Trồng loại quả tên nghe nặng nề nhưng ăn lại mát tận ruột gan
Bà Bùi Thị Thảnh, xóm Nam Thượng (xã Nam Thượng, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình) trồng quả lặc lè trên 1.000 m2 đất ruộng, vụ nào cũng cho quả sai trĩu. Cây ra quả đến đâu, bà Thảnh bán hết đến đó. Dù lợi nhuận không cao, nhưng lặc lè cho quả bán liên tục nên gia đình bà cũng có thêm nguồn thu nhập.
Quả lặc lè hay còn gọi là quả lặc lày, được đồng bào người Mường, Thái ở vùng núi Tây Bắc trồng khá phổ biến. Loại cây này không khó trồng, ăn ngọt và mát, có thể chế biến thành nhiều món ngon nên được nhiều người ưa chuộng.
Quả lặc lè có vị thơm ngon, thanh mát, bổ dưỡng. Theo đông y, quả lặc lè còn phòng, hỗ trợ chữa được nhiều bệnh khác nhau.
Thời gian gần đây, nhiều hộ sinh sống xóm ở Nam Thượng, xã Nam Thượng đã đổ cọc bê tông, mua lưới về làm giàn trồng cây lặc lè ở các xứ đồng. Cây lặc lè cho quả rất nhanh, chỉ sau hơn 1 tháng gieo hạt là đã có thể bắt đầu hái quả bán, nhiều thương lái và các nhà hàng ở các thành phố lớn cứ đến vụ thu hoạch là đánh xe tải về tận ruộng bà con thu mua. Chính vì vậy, nhiều hộ có nguồn thu nhập ổn định để trang trải cuộc sống.
Lặc lè có thể chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn như: Luộc, xào thịt bò, nấu canh xương, xào tỏi...
Trao đổi với PV Báo điện tử DANVIET.VN, bà Bùi Thị Thảnh, xóm Nam Thượng, xã Nam Thượng, huyện Kim Bôi, cho biết: Trước đây gia đình tôi chủ yếu là làm ruộng, nhưng do hiệu quả kinh tế thấp, nên gia đình đã mạnh dạn chuyển đổi hơn 1.000m2 đất sang trồng cây lặc lè.
"Cách chăm sóc lặc lè rất đơn giản, chỉ cần mua giống trồng vụ đầu tiên, sau đó thì có thể tự để giống trồng cho vụ sau. Cây lặc lè không tốn nhiều công sức chăm sóc như các loại cây trồng ngắn ngày khác, chi phí đầu tư ít. Để đảm bảo cho lặc lè phát triển tốt và cho sai quả, tôi đầu tư máy bơm, lắp đặt thêm hệ thống nước tưới tự động. Giống lặc lè tôi trồng chủ yếu là giống truyền thống, có vị thơm, giòn, thanh mát và rất thích hợp với khí hậu địa phương", bà Thảnh cho hay.
Bà Thảnh trồng lặc lè trên 1.000 m2 đất để phát triển kinh tế.
Quả lặc lè có vị ngọt thanh, mùi thơm và phần vỏ khá giòn nên rất được các bà nội trợ ưa chuộng trong chế biến bữa cơm hằng ngày. Hơn nữa, loại quả này còn có tác dụng giải nhiệt, cải thiện tiêu hóa, ngăn ngừa bệnh tiểu đường, hỗ trợ giảm cân, làm đẹp cho da... nên được rất nhiều người tiêu dùng sử dụng trong bữa ăn hằng ngày.
Bà Thảnh đang đóng gói quả lặc lè bán cho các thương lái.
Theo kinh nghiệm trồng lặc lày của bà Thảnh: Sau khi gieo cây lặc lè vào trong đất ẩm tơi xốp thì thường xuyên dùng bình phun tưới nước nhẹ cho đất. Sau khoảng 3 tuần, cây lặc lè có thể đạt chiều cao từ 20 đến 30cm và lúc này tiến hành làm giàn để cây leo lên. Quá trình cây lặc lè bắt đầu leo lên giàn, tiếp tục giữ ẩm cho cây. Mỗi ngày tôi tưới nước 2 lần vào sáng và chiều, tránh tưới tối muộn vì dễ tích tụ vi khuẩn gây bệnh.
Lặc lè rất dễ trồng và chăm sóc, thời vụ ngắn, từ ngày xuống giống đến khi thu hoạch chỉ khoảng hơn 1 tháng. Phân bón tưới tiêu chủ yếu là phân chuồng kết hợp phân hữu cơ. Trong quá trình chăm sóc, người trồng lặc lè cần thường xuyên theo dõi tình hình sâu bệnh để có biện pháp phòng trị kịp thời, đảm bảo hiệu quả, năng suất cao. Khi cây lặc lè sắp ra hoa, bón thêm phân thúc và tỉa bớt lá để cây tập trung nuôi hoa và quả.
Theo bà Thảnh, hiện giá lặc lè bán tại vườn là 15.000 - 18.000 đồng/kg.
Nhờ mạnh dạn chuyển đổi cây trồng ngắn ngày phù hợp, bước đầu mô hình trồng lặc lè đã mang lại hiệu quả kinh tế đáng kể cho gia đình bà Bùi Thị Thảnh. Sản phẩm lặc lè dễ tiêu thụ, giá cả ổn định, bà Thảnh đã có thêm nguồn thu nhập trang trải cuộc sống.
Nét mặt vui mừng của bà Thảnh khi năm nay vườn lặc lè phát triển tốt và sai quả.
Bà Bùi Thị Thảnh cho biết thêm: Một năm, tôi trồng được 2 lứa lặc lè, mỗi lứa thu về 20 triệu đồng, bình quân 1 năm lãi 40 triệu đồng. Ngoài trồng lặc lè, tôi còn nuôi thêm 500 con gà thả đồi, mỗi năm cũng cho thu nhập 30 triệu đồng. Tính ra 1 năm gia đình cũng có 70 triệu đồng từ trồng lặc lè và nuôi gà. Từ lúc tôi chuyển sang cây trồng ngắn ngày đến nay, kinh tế của gia đình đã dư giả lên hẳn, không còn khó khăn chật vật như trước kia.
Chỉ sau 70 ngày, mọi người trong làng bất ngờ khi nhìn thấy thành quả của người đàn ông dám nghĩ dám làm.