Trồng cây tay xanh quả đỏ, trái sà sát đất, “bỏ túi” hơn 100 triệu/năm

Sự kiện: Kinh Doanh

Chị Tòng Thị Thủy, dân bản Bó Cón (phường Chiềng An, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La) trồng thanh long ruột đỏ hơn 5 năm nay. Cần mẫn chăm sóc, làm cỏ, bón phân bò cho vườn thanh long ruột đỏ gần 1.000 gốc, mỗi năm bán quả, người phụ nữ dân tộc Thái đảm đang này nhẹ nhàng ‘bỏ túi” hơn 100 triệu đồng.

Nhà chị Thủy nằm ngay đầu bản Bó Cón. Trên 3 mảnh vườn cạnh, trước và sau nhà chị Thủy là những trụ thanh long tươi tốt, trĩu quả.

Chị Thủy cho biết: Trước khi “bén duyên” với cây thanh long, chị trồng nhãn, mận trên diện tích nương, vườn của gia đình. Tuy nhiên, do giá bán mận, nhãn bấp bênh nên chị chặt bỏ, chuyển sang trồng rau xanh. Năm 2012, chị mua gần 20 gốc thanh long ruột đỏ về trồng trên mảnh vườn sau nhà. Hơn một năm sau, cây thanh long bắt đầu cho quả.

Trồng cây tay xanh quả đỏ, trái sà sát đất, “bỏ túi” hơn 100 triệu/năm - 1

Thanh long nhà chị Thủy luôn đáp ứng được các tiêu chí ngon và sạch

“Khi những gốc thanh long đầu tiên cho thu hoạch, tôi hái về ăn thử. Sau khi ăn xong, mọi người trong gia đình tôi ai cũng tấm tắc khen ngon. Ruột thanh long đỏ thẫm, thơm ngon và ngọt như đường. Từ gần 20 gốc thanh long ban đầu, tôi đã nhân giống trồng ở mảnh vườn phía trước và cạnh nhà, mỗi năm gần 200 gốc. Đến nay, vườn thanh long của gia đình tôi đã lên đến gần 1.000 gốc” – chị Thủy vủi vẻ nói.

Theo chị Thủy, thanh long ruột đỏ là loại trái cây có thành phần dinh dưỡng cao. Thường xuyên ăn thanh long sẽ giúp cho người phụ nữ giữ gìn được vóc dáng và sắc đẹp. Ngoài ra, thanh long còn có tác dụng giải thiệt cơ thể trong những ngày nắng nóng.

Trồng cây tay xanh quả đỏ, trái sà sát đất, “bỏ túi” hơn 100 triệu/năm - 2

Chị Thủy thu hoạch thanh long bán cho thương lái

Chị Thủy làm trụ bê tông, chôn chặt xuống lòng đất, sau đó mới trồng thanh long. Mỗi trụ, chị chỉ trồng 2 hom cành thanh long giống, sao cho thân thanh long ôm sát vào trụ. Khi thanh long phát triển, chị Thủy dùng dây nilong buộc sát vào thân trụ bê tông để tránh mưa gió làm gẫy cành.

Từ trên đỉnh trụ bê tông, những cành thanh long rủ xuống tốt um, bao quanh thân trụ. “Thời gian đầu trồng thanh long khá vất vả, vì phải làm trụ bê tông. Mỗi trụ bê tông nặng gần 1 tạ, 2 người mới khênh nổi. Để thanh long sinh trưởng, phát triển tốt, cho nhiều quả cần phải bón phân cân đối, làm cỏ thường xuyên, tưới nước đều đặn, nhất là những ngày nắng nóng” – chị Thủy bảo vậy.

Trồng cây tay xanh quả đỏ, trái sà sát đất, “bỏ túi” hơn 100 triệu/năm - 3

Chị Thủy cho biết, có ngày chị thu gần 10 triệu đồng từ bán quả thanh long cho thương lái

Chị Thủy là người đầu tiên ở phường Chiềng An trồng giống thanh long ruột đỏ. Tự mầy mò, học hỏi kỹ thuật trồng thanh long qua sách, báo, ti vi, chị Thủy áp dụng vào chăm sóc vườn thanh long của gia đình. Không sử dụng phân hóa học bón cho vườn thanh long mà chị Thủy cho chúng “ăn” phân bò. Chị xuống huyện Yên Châu mua phân bò về ủ với phân xanh làm “thức ăn” cho vườn thanh long. Khi cây thanh long chuẩn bị ra hoa, chị Thủy vãi phân xung quanh gốc. Khi quả thanh long to bằng chén uống nước, chị lại cho “ăn” phân chuồng một lần nữa để cây thanh long có đủ dinh dưỡng nuôi quả.

Trồng cây tay xanh quả đỏ, trái sà sát đất, “bỏ túi” hơn 100 triệu/năm - 4

Thanh long ruột đỏ nhà chị Thủy ăn ngọt như đường

“Cứ một đợt thu quả, tôi lại vãi phân quanh gốc thanh long 2 lần, liều lượng tùy theo bụi thanh long to hay nhỏ. Tôi cũng thường xuyên cắt tỉa, tạo tán cho thanh long. Cây thanh long thường ra nụ vào tháng 5, sau đó chừng 1 tháng thì được thu quả. Loại cây này cho quả liên tiếp trong vòng 7 tháng, khi thời tiết chớm lạnh cũng là lúc cây thanh long ngừng ra quả” – chị Thủy cho hay.

Trồng cây tay xanh quả đỏ, trái sà sát đất, “bỏ túi” hơn 100 triệu/năm - 5

Chị Thủy là người đầu tiên trồng thanh long ruột đỏ ở phường Chiềng An

Phần vì là người đầu tiên trồng thanh long ruột đỏ, phần vì không sử dụng phân hóa học, không phun thuốc trừ sâu nên thanh long nhà chị Thủy luôn đảm bảo ngon và sạch, được nhiều người chọn mua. Từ giữa tháng 6 đến nay, ngày nào chị Thủy cũng bận rộn với công việc cắt quả thanh long bán cho thương lái. Chị Thủy bán thanh long với giá dao động từ 15 – 40.000 đồng/kg, tùy theo từng loại quả to hay nhỏ. Thanh long nhà chị có quả nặng hơn 1kg, bán với giá 40 đồng/kg. Loại này trong vườn nhà chị chưa có nhiều nên khách muốn mua phải đặt trước.

“Vì trồng không đồng loạt nên số gốc thanh long cho trái chưa đều. Mỗi năm, sau khi trừ chi phí, tôi “bỏ túi” hơn 100 triệu đồng. Khi cả vườn gần 1.000 gốc thanh long cho trái đều, thu nhập của gia đình tôi chắc chắn sẽ cao hơn nhiều so với hiện nay” – chị Thủy phấn khởi nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Văn Chiến (Dân Việt)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN