Trung Quốc mở cửa nhập heo, đừng vội mừng

Sự kiện: Kinh Doanh

Ông Nguyễn Xuân Dương, Cục phó Cục Chăn nuôi thuộc BộNN&PTNT, cho biết Bộ Nông nghiệp Trung Quốc đã đồng ý về mặt chủ trương cho phép nhập khẩu chính ngạch các sản phẩm thịt heo của Việt Nam.

Cụ thể, Trung Quốc chỉ nhập khẩu thịt heo đã qua giết mổ, xẻ mảnh đông lạnh và hạn chế nhập khẩu heo sống nguyên con. Đặc biệt heo thịt phải được kiểm soát về dịch bệnh, nhất là bệnh lở mồm long móng.

“Thời gian tới, phía Trung Quốc sẽ cử đại diện sang Việt Nam phối hợp với Cục Thúy rà soát quy trình kiểm soát an toàn dịch bệnh và giết mổ. Sau khi hoàn thiện quy trình và thủ tục ngay trong năm nay, hai bên sẽký kết hiệp định xuất khẩu thịt heo” - ông Dương cho biết.

Trước thông tin trên, nhiều ý kiến lạc quan cho rằng heo Việt Nam có cơ hội xuất hàng triệu tấn sang Trung Quốc. Qua đó sẽ kích thích thị trường và ổn định tâm lý của người chăn nuôi.

Trung Quốc mở cửa nhập heo, đừng vội mừng - 1

Hình minh họa

Tuy nhiên, theo ông Dương, thị trường Trung Quốc sẽ tiêu thụ với số lượng hạn chế chứ không nhiều như trước. Lý do là khi xuất khẩu theo con đường chính ngạch, Việt Nam chỉ có thể xuất khẩu heo cấp đông, heo mảnh. Hơn nữa, để đáp ứng được tiêu chuẩn xuất khẩu chính ngạch, chăn nuôi trong nước phải tổ chức sản xuất lại theo chuỗi thông qua liên kết các hộ chăn nuôi thành hợp tác xã, tổ hợp tác và liên kết với doanh nghiệp chế biến để hình thành chuỗi khép kín từtrang trại đến bàn ăn.

Ông Văn Đức Mười, chuyên gia lĩnh vực chăn nuôi, cũng cho rằng các thỏa thuận cụ thể về mặt kỹ thuật sẽ mất thêm nhiều thời gian. “Trung Quốc mở cửa nhập khẩu lại heo Việt Nam nhưng đừng vội mừng vì rất khó để nước ta có thể đáp ứng những yêu cầu về thú y, kiểm dịch. Theo tôi, để ngành chăn nuôi Việt Nam xây dựng được vùng kiểm dịch an toàn, có quy trình giết mổ, đông lạnh an toàn phải mất thời gian khoảng 18 tháng mới có thể đáp ứng yêu cầu xuất khẩu chính ngạch. Tuy nhiên, muộn vẫn còn hơn không. Trung Quốc vốn là thị trường dễ tính nhưng giờ đã khác, yêu cầu chất lượng, dịch bệnh được đặt lên hàng đầu, buộc chăn nuôi nước ta phải thay đổi” - ông Mười nhấn mạnh.

Cũng theo ông Mười, hiện tại có nhiều công ty chăn nuôi Việt Nam đã đáp ứng được tiêu chuẩn heo VietGAP, thịt đảm bảo chất lượng xuất khẩu như Vissan, Sagri và các công ty nước ngoài. Thế nhưng yêu cầu thúy đặt ra là Việt Nam phải có vùng kiểm dịch an toàn cho cả nước, khi chưa đạt thì dù có công ty nào trong nước làm tốt cũng khó đủ điều kiện xuất khẩu.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quang Huy (Pháp luật TPHCM)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN