Trung Quốc không thông quan, mực khô tiếp tục ế ẩm
Trước tình trạng ngư dân khốn khó vì sản phẩm mực phơi khô không tiêu thụ được, ngày 4/7, ông Lê Trí Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã có văn bản gửi Bộ Công thương, Bộ NN&PTNT, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản đề nghị hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm mực khô trên địa bàn tỉnh.
Hàng chục tàu câu mực đang neo đậu tại cảng An Hòa (Núi Thành, Quảng Nam)
Ông Lê Trí Thanh cho biết: trước đây, sản phẩm mực khô được các thương lái thu mua, xuất khẩu chủ yếu sang Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch, một lượng nhỏ hơn xuất khẩu sang Thái Lan. Vì vậy việc tiêu thụ sản phẩm mực khô không bị chi phối, ràng buộc bởi các quy định về thương mại giữa nước xuất khẩu và nhập khẩu sản phẩm này.
“Thời gian gần đây Trung Quốc yêu cầu việc nhập khẩu một số sản phẩm nông nghiệp, trong đó có sản phẩm mực phơi khô phải theo đường chính ngạch nên tình hình tiêu thụ sản phẩm mực phơi khô của các tàu cá không được thuận lợi như trước. Theo phản ánh của thương lái, các thương nhân Trung Quốc vẫn có nhu cầu cao nhập hàng mực phơi khô của Việt Nam, nhưng Hải quan Trung Quốc không thông quan do chưa đáp ứng được các yêu cầu của Trung Quốc. Vì vậy, giá mực khô đã giảm từ 20% đến 25% so với thị trường bình quân trong tháng 5/2019 do chỉ còn một số thương lái thu mua để xuất khẩu sang Thái Lan nhưng số lượng hạn chế, tiêu thụ cầm chừng”, ông Thanh cho biết.
Theo Phó chủ tịch tỉnh Quảng Nam, hiện có khoảng 1.000 tấn mực phơi khô đang tồn đọng tại cảng An Hòa, xã Tam Giang (Núi Thành, Quảng Nam) và có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới do các tàu câu mực khác chưa kết thúc chuyến biển, chưa cập bến. Lo ngại nhất là sản phẩm mực khô đang được chứa tại các hầm của tàu cá, nếu kéo dài thời gian sẽ không đảm bảo các yêu cầu về bảo quản nên có thể giảm chất lượng, giá bán thấp, thậm chí không thể tiêu thụ được. UBND tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo các ngành, địa phương khuyến cáo ngư dân bảo quản sản phẩm tại các kho mát, duy trì chất lượng.
Để hỗ trợ ngư dân tiêu thụ sản phẩm mực phơi khô tồn đọng và có giải pháp lâu dài giúp ngư dân vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống, tiếp tục vươn khơi bám biển, UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị các bộ ngành đàm phán với các bộ ngành, hải quan Trung Quốc để sản phẩm mực phơi khô của tỉnh được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc trong thời gian sớm nhất. Đồng thời hướng dẫn cách thức yêu cầu cụ thể để sản phẩm mực phơi khô có thể xuất khẩu vào Trung Quốc theo đường chính ngạch, hướng dẫn tra cứu thông tin chuẩn thực phẩm xuất khẩu của hải quan Trung Quốc, các nội dung liên quan đến các yêu cầu, điều kiện của Trung Quốc để hàng nông sản được xuất sang thị trường này.
Ngoài ra, UBND tỉnh Quảng Nam kiến nghị xúc tiến đầu tư, kêu gọi doanh nghiệp trong nước chế biến sâu các mặt hàng từ mực phơi khô để giúp ngư dân có thể tiêu thụ được sản phẩm. Hướng dẫn và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thương lái, chủ tàu tổ chức lại quy trình sản xuất, thu mua, chế biến theo chuỗi giá trị để đáp ứng đầy đủ các yêu cầu phía nước nhập khẩu, đảm bảo đủ điều kiện sản phẩm xuất khẩu theo đường chính ngạch.
Tiền Phong ngày 28/6 có bài “Cả ngàn tấn mực ế ẩm, ngư dân khóc ròng” phản ánh tình cảnh khốn khó của ngư dân huyện Núi Thành (Quảng Nam) không tiêu thụ được mực phơi khô sau khi đánh bắt. Riêng tại cảng An Hòa (Núi Thành), có hơn 30 tàu chứa hàng trăm tấn mực khô, ế ẩm không ai mua. |
Gần 1000 tấn mực khô của ngư dân Quảng Nam không xuất bán được vì Trung Quốc siết nhập khẩu tiểu ngạch.