Trồng đủ loại cây trên 1 ha đất, vợ chồng kiếm 200 triệu/năm
Nằm dọc trục đường chính đi vào trung tâm xã Chiềng Ngần, khu vườn xanh mướt với đủ loại cây trái của gia đình chị Cà Thị Ngắm (1990) và anh Cà Văn Hà (1989) luôn gây sự chú ý cho nhiều người. Nhờ biết cách trồng và chăm sóc các loại cây ăn quả, mà gia đình anh chị đã có của ăn của để, trở thành 1 trong những hộ khá giả ở xã Chiềng Ngần.
Năm 2009, chị Cà Thị Ngắm kết hôn cùng anh Cà Văn Hà ở bản Phường, xã Chiềng Ngần (TP. Sơn La) và bắt đầu xây dựng cuộc sống mới. Khi ra ở riêng, bố mẹ cắt cho vợ chồng chị 1 ha đất vườn để anh chị làm kinh tế. Vốn xuất thân từ gia đình nông dân, có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp nên vợ chồng chị đã quyết định tìm cách làm giàu trên chính mảnh đất mà bố mẹ để lại.
Chia sẻ với PV Dân Việt, chị Ngắm kể lại: “Khi vợ chồng tôi nhận mảnh đất này thì nó chỉ có một số gốc cà phê, mận và xoài bố mẹ tôi trồng trước đó, còn lại là đất trống và cỏ dại. Chúng tôi đã mất khá nhiều thời gian để cải tạo lại và lựa chọn các loại cây trồng phù hợp”.
Các công việc liên quan đến cây trồng trong vườn hầu như vợ chồng chị Ngắm đều bỏ công sức ra làm. Vào mùa thu hoạch hoặc những lúc lượng việc nhiều làm không hết thì chị mới thuê thêm người.
Sau khi tìm hiểu, nghiên cứu về cây trồng cũng như thị trường tiêu thụ, vợ chồng chị đã quyết định trồng đa dạng các loại cây ăn quả trong vườn nhà, bởi theo chị Ngắm, cách làm ấy sẽ giúp gia đình chị có khoản thu hoạch suốt 4 mùa, mặt khác sẽ giảm rủi ro trong trường hợp một loại quả nào đấy bị mất mùa hoặc mất giá.
Vì không có nhiều vốn, vợ chồng chị đã quyết định chỉ mua một số cây giống rồi sau đó sẽ tự nhân giống bằng phương pháp chiết cành. “Sự phát triển của cây và chất lượng của quả phụ thuộc rất nhiều vào cây giống. Vì thế, chúng tôi đã tìm mua cây tại các điểm bán hàng chất lượng. Chồng tôi lặn lội vào tận huyện Sông Mã để tìm mua giống nhãn ghép, còn các giống cam thì mua tại 1 hợp tác xã ở huyện Mai Sơn”, chị Ngắm cho biết thêm.
Nhờ chọn lọc giống tốt ngay từ ban đầu nên các loại cây trồng trong vườn nhà chị Ngắm phát triển rất tốt. Đặc biệt giống nhãn ghép cho năng suất, hiệu quả cao.
Với bản tính cần cù, chịu khó của con nhà nông, vợ chồng chị không quản ngại nắng, mưa để cuốc đất, nhổ cỏ, bón phân cải tạo đất. Đất làm đến đâu, chị trồng cây đến đấy. Để thuận tiện cho việc chăm sóc và thu hoạch được thuận lợi, chị phân chia các loại cây vào từng khu đất riêng. Thêm vào đó, tận dụng vùng đất thấp ở giữa vườn, vợ chồng chị đã đào 1 cái ao, vừa để lấy chỗ thoát nước khi trời mưa lớn đồng thời cũng tích trữ nước tưới cho cây những ngày nắng hạn. Để tiết kiệm chi phí, vợ chồng chị hạn chế thuê thêm người làm mà chủ yếu tự bỏ công sức ra để trồng và chăm sóc vườn cây. Đồng thời, chị tìm mua các loại phân vi sinh chất lượng cao để bón cho cây, giúp cây phát triển tốt, cho quả ngon và không làm hỏng đất như cac loại phân hóa học.
Khu đất trồng thanh long được làm cỏ sạch sẽ. Vợ chồng chị Thắm dùng các trụ bê tông để làm cột, phía trên trụ được đặt các lốp xe máy đã hỏng để giúp thanh long tỏa nhánh nhiều hơn.
Sau nhiều năm bỏ công, bỏ sức, gia đình chị Ngắm cũng đã thu được “trái ngọt”. Chị Ngắm chỉ tay vào những gốc nhãn đang chi chít những nụ hoa và nói: “Giống nhãn ghép này cho quả to và ngọt, chăm sóc cũng đơn giản. Năm ngoái, chúng tôi thu hoạch được gần 4 tấn nhãn, cho thu nhập 60 triệu đồng. Còn xoài Đài Loan thì thu gần 5 tấn được 50 triệu đồng”.
Không chị có nhãn mà các loại cây ổi, xoài, mận… của gia đình chị cũng đem lại hiệu quả cao. Chị Ngắm nhẩm tính, với 400 gốc mận, 250 gốc cam, 100 gốc ổi, 100 gốc thanh long, và rất nhiều gốc xoài, cam, bưởi… đem về cho vợ chồng chị khoảng 300 triệu đồng. Trừ hết chi phí, anh chị “bỏ túi” khoảng 200 triệu đồng tiền lãi.
Nhờ trồng đa dạng các loại cây ăn quả nên mùa nào gia đình chị Ngắm cũng có quả bán, kiếm được thu nhập đều cả năm.
“Vừa rồi có thương lái vào đặt vấn đề mua cả vườn nhãn nhưng vợ chồng tôi không bán. Mình bỏ công sức ra thì cũng muốn được tận tay thu hoạch thành quả. Mấy năm gần đây, giá cả thị trường không ổn định, giá bán năm sau lại thấp hơn năm trước do bây giờ người dân mở rộng diện tích trồng cây ăn quả. Tuy nhiên, nhờ trồng đa dạng các loại cây nên gia đình tôi cũng không bị ảnh hưởng nhiều", chị Ngắm cho biết thêm.
Từ vài cá thể ban đầu, hiện nay tổng đàn cua đinh của huyện Phụng Hiệp (tỉnh Hậu Giang) đã lên đến trên 3.000 cá thể,...