Trồng cỏ, thả cá, nuôi giun cho lợn rừng ăn,“hotboy” xóm lãi 400 triệu/năm
Nuôi đàn lợn rừng đặc sản gần như chỉ cho ăn giun quế, bột cá, cỏ, lá cây quanh nhà mà anh Nguyễn Xuân Sơn, thanh niên 9x ở xóm 9, xã Thịnh Sơn, Huyện Đô Lương (Nghệ An) lãi 400 triệu đồng mỗi năm.
9x Nguyễn Xuân Sơn đã thành công với mô hình nuôi lợn rừng.
Đặt chân đến trang trại lợn rừng rộng hơn 6ha của anh Sơn vào 1 chiều đầu hè miền Trung nắng gay gắt, tuy nhiên khi bước vào trang trại chúng tôi lại cảm thấy rất thư thái.
Gian nan bài toán nuôi con gì!
“Hotboy” của xóm 9 Nguyễn Xuân Sơn chia sẻ: “Mình có niềm đam mê đặc biệt về nuôi con đặc sản. Trước khi nuôi lợn rừng thì mình cũng đã từng nuôi rất nhiều con, từ gà Ai Cập, vịt cỏ đến dến mèn, rắn mối. Tuy nhiên, chỉ được 8 tháng đến 1 năm là mình phải bỏ dở và chuyển đổi sang mô hình khác vì chi phí đầu tư cao, nguồn thức ăn cho các con đặc sản này hiếm và nếu có làm được thì giá thành cao nên dẫn tới người nuôi ít có lãi…”.
Nguyễn Xuân Sơn cho biết, về cơ bản, nguồn thức ăn cho đàn lợn rừng nuôi dễ tìm, dễ chế biến và anh có thể chủ động hoàn toàn trong trang trại.
Cuối năm 2015, sau nhiều tính toán, cân nhắc trong việc giải bài toán nuôi con gì, anh Sơn quyết định đầu tư 200 triệu đồng vào nuôi lợn rừng. Đây không phải là một quyết định liều lĩnh bởi anh nhận thấy điều kiện về đất đai, nguồn thức ăn, môi trường sống tự nhiên vùng gò đồi quê anh thích để nuôi lợn rừng… Nguyễn Xuân Sơn trở thành là người đầu tiên xây trang trại nuôi lợn rừng của xã Thịnh Sơn. Bước đầu bài toán về nuôi con gì đã được anh Sơn giải quyết một cách thuận lợi.
Mặc dù tìm lời giải cho bài toán để cung cầu lợn rừng gặp nhau không dễ, tuy nhiên anh Sơn nhất quyết không chịu bó tay. Sau nhiều phân tích, anh đánh giá chi phí ảnh hưởng đến giá thành là ở nguồn thức ăn và chi phí mua con giống. Nếu hạ được giá 2 yếu tố này có thể hạ giá được lợn rừng thành phẩm mà vẫn thu được lãi lớn. |
Mô hình nuôi lợn rừng của anh Sơn bước đầu “mua may bán đắt” rất thuận lợi với giá bán lợn thịt móc hàm đạt 250.000 đồng/kg còn giá thịt lợn hơi từ 120.000-150.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, sau một thời gian anh lại vướng mắc một lời giải khó về bài toán cung, cầu.
Anh Sơn tâm sự: “Nhiều người dân ở đây vẫn thường chia sẻ với mình rất muốn ăn thịt lợn rừng nhưng giá đắt gấp 3 lần so với thịt lợn nuôi công nghiệp. Mình cũng đã trăn trở rất nhiều vì giá thị trường nó vốn vậy. Mình đã nghĩ tớ việc giảm giá thấp hơn để đáp ứng nhu cầu của người dân, tuy nhiên nếu giảm quá thì mình lại lãi chẳng được bao…”.
Nguyễn Xuân Sơn tiến hành giải quyết từng yếu tố một. Về nguồn thức ăn cho lợn rừng, Sơn cân đối 70% là cây cỏ, 30% còn lại là phụ phẩm. Vì vậy, anh tận dụng khu đất trống xung quanh trang trại để trồng cỏ làm thức ăn. Đến mùa thu hoạch cây nông nghiệp như ngô, lúa, lạc, anh tiến hành ủ men vi sinh làm thức ăn thay thế hoàn toàn cám cò và thức ăn công nghiệp.
Xung quanh trang trại, Nguyễn Xuân Sơn trồng nhiều cỏ làm nguồn thức ăn chính cho đàn lợn rừng.
Anh Sơn chia sẻ: “Thức ăn men vi sinh mang lại rất nhiều thuận lợi, nó làm đường ruột của lợn khỏe, da lợn hồng hào, thịt chắc. Mình còn trộn vào thức ăn cho lợn rừng ít cám mì, đậu xanh, vừng để tạo tính ham ăn cho lợn, giảm độ béo vì lợn rừng ăn ít thức ăn giàu tinh bột”.
Nuôi giun cho lợn rừng “bắt”
Trai trẻ Nguyễn Xuân Sơn còn tiến hành nuôi giun cho lợn ủi, bắt ăn. Anh làm cách này nhằm tạo môi trường sống gần với tập tính tự nhiên của lợn rừng. Ngoài ra, anh còn đào 3 ao cá xung quanh trang trại nuôi lợn rừng. Cá nuôi được, 1 phần anh đem sấy khô rồi nghiền ra trộn vào làm thức ăn cho lợn, phần khác anh đem bán ra thị trường. Chỉ tính riêng tiền bán cá, mỗi năm “hotboy” của xóm Nguyễn Xuân Sơn thu được từ 80-90 triệu đồng.
Giờ đây, khi đã tìm ra giải pháp hạ giá thành, kéo cung-cầu thịt lợn rừng lại gần nhau thì "hotboy" của xóm Nguyễn Xuân Sơn rất tự tin làm giàu.
Về con giống, nhận thấy việc nhập con giống từ công ty giá cao, chi phí vận chuyển lại quá đắt, vì vậy Sơn tiến hành “tự cung tự cấp”. Hiện tại, anh đang nuôi 11 con lợn rừng nái trong 11 ô chuồng, 1 con lợn rừng đực để phối giống; 50 con lợn rừng để bán giống và 40 con lợn rừng nuôi để bán thịt.
“Giờ đây, mình không phải mua giống như trước mà còn bán cả lợn rừng giống, trung bình 120.000 đồng/kg lợn giống, có thêm nguồn thu nhập”, anh Sơn chia sẻ.
Khi đã gây dựng được đàn lợn rừng nái sinh sản thì 9x Nguyễn Xuân Sơn không phải mua lợn rừng giống, giờ đây anh còn bán lợn rừng giống.
Nhờ giải quyết tốt bài toán cung-cầu, anh, giờ đây Sơn bán thịt lợn rừng hơi ra thị trường chỉ 100.000đồng/kg, thấp hơn giá thị trường 20.000 đồng. Nhờ vậy, trang trại lợn rừng của Sơn được thương lái tìm đến mua nhiều hơn, có thời điểm cung không đủ cầu. Tuy bán giá thấp hơn giá thị trường trong vùng, nhưng năm 2017, Nguyễn Xuân Sơn vẫn có lãi 400 triệu đồng từ đàn lợn rừng.
Theo anh Sơn: “Để lợn rừng phát triển tốt nhất thì kiêng tắm, tiến hành phơi nắng cho lợn. Đối với lợn con cần được bổ sung sắt và khoáng đầy đủ trong 10 ngày đầu sau sinh. Mình còn chủ động phòng bệnh cho đàn lợn rừng bằng nguồn cây thuốc nam tự nhiên trồng ngay trong trang trại để khi cần là có ngay”.