Trung Quốc trồng ồ ạt thanh long, Việt Nam tìm gấp thị trường mới
Giá thu mua thanh long nhiều năm qua luôn bấp bênh vì phụ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc. Vì vậy, loại nông sản lợi thế này cần được đa dạng hóa thị trường hơn nữa, nhất là đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường khó tính.
Trung Quốc tăng nguồn cung nội địa
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), bình quân lượng thanh long Trung Quốc nhập khẩu từ nước ngoài khoảng 530.000 – 550.000 tấn/năm, trong đó chủ yếu là từ Việt Nam với tỷ trọng chiếm tới 98%. Địa bàn chính tiêu thụ thanh long Việt Nam là các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây và Vân Nam.
Thanh long Việt Nam đang được xuất khẩu sang thị trường của 25 nước và vùng lãnh thổ.
Ngoài ra, nguồn cung thanh long từ nội địa nước này cũng đang được đẩy mạnh. Hiện tổng diện tích gieo trồng thanh long của Trung Quốc đạt gần 40.000ha. Quảng Tây là vùng trồng lớn nhất (gần 15.300ha, chiếm gần 40% tổng diện tích toàn Trung Quốc).
Dự kiến diện tích gieo trồng và sản lượng thanh long của Trung Quốc trong vài năm tới sẽ tiếp tục tăng. Mới đây, quả thanh long đã được một số địa phương như Quảng Tây, Hải Nam đưa vào danh mục hoa quả trọng điểm phát triển trong kế hoạch 5 năm lần thứ 13.
Một đặc điểm khác là vụ thu hoạch của Trung Quốc không chênh lệch nhiều với Việt Nam nên giá bán cũng bị ảnh hưởng theo. Thanh long nội địa Trung Quốc bắt đầu thu hoạch từ tháng 5 - 11, rải rác khắp các vùng trồng. Trong khi mùa chính vụ của Việt Nam bắt đầu từ tháng 4 - 8.
Theo ông Trần Quốc Toản - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), các vùng trồng thanh long quy mô lớn thường có giá ổn định. Giá thu mua tại vườn hiện bình quân từ 6 - 8NDT/kg. Khi đến tay người tiêu dùng Bắc Kinh, giá thấp nhất là khoảng 21NDT/kg.
Giá thanh long nội địa Trung Quốc thường cao vào thời điểm cuối năm trước và đầu năm sau. Từ tháng 5 trở đi, cùng với thanh long, nhiều loại trái cây tại Trung Quốc như táo, đào, lê, dưa hấu, vải, anh đào... cũng vào vụ thu hoạch. Do đó, không chỉ riêng thanh long, giá trái cây nói chung tại thị trường này đều có xu hướng giảm mặc dù nhu cầu tiêu thụ vẫn tăng nhất định.
Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu thanh long vừa giúp giảm bớt lệ thuộc, vừa để xây dựng chiến lược phát triển bền vững. Ảnh: Nguyên Vỹ
Nhìn chung, ông Toản cho biết, nhu cầu tiêu thụ thanh long nói riêng cũng như trái cây nói chung của Trung Quốc vẫn còn lớn, đặc biệt là các tỉnh Quảng Tây, Quảng Đông và khu vực phía Bắc.
Theo ông Trần Quốc Toản, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu thanh long sang Trung Quốc không còn duy trì ở mức cao như giai đoạn trước. Tuy nhiên, xuất khẩu sang một số thị trường khác lại có sự tăng trưởng ấn tượng cho thấy hiệu quả trong công tác tái cơ cấu, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu thời gian qua. Các địa phương cần chủ động tìm kiếm thị trường, nhất là các thị trường khó tính để xây dựng chiến lược phát triển bền vững. |
“Tuy nhiên, Trung Quốc đang có xu hướng giảm nhập khẩu nhờ tự nội địa hóa nguồn cung. Hoạt động xuất khẩu trái cây nói chung và thanh long nói riêng của Việt Nam sang thị trường này trong thời gian tới sẽ bị tác động nhất định” - ông Toản nói.
Đa dạng thị trường
Đồng tình với nhận định trên, ông Trương Quang An - Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) thanh long Tầm Vu (Long An) cho biết, ngoài gia tăng diện tích gieo trồng, Trung Quốc đang áp dụng công nghệ hiện đại nhằm bảo quản tốt hơn thanh long trong trường hợp gặp rủi ro về thiên tai và thương mại.
Bên cạnh đó, cùng với công tác cải cách cơ cấu tổ chức quản lý cũng như tăng cường áp dụng các biện pháp kiểm tra, kiểm soát về truy xuất nguồn gốc, quy cách đóng gói và chất lượng đối với trái cây nhập khẩu, Trung Quốc ngày càng thể hiện sự chuyên nghiệp, chặt chẽ trong công tác quản lý lĩnh vực an toàn thực phẩm.
Hiện nay, thanh long được xuất khẩu sang thị trường của 25 nước và vùng lãnh thổ. Tuy vậy, cũng như nhiều loại nông sản khác, thanh long vẫn dễ rơi vào tình trạng được mùa rớt giá do lệ thuộc vào Trung Quốc.
“Bên cạnh việc nỗ lực đáp ứng các tiêu chuẩn nhằm ổn định thị trường truyền thống này, việc đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu là yêu cầu cấp thiết hiện nay” - ông An nói.
Tương tự, trái thanh long của Bình Thuận hiện đã xuất khẩu sang 12 nước và vùng lãnh thổ, trong đó, chủ lực là thị trường châu Á (chiếm 83%). Ông Phạm Văn Nam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, trong năm 2019, tỉnh tiếp tục đề ra mục tiêu phát triển mở rộng và đa dạng hóa thị trường nhằm đảm bảo đầu ra ổn định.
Tại thị trường Trung Quốc, tỉnh này sẽ tăng cường xuất khẩu chính ngạch thanh long bằng đường biển, cung cấp cho thị trường các tỉnh, thành phía Đông và các tỉnh nằm sâu trong nội địa Trung Quốc.
Ngoài ra, Bình Thuận sẽ tăng cường xúc tiến thương mại tại Úc, New Zealand và một số quốc gia khu vực Trung Đông hoặc các nước đã ký hiệp định thương mại tự do với Việt Nam để mở thêm thị trường mới cho việc xuất khẩu thanh long.