Trồng lúa thơm ngồi “rung đùi” chờ cắt lúa bán cho thương lái
Để thoát cảnh thương lái ép giá, “bẻ kèo”, nhiều nông dân miền Tây Nam bộ gần đây chỉ trồng lúa thơm xuất khẩu.
Vụ đông xuân (2018-2019), ông Hai Xuân (Nguyễn Thanh Xuân, xã Thạnh An, Thạnh Hóa, Long An) không trồng lúa IR50404 và cũng không ký hợp đồng bán cho thương lái như trước, mà trồng lúa Đài thơm.
Không lo bán không được
Vụ này, ông Hai Xuân trồng 3ha lúa thơm. Với năng suất khoảng 7 tấn/ha, ông thu hoạch được hơn 20 tấn lúa.
Ông Hai Xuân vác lúa xuống ghe bán cho thương lái. Ảnh: T.Đ
Trong khi lúa dội đồng ở Thạnh Hóa, thương lái biệt tăm, nông dân trồng lúa khắc khoải, thì tại đồng ông Hai Xuân, đống lúa thơm vài chục tấn cứ vơi dần khi nhân công chuyển dần từng bao lúa xuống ghe cho thương lái.
“Tự thương lái tìm đến kêu bán chứ tui có gọi ai đâu. Mừng hơn là lúa bán được giá”, ông Hai Xuân hồ hởi.
Trên cánh đồng lúa thơm tại xã Kiểng Phước (Gò Công Tây, Tiền Giang), ông Sáu Thành (Trần Quang Thành) ngồi “rung đùi” chờ thu hoạch lúa bán cho thương lái. Vụ này, ông trồng 3ha lúa thơm, với năng suất khoảng 6,5 tấn/ha.
Theo UBND xã Kiểng Phước, tại xã hiện có 1.135ha lúa thơm đang chờ thu hoạch.
Ông Sáu Thành cho biết, không lo thương lái làm khó, ép giá, “bẻ kèo”. “Năm nào cũng có tình trạng thương lái đến làm khó nông dân trồng lúa, nhưng cuối cùng lúa trên đồng cũng bán hết sạch mà không lỗ một đồng”, ông Sáu cười nói.
Trưởng phòng NNPTNT huyện Gò Công Tây Nguyễn Văn Quý cho biết, vụ này huyện Gò Công Tây gieo sạ hơn 10.300ha lúa thơm. Vài ngày tới, nông dân sẽ thu hoạch đồng loạt.
Thương lái thu mua lúa của nông dân ở Đồng Tháp Mười. Ảnh: T.Đ
Ông Nguyễn Hữu Trí - Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX Tân Hưng (Long An) cũng cho biết, sau khi doanh nghiệp ký hợp đồng với HTX thu mua hết 500ha lúa Đài thơm cho thành viên HTX, đã yêu cầu HTX tìm thêm lúa thơm của nông dân để thu mua thêm.
“Tui gọi một số mối quen ở các huyện tìm lúa thơm bán cho doanh nghiệp này, nhưng không tìm ra lúa”, ông Trí thổ lộ.
Làm “tư tưởng” thương lái…
Theo UBND tỉnh Long An, vụ lúa đông xuân này, tỉnh đã tổ chức được 103 cánh đồng lớn, xuống giống hơn 9.200ha với gần 2.900 hộ tham gia. 16 DN đã tham gia kết nối thu mua lúa cho nông dân, nhưng nhiều DN đã “bẻ kèo”.
Riêng tại huyện Thạnh Hóa, ông Nguyễn Kinh Kha – Trưởng phòng NNPTNT huyện Thạnh Hóa cho biết, huyện có 4 DN ký hợp đồng bao tiêu, nhưng đến nay có 2 DN hủy hợp đồng, 1 DN thu mua lúa đủ số tiền đặt cọc rồi… bỏ chạy.
Nhiều nông dân cho biết, giờ trồng lúa không nên trồng IR50504 mà chỉ trồng lúa thơm xuất khẩu để rộng đầu bán.
Theo ông Quý, vụ này huyện Gò Công Tây có ký kết bao tiêu lúa với 4 doanh nghiệp. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này báo sẽ mua không đúng số lượng như hợp đồng ban đầu.
“4% số ha lúa gieo sạ của huyện đã không được thương lái thu mua. Mặc dù sản xuất lúa thơm xuất khẩu khá dễ bán cho thương lái, nhưng năm nay với giá thấp và lượng lúa ùn ứ như hiện nay đã gây không ít hoang mang cho nông dân”, ông Quý cho biết.
Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Gò Công Tây Nguyễn Hồng Quân cho biết, huyện đang tìm mọi cách để thu hết lượng lúa nông dân trên địa bàn trồng trong vụ này.
“UBND huyện đang yêu cầu các ngành liên quan mời gọi thương lái đến thu mua lúa cho nông dân. Để tránh tình trạng thương lái ở địa phương ép giá nông dân trồng lúa và gây khó dễ cho thương lái các nơi đến thu mua lúa, chúng tôi đã mời họ lại và đã đả thông tư tưởng trên nguyên tắc thuận mua, vừa bán”, ông Quân chia sẻ.
Sau quyết định mua trữ lúa, gạo của Thủ tướng Chính phủ, nhiều DN đã triển khai mua lúa cho nông dân.
Mới đây, nhằm tìm hiểu tình hình thu mua lúa cho nông dân, ông Phạm Minh Hùng – Uỷ viên Thường vụ BCH Trung ương Hội Nông dân VN, phụ trách phía Nam đã có buổi làm việc với lãnh đạo huyện Gò Công Tây.
Tại buổi làm việc, sau khi nghe tình hình sản xuất lúa của bà con nông dân, giá cả, thu mua…, ông Phạm Minh Hùng đề nghị địa phương và các ngành liên quan nên tập trung tìm cách hỗ trợ nông dân tiêu thụ lúa, trong tình cảnh giá và sản lượng lúa tiêu thụ đang khá thấp như hiện nay.