Trung Quốc nuôi cá tra, có đáng lo?

Sự kiện: Thời sự

Thông tin nhiều doanh nghiệp Trung Quốc chuyển sang đầu tư nuôi cá tra với công nghệ hiện đại phục vụ xuất khẩu có thể sẽ khiến nhiều người lo lắng. Trước động thái này, các doanh nghiệp Việt cần có những hành động để tiếp tục giữ vững hình ảnh con cá tra Việt.

Khi không còn “một mình một chợ”

Thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, một số doanh nghiệp (DN) Trung Quốc đang chuyển dần đầu tư sang nuôi cá tra trong nước để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến động thái này là do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung khiến cá rô phi của Trung Quốc đang bị “thất thế” nặng nề trên thị trường xuất khẩu (XK) lớn của nước này là Mỹ. Vì vậy, các công ty Trung Quốc đang nỗ lực chuyển hướng sang sản xuất cá tra. Tuy nhiên, do mới bắt đầu nuôi nên chất lượng cá tra tại Trung Quốc còn khá thấp. Ngoài ra, thịt cá tra tại đây có màu vàng nên chưa được nhiều khách hàng.

Trung Quốc nuôi cá tra, có đáng lo? - 1

Trung Quốc mở rộng nuôi cá tra có thể ảnh hưởng đến nghề nuôi, chế biến cá tra của Việt Nam.  Ảnh: Tư liệu

Đối với cá tra, phạm vi của Chương trình giám sát quốc gia dư lượng các chất độc hại trong thủy sản nuôi hiện nay bao gồm 34 vùng nuôi cá tra thương phẩm thuộc 11 tỉnh khu vực Nam Bộ (Tây Ninh, Sóc Trăng, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Tiền Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Hậu Giang, An Giang, Long An).

Hiện Trung Quốc đang phát triển nuôi cá tra từ nguồn cá giống của Việt Nam, tuy nhiên, tình trạng mua bán, trao đổi cá tra giống qua đường biên giới Trung Quốc có thể tiềm ẩn những bất ổn.

Trong cuộc trao đổi với báo chí, ông Vĩ Tích Thành - Tham tán Kinh tế Thương mại Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc tại TP.HCM cho biết, người Trung Quốc gần đây rất thích ăn cá tra, basa cho món lẩu. Hiện, Việt Nam là nhà cung cấp cá thịt trắng lớn thứ 3 cho thị trường Trung Quốc, chỉ đứng sau Nga và Na Uy. Từ năm 2015 - 2018, XK cá tra sang thị trường Trung Quốc (bao gồm Hồng Kông) tăng trưởng liên tục từ 30-88%.

Thực tế, không chỉ con cá tra mà rất nhiều loại nông sản khác đang được Trung Quốc đẩy mạnh sản xuất tại thị trường nội địa như thanh long, xoài, dưa hấu. Cộng với chính sách siết chặt quản lý nhập khẩu thông qua các điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm, dự báo, xuất khẩu sang thị trường này không còn dễ dàng như trước.

VASEP cũng đưa ra khuyến cáo các DN trong nước nên cân nhắc hoạt động sản xuất khi Trung Quốc bắt đầu đầu tư và nuôi cá tra, đồng thời ngành chức năng, các địa phương quản lý việc bán giống cá tra cũng như thủy hải sản khác qua đường biên giới.

Hình ảnh cá tra Việt được cải thiện

Điều đáng mừng là trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt, hình ảnh con cá tra Việt ngày càng được cải thiện trên thị trường XK nhờ nỗ lực cải thiện chất lượng sản phẩm của các DN.

Theo Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, để kiểm soát nguồn nguyên liệu an toàn cho người tiêu dùng trong nước và đáp ứng được yêu cầu tiên quyết của các thị trường nhập khẩu, Cục được giao thực hiện Chương trình giám sát quốc gia dư lượng các chất độc hại trong thủy sản nuôi cho các đối tượng thủy sản nuôi thương phẩm có sản lượng, giá trị lớn.

Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản cho hay, tỷ lệ mẫu cá tra bị phát hiện vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm trong chương trình năm 2018 cao nhất trong 4 năm gần đây.

Các chỉ tiêu bị phát hiện chủ yếu là hóa chất kháng sinh cấm sử dụng trong sản xuất kinh doanh thủy sản. Việc tìm ra nguyên nhân đã giúp phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm ngay trong quá trình nuôi, góp phần quan trọng hạn chế số lượng các lô hàng cá tra vi phạm khi kiểm tra trước khi XK. Từ đó, giúp số lượng lô hàng cá tra XK bị cảnh báo tại các thị trường nhập khẩu trong năm 2018 giảm mạnh so với các năm trước.

Cụ thể, tổng khối lượng các sản phẩm cá tra XK vào một số thị trường tiêu thụ chính của Việt Nam được kiểm tra và cấp chứng thư năm 2018 là 21.350 lô, tăng khoảng 5% số lô so với năm 2017. Trong năm 2018, số lô hàng cá tra bị phát hiện không bảo đảm an toàn thực phẩm là 84 lô, tỷ lệ vi phạm là 0,39% (giảm so với năm 2017 là 0,89%). Các chỉ tiêu vi phạm chủ yếu bao gồm: Hhóa chất kháng sinh cấm như CAP, Enrofloxacin, Ciprofloxacin; vi sinh vật gây bệnh như: E.Coli, Salmonella, Listeria Monocytogenes.

Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản cho biết thêm, trong năm 2018, Cục nhận được thông tin về 6 lô hàng cá tra XK của Việt Nam bị các thị trường cảnh báo không bảo đảm an toàn thực phẩm, giảm đáng kể so với những năm gần đây. Các thị trường cảnh báo là EU (2 lô), Mỹ (3 lô), Liên minh Kinh tế Á-Âu (1 lô).

Để nâng cao hình ảnh cho cá tra Việt, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản đề nghị, Tổng cục Thủy sản tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức của người nuôi; tăng cường tập huấn, hướng dẫn người nuôi áp dụng các quy trình nuôi cá tra an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh như VietGAP, ASC, GlobalGAP, BAP…; tổ chức giám sát, cảnh báo sớm dịch bệnh trên cá tra để kịp thời khuyến nghị và hướng dẫn người nuôi phòng trị bệnh hiệu quả, sử dụng thuốc  đúng.

Trung Quốc đẩy mạnh nuôi cá tra để cạnh tranh với Việt Nam

Các doanh nghiệp Trung Quốc đang đẩy mạnh nuôi cá tra nội địa nhưng chất lượng còn thấp hơn nhiều so với cá tra Việt...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Khánh Nguyên ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN