảo tồn kỹ thuật làm lồng đèn thủ công mà còn tạo ra thu nhập ổn định hơn cho các nghệ nhân.
Tại TPHCM, chính quyền đã tổ chức các hội chợ Trung thu mang tính chất truyền thống với sự tham gia của các làng nghề lồng đèn. Các chiến dịch khuyến khích người tiêu dùng ủng hộ sản phẩm Việt cũng được triển khai thông qua các kênh truyền thông và giáo dục cộng đồng. Qua khảo sát, nhiều lồng đèn có xuất xứ từ Hội An cũng được bày bán tại phố lồng đèn Lương Nhữ Học. Tuy nhiên, hầu hết chỉ có 1 - 2 mẫu mã, ít đa dạng và giá cao gần gấp đôi các loại lồng đèn cùng kích cỡ.
Nhằm tăng giá trị các sản phẩm của làng nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn, UBND TPHCM đã ban hành kế hoạch số 1784/KH-UBND về hỗ trợ phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2022-2025. Theo đó, các cơ sở ngành nghề nông thôn được hưởng các cơ chế, chính sách theo Đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn TPHCM (OCOP) giai đoạn 2021-2025. Đối với các làng nghề phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của khách du lịch cũng như điều kiện về cơ sở hạ tầng dịch vụ bảo đảm, sẽ được ưu tiên mở các tour du lịch. UBND TPHCM sẽ hỗ trợ xây dựng và phát triển thương hiệu làng nghề, phát triển làng nghề kết hợp du lịch - giáo dục trải nghiệm, du lịch cộng đồng, tạo sinh kế cho người dân.
Bánh trung thu hình rồng, lân, cá chép, công được làm thủ công tỉ mỉ, có giá bán cả triệu đồng cho hộp 9 cái.
Nguồn: [Link nguồn]