Trồng giống quýt thơm, trái từng chùm, ông Thoản đút túi 200 triệu/năm

Sự kiện: Kinh Doanh

Nhờ chuyển đổi cây ngô, cây sắn trên đất dốc sang trồng giống quýt thơm, ông Lò Văn Thoản, bản Nà Mòn (xã Mường Và, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La) đã có thu nhập trên 200 triệu đồng mỗi năm.

Trò chuyện với phóng viên Dân Việt, ông Thoản cho biết: Trước đây người dân ở bản Nà Mòn chỉ biết trồng cây ngô, cây sắn để phát triển kinh tế. Thời cây ngô còn thịnh hành, bà con cũng có cuộc sống khấm khá. Nhưng chỉ được vài năm, giá ngô lao dốc, cái đói, cái nghèo lại bám víu gia đình tôi và người dân nơi đây.

Trồng giống quýt thơm, trái từng chùm, ông Thoản đút túi 200 triệu/năm - 1

Ông Thoản cũng không ngờ, cây quýt cổ thụ được bố ông trồng trong vườn nhà đã mang đến cho gia đình ông cuộc sống ấm no về sau.

Thấy ngô mất giá, chi phí sản xuất lại cao, ông Thoản tính kế làm giàu từ cây trồng khác nhưng bài toán đặt ra với ông lúc này là trồng cây gì, nuôi con gì, vốn liếng ở đâu?

“Vì ở cái mảnh đất Nà Mòn đói nghèo, lạc hậu cách thành phố Sơn La hơn trăm cây số này ngoài cây ngô, cây sẵn và một cây quýt cổ thụ được bố tôi trồng ở vườn ra thì chẳng có cây gì bán được giá cả” – ông Thoản kể lại. 

Trồng giống quýt thơm, trái từng chùm, ông Thoản đút túi 200 triệu/năm - 2

Do hợp với khí hậu, thổ nhưỡng nên vườn quýt nhà ông Thoản cho quả sai trĩu cành và mẫu mã rất đẹp.

Tình ngờ một lần, ông Thoản nghe bà con bói chuyện có cán bộ khuyến nông ở huyện lên hướng dẫn kỹ thuật trồng, ghép cây ăn quả. Thấy vậy, ông Thoản cùng người dân trong bản đến nghe cán bộ tập huấn, chuyển giao kỹ thuật trồng cây quýt, cây cam.

Sau buổi tập huấn đó về đến nhà, ông Thoản vào vườn hái rau ăn thì tình cờ nhìn thấy vài quả quýt chín màu vàng tươi, láng bóng trên cây quýt của nhà. Hái ăn thử, quả rất ngọt và nhiều nước. Ông Thoản nghĩ, cây trồng mình đang tìm kiếm bấy lâu để làm giàu chính là đây rồi. 

 

Trồng giống quýt thơm, trái từng chùm, ông Thoản đút túi 200 triệu/năm - 3

Theo ông Thoản, quýt trồng ở Nà Mòn ăn rất ngọt, nhiều nước, múi to hơn quýt bản địa nên ăn rất ngon.

Ông Thoản xuống huyện Sốp Cộp mời cán bộ khuyến nông lên hướng dẫn cách chiết cành từ cây quýt cổ thụ. “Mỗi năm, tôi chiết ra vài chục cây và chuyển đổi dần số diện tích đất trồng ngô, sắn sang trồng quýt. Cứ như vậy, năm này qua năm khác số cây quýt cứ tăng dần lên và đến nay gia đình tôi đang có hơn 600 cây” – ông Thoản cho biết.

Hiện, trong số 600 cây quýt của ông Thoản, có hơn 400 cây đã cho thu quả. Năm 2018, sản lượng cả vườn thu được 8 tấn quả tươi. Với giá bán trung bình 30 nghìn đồng/kg. Năm nay, ông Thoản thu hơn 200 triệu đồng, sau khi trừ chi phí lãi 100 triệu đồng.

Trồng giống quýt thơm, trái từng chùm, ông Thoản đút túi 200 triệu/năm - 4

Mấy năm trở lại đây, cứ đến mùa thu hoạch, vườn quýt nhà ông Thoản luôn là địa chỉ tìm đến của các thương lái.

Ông Thoản tiết lộ: Để cây quýt ra hoa và đậu quả tốt, phải bón phân, tưới nước, cắt tỉa cành đầy đủ cho cây. Sau khi thu quả xong khoảng một tháng, tôi bón phân NPK – Lâm Thao và phân chuồng. Mỗi gốc bón khoảng 3 đến 4 kg phân NPK – Lâm Thao, 20 – 30 kg phân chuồng. Tiếp đến, từ tháng 5 đến tháng 6, tiến hành bón lần thứ 2. Tháng 8, bón lần cuối cùng để nuôi dưỡng quả.

Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng quýt, từ hộ nghèo, ông Thoản đã phất lên thành hộ khá giả. Không chỉ làm giàu cho gia đình, ông Thoản còn tích cực hướng dẫn kỹ thuật và giúp đỡ các hộ dân khác trong bản chuyển đổi cây ngô, cây sắn sang trồng cây quýt, cây cam.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tuệ Linh ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN