Trung Quốc: Kem Đông y mới ra mắt đã “cháy hàng”, liệu có thật sự bổ béo?
Một phần kem nhỏ xíu có giá hơn 120.000đ, có vị na ná thuốc Đông y nhưng loại bỏ vị đắng.
Mới đây tại Trung Quốc, chủ đề “kem Đông y” đang “gây sốt” trên mạng xã hội nước này, thu hút đông đảo sự chú ý và bình luận của các cư dân mạng.
Được biết, loại kem này có giá khá đắt, lên đến 38 NDT/phần (gần 124.000đ/phần). Chúng được gọi với cái tên “kem dược thiện” (tạm dịch: kem cơm thuốc).
Tại nhiều thành phố lớn như Thượng Hải, Vũ Hán, Cáp Nhĩ Tân, loại kem này được bán rất phổ biến. Có đa dạng khẩu vị cho thực khách lựa chọn như vị bạc hà dưa hấu, vị quả hồ trăn kết hợp cúc dại, vị cam và táo gai… Tất cả đều cháy hàng ngay khi vừa ra mắt.
Theo nhân viên của một cửa hàng chuyên về kem gelato thảo dược, nguyên liệu được làm từ các loại thảo mộc tổng hợp và cố gắng “khôi phục” chính xác hương vị của thuốc Đông y. Tuy nhiên vị đắng sẽ bị loại bỏ để phù hợp hơn với người dùng.
Có khoảng 16 hương vị cho thực khách lựa chọn, kem 2 viên (120g) có giá 38 NDT (124.000đ), kem 3 viên (150g) có giá 45 NDT (146.000đ).
Theo thông tin trên thực đơn, mỗi loại kem đều kết hợp nhiều loại thảo dược truyền thống của Trung Quốc và được ghi chú rằng “có chứa công dụng của thảo dược trong đó”. Ví dụ như kem sữa gạo táo đỏ và nhãn sẽ có công dụng “an thần”, kem bát tiên quả sẽ có công dụng giảm ho và đờm…
Ngoài ra, người dùng có thể lựa chọn thêm “topping” như nhân sâm núi Trường Bạch (12 NDT/phần, tương đương 39.000đ), đông trùng hạ thảo (18 NDT/phần, tương đương 59.000đ).
Nhân viên này cũng cho biết, dù kem chỉ mô phỏng lại hương vị thuốc Đông y nhưng nhờ cách định vị sản phẩm đặc biệt, loại kem này vẫn được yêu thích rộng rãi. Một khách hàng tới đây nhận định, kem quả thực có vị của thuốc Đông y, rất sáng tạo.
Tuy nhiên, cũng có người nghi ngờ về độ “dưỡng sinh” của loại kem này, bởi các bác sĩ thường dặn không nên ăn đồ lạnh khi uống thuốc Đông y.
Để làm rõ nghi vấn này, chủ nhiệm khoa Dinh dưỡng lâm sàng của bệnh viện Trung Đại trực thuộc Đại học Đông Nam khẳng định, loại kem này không có công dụng như quảng cáo.
Trước hết, y học cổ truyền Trung Quốc cho rằng sức khỏe của con người có liên quan chặt chẽ đến sự cân bằng âm dương trong cơ thể. Thực phẩm có tính lạnh sẽ dễ dẫn đến tổn thương năng lượng dương trong cơ thể, ảnh hưởng đến chức năng của một số bộ phận như lá lách và dạ dày. Hay nói cách khác, ăn đồ ăn lạnh như kem vốn dĩ không có lợi cho sức khỏe.
Thứ hai, trong y học cổ truyền Trung Quốc cấm kỵ việc cho dược liệu vào thực phẩm, ngoại trừ những thành phần “dược thực đồng nguyên” (thức ăn và thuốc có cùng nguồn gốc).
Thứ ba, những loại dược liệu bổ sung trong chế độ ăn uống thì cũng cần sử dụng lâu dài mới có hiệu quả. Nhưng từ góc độ dinh dưỡng, chúng ta không nên tiêu thụ kem nhiều trong thời gian dài.
Nguồn: [Link nguồn]
Củ sen tươi đang mùa giá chỉ khoảng 30.000 đến 50.000 đồng/kg nhưng khi được sấy khô làm trà giá bán hiện lên đến hơn 400.000 đồng/kg.