Trồng cây quả thơm “điếc mũi”, tốn ít công nhưng lại lãi lớn
Chỉ tốn ít công chăm sóc nhưng 2ha vườn cây mít Thái siêu sớm giúp anh Đặng Trung Kiên, ở khu 4, xã Trung Nghĩa, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ thu được khoảng 3 tấn quả mỗi vụ. Tính ra, trừ mọi chi phí, mỗi năm, anh Kiên cũng thu được ít nhất 300 triệu đồng…
Sinh ra trong một gia đình thuần nông, anh Kiên luôn trăn trở tìm cách thoát nghèo. Khổ nỗi, gia đình anh lại chỉ được giao 12ha đất cằn cỗi thuộc loại xấu nhất vùng.
Được giao cho khu đất cằn cỗi, nhưng với quyết tâm làm giàu, anh Kiên không ngừng cải tạo lại để trồng cây ăn quả.
“Khu đất gia đình tôi được giao cằn cỗi, với toàn cỏ sậy, lau sậy, không ai muốn nhận vì ngay cả củ sắn cũng không trồng nổi. Mỗi buổi sáng thức giấc, ngắm đồng đất bao la, bát ngát, nhìn thấy tiềm năng đất đai và sức lao động của người dân quê mình, tôi lại thêm quyết tâm phải cải tạo được khu đất để làm kinh tế”, anh Kiên cho biết.
Nghĩ là làm, anh cùng gia đình bắt tay vào phát cỏ, cải tạo đất để trồng chè, trồng vải và nhiều loại cây ăn quả khác. Trên nền đất cằn cỗi, những loại cây này phát triển chậm, mất nhiều công chăm sóc, thu hoạch nhưng tiền thu về lại chẳng được bao nhiêu.
Do những loại cây khác tốn nhiều công chăm sóc, chậm phát triển và cho thu nhập thấp nên anh Kiên chuyển sang trồng mít Thái siêu sớm.
Sau nhiều ngày trăn trở, anh quyết định quay sang trồng tập trung bưởi, chè và mít Thái siêu sớm.
“Đầu tiên, tôi trồng thử nghiệm vài cây mít, thấy loại này phát triển tốt, bỏ ít công sức nhưng hiệu quả kinh tế đem lại cao hơn nhiều so với các loại cây ăn quả khác nên đã quyết định mở rộng diện tích lên tới 2ha”, anh Kiên chia sẻ.
Tuy nhiên, theo anh Kiên, mọi chuyện không hề đơn giản như vậy, bởi lẽ, đầu tiên, vì không có kinh nghiệm nên cây chết nhiều, quả ít và chất lượng không cao.
Thời gian đầu do chưa có kinh nghiệm nên mít chết nhiều
“Với mấy cây mít Thái siêu sớm trồng thử nghiệm, ngoài những cây bị chết, những cây còn lại sau 1 năm đã cho thu hoạch, tôi thấy giá trị kinh tế cao. Chính vì vậy nên đã đi mua thêm tài liệu, lên mạng tìm hiểu, đặc biệt đi khắp các vùng trong tỉnh, vào cả miền Tây - nơi giống mít Thái trồng đạt chất lượng ngon nhất để học cách trồng và chăm sóc."
Không qua trường lớp đào tạo chính quy nào, nhưng những kiến thức về trồng và chăm sóc mít Thái vẫn được anh Kiên tích lũy dần trong suốt quá trình làm. Chính trong những khó khăn, nhọc nhằn, anh đã kiên trì học hỏi và thành công.
Theo anh Kiên, trồng mít không cần quá nhiều thời gian chăm sóc như nhiều cây ăn quả khác. Tuy nhiên, phải luôn theo dõi quá trình phát triển của cây để phát hiện sớm sâu bệnh và có biện pháp xử lý kịp thời, nếu không sẽ ảnh hưởng đến quá trình đậu quả. Trồng mít cũng không cần phải đầu tư tốn kém, quan trọng là phải đào hố đủ rộng, đủ chiều sâu và bón phân lót đúng cách. Cây mít không nên trồng quá dày, điểm mấu chốt quyết định số quả đậu là khâu chọn giống. Chọn được giống mít tốt, sẽ cho quả đều và ổn định.
Nhờ sự quyết tâm, chịu khó học hỏi, vườn mít Thái siêu sớm đã cho anh thu nhập ổn định hàng năm.
Cũng theo anh Kiên, một kỹ thuật quan trọng là trong quá trình cây phát triển, đặc biệt khi ra hoa, phải thường xuyên cắt tỉa những cành nhánh, cành xung quanh để không ảnh hưởng đến các cành khỏe khác cũng như chất lượng quả. Hơn nữa giống mít này có 1 nhược điểm là bộ rễ yếu, khi mùa mưa bão phải có biện pháp bảo vệ tránh cây bị đổ.
“Tuổi thọ của mít rất ngắn (không quá 10 năm tuổi) nên muốn cây phát triển tốt phải thường xuyên theo dõi sinh trưởng của cây, đồng thời phải cung cấp đủ dinh dưỡng cho cây. Trồng mít nên bón phân 2 đợt vào tháng 2 và tháng 8 hàng năm sẽ giúp cây phát triển tốt, quả nhiều, chất lượng cao…”, anh Kiên chia sẻ.
Từ năng 2016 đến nay, mỗi năm, mít nhà anh cho thu 2 đợt chính, còn lại thu rải rác cả năm. Loại mít này cho quả to, mỗi quả nặng 7-15 kg, tính bình quân mỗi cây mít Thái cho 70-80 kg quả/năm thì vườn mít 300 gốc của gia đình anh Kiên cho thu hoạch khoảng 24 tấn/năm, với giá thị trường hiện nay cho thu về ít nhất 300 triệu đồng.
Ông Phạm Văn Viên, Phó Chủ tịch UBND xã Trung Nghĩa, huyện Thanh Thủy
Theo ông Phạm Văn Viên, Phó Chủ tịch UBND xã Trung Nghĩa, huyện Thanh Thủy, mô hình trồng mít Thái siêu sớm của gia đình anh Đặng Trung Kiên là một mô hình phát triển kinh tế hiệu quả. Nó đã thay đổi tư duy của bà con nhân dân ở xã Trung Nghĩa vì hiện tại mô hình trồng mít thái siêu sớm được bà con nhân rộng, đem lại kinh tế cao, giúp xóa đói giảm nghèo cho địa phương. Thời gian tới, chính quyền xã tiếp tục hỗ trợ, giúp đỡ người dân nhân rộng mô hình trồng cây mít Thái siêu sớm này…