Trung Quốc tăng mua, giá trái cây Việt Nam tăng mạnh?
Giá trái cây đang tăng cao hơn khi Trung Quốc tăng thu mua. Dự báo còn tăng tiếp khi Trung Quốc mở cửa thông quan trở lại từ 8/1/2023.
Theo ghi nhận của PV Báo Giao thông, những ngày qua, giá các mặt hàng trái cây có xu hướng tăng cao, đặc biệt là quả thanh long.
Anh Hoạt, chủ vựa thanh long ở Tiền Giang cho biết, quả thanh long đang được thương lái mua ở mức cao gấp 3 lần so với thời điểm cách đây một tháng.
Cụ thể, thanh long ruột đỏ loại 1 được thu mua với giá trên 34.000 đồng/kg, loại 2 với giá 28.000-30.000 đồng/kg và loại 3 là từ 23.000-25.000 đồng.
Thanh long ruột đỏ tăng giá gấp 3. Ảnh: Thanh Phong
Với mức giá trên, theo ông Hoạt, sau khi trừ chi phí tiền điện xông đèn (kích thích ra hoa) và phân, thuốc bảo vệ thực vật…sẽ thu lãi khoảng 100 triệu đồng/5 tấn hàng.
“Đây là mức giá quá cao so với kỳ vọng. Khác với năm trước, nhiều thời điểm giá chỉ 5.000-7.000 đồng/kg, khiến nhiều chủ vựa phá sản”, ông Hoạt nói và cho biết, có được mức giá trên là do phía Trung Quốc tăng thu mua.
Tương tự, tại thủ phủ thanh long Bình Thuận, giá thanh long cũng tăng mạnh. Cụ thể, thanh long ruột trắng loại 1 có giá 13.000-15.000 đồng/kg, thanh long ruột đỏ giá 35.000-37.000 đồng/kg.
“Giá thanh long ruột trắng hiện tăng mạnh so với thời điểm cuối năm 2021, nhưng chưa thể phục hồi về mức giá năm 2019 - thời điểm trước dịch Covid-19”, một doanh nghiệp cho biết.
Mức giá này chưa dừng lại khi từ 8/1/2023, Trung Quốc sẽ mở cửa trở lại, việc xuất khẩu thanh long sang Trung Quốc sẽ thuận lợi hơn trước.
Không chỉ quả thanh long, ông Đặng Phúc Nguyên, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, khi tình hình thông quan tại các cửa khẩu thông suốt, năm nay, Việt Nam có thêm loại quả tỷ đô là sầu riêng nên giá trị xuất khẩu dịp Tết sẽ rất cao.
Ngoài ra, việc thông qua thuận lợi với thị trường trung quốc, giá các mặt hàng trái cây khác cũng được dự báo tăng lên, và tăng mạnh với những mặt hàng xuất khẩu truyền thống.
Với những yếu tố đó, ông Nguyên dự báo năm 2023 kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng 20-30%, đạt khoảng 4 tỷ USD. Trong đó sầu riêng, thanh long có kim ngạch cao nhất.
“Dự kiến năm 2023 hai mặt hàng này sẽ đứng vào nhóm mặt hàng tỷ USD, nhờ đó kim ngạch xuất nhập khẩu rau quả sẽ tăng mạnh”, ông Nguyên nói.
Tuy nhiên, vị này cũng khuyến cáo, Trung Quốc hiện đã là thị trường khó tính, tiêu chuẩn khắt khe nên bà con nông dân, doanh nghiệp cần tuân thủ quy định thị trường để xuất khẩu suôn sẻ, tránh vi phạm...
Hiện nay, Việt Nam có 5 sản phẩm nguồn gốc thực vật xuất khẩu sang Trung Quốc theo hình thức ký kết nghị định thư gồm: măng cụt, thạch đen, sầu riêng, chuối và khoai lang.
Đồng thời, có 7 mặt hàng trái cây xuất khẩu dạng truyền thống được cho phép là: xoài, thanh long, nhãn, vải, dưa hấu, chôm chôm và mít.
Ngoài ra, Việt Nam đang xuất khẩu tạm thời chanh leo và ớt tươi sang thị trường láng giềng. Bên cạnh đó, một số mặt hàng đang tiếp tục đàm phán mở cửa thị trường như, bưởi, mãng cầu, dừa, mận, chanh...
Nguồn: [Link nguồn]
Thời gian qua các doanh nghiệp bất động sản bị rơi vào trạng thái “ngủ đông”. Nhiều dự án được cắt giảm, còn người dân cũng tiết giảm nhu cầu xây dựng, sửa chữa nhà...