Trồng cây trăm mắt trái vụ, ngon ngọt như chính vụ, bán giá lại cao
Từ những quả đồi đất cằn, bạc màu anh đã mạnh dạn trồng cây dứa trái vụ, giờ đây thành quả là những vạt đồi dứa xanh mướt kéo dài từ chân lên đến đỉnh đồi. Chủ nhân của vườn dứa đó chính là anh Hoàng Văn Giới trú tại thôn Cã Troong, xã Minh Sơn, huyện Hữu Lũng, Lạng Sơn.
Vùng đất Cã Troong trước đây là đất đồi, cằn cỗi, sỏi đá, người dân chủ yếu chỉ trồng được keo, ngô, khoai, sắn nhưng hiệu quả kinh tế đem lại không cao. Nhận thấy diện tích đất đồi trồng sắn của gia đình phù hợp để trồng cây dứa, nên anh Giới đã mạnh dạn đầu tư mua cây giống về trồng.
Những trái dứa trái vụ to đều và chín vàng đang được anh Giới thu hoạch.
“Trong quá trình chăm sóc tôi thấy cây dứa chịu hạn tốt, ít sâu bệnh, rất thích hợp với vùng đất dốc, không tốn nhiều công sức chăm sóc. Trồng dứa khác hẳn với các loại cây trồng ăn quả khác ở chỗ, tôi không cần tưới nước hàng ngày vì loại cây này chịu hạn rất tốt, một tháng chỉ cần đi làm cỏ một lần. Phân bón tưới tiêu chủ yếu là tôi dùng phân NPK, lân và phân chuồng nên cây luôn phát triển khỏe mạnh và cho quả ngọt lắm”, anh Giới cho biết.
Dứa sẽ nặng cân hơn khi thu hái lúc quả còn hơi xanh.
Theo như anh Giới chia sẻ, trồng dứa trái vụ không yêu cầu kỹ thuật cao hay chi phí đầu tư lớn. Từ khi trồng chỉ cần bón phân 2 lần: giai đoạn bón lót và bón thúc, sau đó xới đất, làm cỏ để cây dứa sinh trưởng, phát triển tốt. Điểm quan trọng nhất là chọn thời gian xử lý để dứa ra quả theo đúng thời điểm người trồng mong muốn. Theo đó, từ khi áp dụng khoa học kỹ thuật để dứa ra quả trái vụ nếu thời tiết thuận lợi thì sau 4 - 5 tháng dứa sẽ cho thu hoạch. Nếu thời tiết lạnh, quả sẽ phát triển chậm hơn, sau 6 - 7 tháng dứa được thu hoạch. Dứa trái vụ có chất lượng thơm ngon và ngọt như dứa chính vụ.
“Trước đây, dứa chỉ có khi vào mùa (khoảng tháng 5, tháng 6 âm lịch). Tuy nhiên, áp dụng khoa học kỹ thuật trồng dứa trái vụ thì dứa có thể cho thu hoạch sớm hơn. Trung bình, dứa trái vụ thường cho thu từ trước Tết đến khoảng đầu tháng 4 âm lịch nhờ vậy cũng được giá hơn”.
Dứa tại vườn nhà anh Giới đều có cân nặng bình quân khoảng 1kg/quả.
Dứa ở đây rất được khách hàng ưa chuộng vì quả to, mắt đều, ngọt và đặc biệt là sạch vì người trồng không sử dụng thuốc hóa học hay chất kích thích từ chăm bón đến khi ra quả. “Dứa của gia đình tôi trồng rất ngọt, thanh, giòn nên thu hoạch đến đâu đều có thương lái túc trực thu mua đến đó”, anh Giới phấn khởi.
Điều đặc biệt ở loại dứa này là cây chỉ cho quả 1 năm, sau khi thu hoạch quả xong cây sẽ được giữ lại chăm sóc nuôi lấy mầm để làm giống cho vụ sau. Sau khi lấy giống, gốc cũ sẽ được nhổ bỏ để trồng mầm mới vào khoảng tháng 3-4 hàng năm. Đây là loại cây rất dễ sống, dù có khô cằn, thiếu nước kéo dài cây vẫn sống và phát triển tốt. Nhờ vậy người trồng đầu tư ít chi phí hơn.
Hiện tại vườn dứa gần 3 vạn gốc của gia đình Giới anh đang cho thu hoạch. Những trái dứa mắt to, vàng và có cân nặng trung bình 1kg bán giao cho thương lái buôn với giá hơn 7.000/kg. Anh Giới ước tính sau khi thu hết vườn anh cũng cầm chắc trong tay 60-100 triệu đồng. Mức thu nhập này là rất lớn đối với nơi vùng quê nghèo khó này.
Dứa năm nay quả đều, đẹp và được giá nên anh Giới rất phấn khởi.
Thấy gia đình anh Giới trồng cây dứa đem lại hiệu quả kinh tế cao nên rất nhiều bà con trong bản đến xin cây giống về trồng, anh cũng vui vẻ chia sẻ cây giống cũng như kinh nghiệm trồng và cách chăm sóc dứa. Giờ đây cả bản nhà nào cũng trồng cây dứa, đời sống của người dân ở đây cũng khấm khá hơn trước kia rất nhiều.