Trồng na sạch trên núi Mặt Quỷ, thương lái Trung Quốc vào tận nơi lùng mua

Sự kiện: Đắt - Độc - Lạ

Trồng na sạch, theo tiêu chuẩn VietGap chính là lý do mà nhiều năm nay bà con ở vựa na Chi Lăng không phải chịu cảnh lao đao vì “bão giá” như những mặt hàng nông sản khác mỗi khi… được mùa

Trồng na sạch trên núi Mặt Quỷ, thương lái Trung Quốc vào tận nơi lùng mua - 1

Không lo na ế

Ông Hoàng Văn Long, thôn Quán Thanh, xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng, Lạng Sơn cho biết, trong những năm qua, bằng sự đầu tư trọng điểm của địa phương, của huyện, gia đình ông hàng năm luôn được học hỏi kinh nghiệm, học hỏi kỹ năng chăm sóc cây na, để làm sao na không bị sâu bệnh và đem lại hiệu quả năng suất cao nhất.

Gia đình ông hiện có khoảng gần 1.000 gốc na đang cho thu hoạch tại núi Mặt Quỷ, so với những năm trước, năm nay na cho giá cả ổn định hơn nhờ được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap (có thể truy xuất nguồn gốc sản phẩm), nhờ tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn này thương lái và người mua yên tâm hơn về chất lượng na. Trung bình mỗi một kg na ở đây sau khi hái được thương lái mua với giá 40.000đ/kg.

“Từ khi có tiêu chuẩn VietGap thì giá cả ổn định hơn, người dân yên tâm đầu tư trồng na và các loại cây ăn quả khác. Chúng tôi cũng mừng vì thương hiệu na Chi Lăng đã vươn xa khỏi tỉnh Lạng Sơn, nông dân có thêm nguồn thu từ na, gia đình tôi đã hơn 10 năm nay trồng na, hầu như năm nào na cũng sai quả và được thương lái Trung Quốc vận chuyển hết trong mỗi đợt” ông Long thổ lộ.

Trồng na sạch trên núi Mặt Quỷ, thương lái Trung Quốc vào tận nơi lùng mua - 2

Cùng thôn, bà Hoàng Thị Thấm cũng trồng hơn 1000 gốc na, gia đình bà chỉ có duy nhất mình bà làm na nên đến mùa thu hoạch phải thuê người hái từ trên núi vận chuyển xuống. Bà Thấm tham gia tổ sản xuất na theo tiêu chuẩn VietGap đã được mấy năm và cảm thấy yên tâm với tiêu chuẩn này.

“Mỗi đợt thu hoạch na cũng được vài tấn, tôi chủ yếu mang ra chợ bán, đôi khi na vận chuyển xuống chân núi là có khách đến hỏi mua ngay, khách chủ yếu từ Hà Nội lên ở các siêu thị hoa quả, thi thoảng có khách Trung Quốc. Giá cũng giao động từ 35.000-40.000đ/kg. Nói chung, những năm qua trồng na được giá và tốt hơn là được địa phương tổ chức các chương trình, kế hoạch xúc tiến để tiêu thụ sản phẩm, nên không sợ ồn ứ. Việc được tập huấn trồng na, chăm sóc na cũng được làm thường xuyên nên na rất năng suất” -  bà Thấm cho biết.

Trồng na cũng cần… chuyên nghiệp

Trao đổi với phóng viên, ông Đinh Hữu Học, Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn cho biết, việc tổ chức xúc tiến tiêu thụ na của bà con nông dân rất cần thiết trong bối cảnh thương hiệu na Chi Lăng đã dần nổi tiếng khắp nơi. Việc xây dựng thương hiệu na theo tiêu chuẩn sạch VietGap, GlobalGAP, xây dựng tem nhãn truy xuất nguồn gốc sản phẩm đã được tỉnh và huyện Chi Lăng triển khai trong những năm qua.

Hiện UBND huyện Chi Lăng, hợp tác xã đã ký kết 5 biên bản ghi nhớ về hợp tác kết nối tiêu thụ sản phẩm na Chi Lăng giữa các doanh nghiệp Hà Nội với đại diện các HTX, đại diện Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện.

Trồng na sạch trên núi Mặt Quỷ, thương lái Trung Quốc vào tận nơi lùng mua - 3

Ông Học cũng cho biết thêm, kế hoạch sắp tới của UBND huyện Chi Lăng để tiếp tục phát triển vùng trồng na là làm sao giải thích những hộ dân trồng nhiều na thay đổi nhận thức, tập quán canh tác từ sản xuất na truyền thống sang sản xuất theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt VietGAP, GlobalGap tạo ra sản phẩm na sạch đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Bên cạnh đó, địa phương và các doanh nghiệp sẽ đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, liên kết tiêu thụ sản phẩm; chỉ đạo các cơ quan chuyên môn xây dựng kế hoạch và tổ chức cấp phát bao bì, truy xuất nguồn gốc cho các tổ chức, cá nhân sản xuất na theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP.

Trồng na sạch trên núi Mặt Quỷ, thương lái Trung Quốc vào tận nơi lùng mua - 4

Người dân xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng, Lạng Sơn đang thu hoạch na

Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ NT&PTNT nhận định trong Lễ hội na được tổ chức gần đây tại Chi Lăng, Lạng Sơn đã khai thác tốt điều kiện tự nhiên, cơ cấu kinh tế ngày. Bộ trưởng Cường đánh giá, nông nghiệp Lạng Sơn có vai trò quan trọng, đây là nơi tạo việc làm, tổ chức cuộc sống cho nhân dân, hướng lựa chọn cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện kinh tế, tự nhiên. Quả na là sự kết tinh của núi trời, bằng nhiều cách làm sáng tạo của người dân đã làm nên vùng cây hàng hóa với 3000ha.

“Với khát vọng, với quyêt tâm có thẻ biến thách thức thành cơ hội, về đất, khí hậu, nước thành sản vật để cải tạo đời sống, thu nhập cho người dân”, ông Cường nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đức Thịnh ([Tên nguồn])
Đắt - Độc - Lạ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN