Trung Quốc "làm khó", xuất khẩu rau quả vẫn lấy lại “phong độ”

Sự kiện: Kinh Doanh

Những tháng đầu năm 2019 ghi nhận sự sụt giảm đáng kể của ngành chế biến, xuất khẩu rau quả. Tuy nhiên, những tín hiệu tích cực gần đây cho thấy, lĩnh vực này có thể sớm lấy lại đà tăng trưởng.

Trung Quốc “làm khó”, kim ngạch sụt giảm

Theo Tổng cục Hải quan, 2 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu rau quả chỉ đạt trên 585 triệu USD, giảm tới 9,7% so với cùng kỳ 2018. Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng xuất khẩu rau quả 2 tháng đầu năm sụt giảm mạnh do nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài và cũng là thời gian thu hoạch nhiều loại trái cây tại Trung Quốc như thanh long, dưa hấu.

Trung Quốc "làm khó", xuất khẩu rau quả vẫn lấy lại “phong độ” - 1

Xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc giảm do những thay đổi từ chính sách nhập khẩu. Ảnh: T.L

Dù xuất khẩu rau quả 2 tháng đầu năm sụt giảm mạnh nhưng thống kê của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT) cho thấy, giá trị xuất khẩu rau quả tháng 4.2019 ước đạt 462 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu rau quả 4 tháng đầu năm 2019 ước đạt 1,4 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2018. Trung Quốc đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu rau quả của Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2019 với 71,7% thị phần.

Xuất khẩu rau quả sang thị trường này trong 3 tháng đầu năm 2019 đạt 680 triệu USD, giảm 6,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. Ba tháng đầu năm 2019, các thị trường có giá trị xuất khẩu rau quả tăng mạnh là Úc (tăng 54,5%), Hàn Quốc (30,7%) và Hà Lan (25,2%).

Trong khi đó, giá trị nhập khẩu mặt hàng rau quả tháng 4.2019 đạt 230 triệu USD, đưa tổng giá trị mặt hàng rau quả nhập khẩu 4 tháng đầu năm 2019 đạt 649 triệu USD, tăng 42,3% so với cùng kỳ năm 2018Thị trường nhập khẩu rau quả lớn nhất trong 3 tháng đầu năm 2019 là thị trường Thái Lan (chiếm 40,2% thị phần), Trung Quốc (chiếm 21%).

Nhiều ý kiến cho rằng, sở dĩ có sự sụt giảm đáng kể này là do thị trường chiếm trên 74% thị phần là Trung Quốc đẩy mạnh truy xuất nguồn gốc, tăng cường quản lý chất lượng. Rau quả Việt Nam chỉ được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc trên tuyến biên giới đất liền Việt - Trung. Hải quan Trung Quốc còn yêu cầu phải làm thủ tục thông quan tại các cửa khẩu đã được chỉ định là cửa nhập khẩu trái cây…

Những vấn đề đó đã khiến xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc bị sụt giảm. Cụ thể, trong quý I/2019, xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc giảm 6,3% so cùng kỳ khi chỉ đạt 680,047 triệu USD.

Theo TS Lê Thanh Hòa – Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính khi họ bắt đầu có những yêu cầu khắt khe về truy xuất nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Như trái dưa hấu, thời gian qua đã phải dán tem nhãn để truy xuất nguồn gốc, vì vậy, không còn cách nào khác, chúng ta phải thay đổi để đáp ứng được yêu cầu của thị trường nhập khẩu.

Lấy lại “phong độ”

Đánh giá của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho thấy, xuất khẩu rau quả đã tăng trưởng mạnh mẽ trở lại trong nửa cuối tháng 3, giúp cho xuất khẩu rau quả trong quý I.2019 không còn ảm đạm.

Trong tháng 3, giá trị xuất khẩu rau quả là 364,599 triệu USD, tăng tới 57,4% so với tháng 2.2019 và tăng 37% so với tháng 3.2018. Đây là mức tăng trưởng cao mà ngành rau quả từng đạt được trong nhiều tháng của năm 2017 và đầu 2018. Sự tăng trưởng mạnh mẽ của xuất khẩu rau quả trong tháng 3 là một tín hiệu vui khi mà 2 tháng đầu năm đều tăng trưởng âm.

Điều đáng chú ý là trong khi xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc và một số nước Đông Nam Á bị giảm sút đáng kể thì lại tăng trưởng mạnh ở nhiều thị trường khó tính. Cụ thể, trong quý 1, xuất khẩu rau quả sang Úc tăng 54,4%, đạt 9,534 triệu USD; UAE tăng 47,2%, đạt 10,496 triệu USD; Hàn Quốc tăng 30,9%, đạt 31,270 triệu USD; Hà Lan tăng 25,9%, đạt 16,677 triệu USD; Mỹ tăng 10%; đạt 31,745 triệu USD… Điều này cho thấy khả năng tiếp cận các thị trường khó tính của rau quả Việt Nam ngày càng được cải thiện.

Gần đây nhất, sáng 18.4, UBND tỉnh Đồng Tháp phối hợp với Bộ NNPTNT tổ chức lễ công bố xuất khẩu lô xoài đầu tiên sang Mỹ. Trái xoài Việt Nam hiện đã được xuất khẩu sang 40 thị trường trên thế giới như: Châu Âu, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, New Zealand... Đây cũng là loại trái cây thứ 6 của Việt Nam được cấp phép xuất khẩu sang thị trường Mỹ, chỉ sau thanh long, chôm chôm, nhãn, vải, vú sữa.

Như vậy, tiềm năng của quả xoài Việt Nam vào thị trường Mỹ là rất lớn. Hiện sản lượng xoài trồng ở Mỹ mỗi năm chỉ được khoảng 3.000 tấn, bằng 1/100 số lượng họ phải nhập khẩu mỗi năm. Trong khi đó, chất lượng xoài của Việt Nam không hề thua kém các nước ở Trung Mỹ và Nam Mỹ.

Tuy vậy, những thay đổi từ phía thị trường nhập khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc cho thấy, nếu chúng ta không tự thay đổi sẽ tự đánh mất thị trường. “Nhu cầu nhập khẩu trái cây của Trung Quốc rất lớn dù gần đây họ có chủ trương mở rộng sản xuất trong nước. Vì vậy, điều các địa phương, doanh nghiệp và nông dân cần làm là tích cực xây dựng mã số vùng trồng, tạo cơ sở cho việc truy xuất nguồn gốc, khi đã có đủ tiêu chuẩn thị trường sẽ khai thông” – TS Lê Thanh Hòa nhấn mạnh.

Điểm mặt những nông sản phải ”giải cứu” tại Việt Nam?

Trào lưu giải cứu nông sản ở nước ta đang ngày càng lan rộng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Khánh Nguyên ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN