Lưu bài Bỏ lưu bài

Đó là chia sẻ của chị Đỗ Thị Nhung, xã Kênh Giang, huyện Thuỷ Nguyên, Hải Phòng về sự bất ổn của giá cau khi thị trường cau tươi gần 30 năm qua phụ thuộc hoàn toàn vào Trung Quốc.

Khi thì giá lên cao chót vót, khi lại rớt xuống đáy. Người trồng, kẻ buôn hay lò sấy cau như đang chơi trò đuổi bắt, may rủi, đứng trước việc được tiền tỷ hay mất tiền tỷ dễ như chơi.

Trồng cau "hái vàng": Nông dân hứng khởi trong cơn "say tiền" - 2

“Năm nay, giá cau từ 60-80.000 đồng/kg nên cứ bán 1 tạ cau là mua được hơn 1 chỉ vàng”, ông Nguyễn Văn Long, trú tại xóm 7, xã Hải Đường, Hải Hậu, Nam Định nói.

Từ năm 2020 đến nay, cau tươi tăng giá kỷ lục, lên 60-80.000 đồng/kg. Thậm chí, có thời điểm lên đến trên 100.000 đồng/kg.

Trong khi đó, giá vàng 9999 trong nước hiện ở mức từ 5,3-5,4 triệu đồng/chỉ. Vì vậy, cứ bán 1 tạ cau là chủ vườn có thể mua được hơn 1 chỉ vàng. Nhiều nhà thành tỷ phú nhờ cau tăng giá.

Ông Nguyễn Văn Long, trú tại xóm 7, xã Hải Đường cho biết, gia đình ông có khoảng hơn 400 cây cau có tuổi đời vài chục năm trong vườn nhà.

Mỗi cây cau có thể cho thu hoạch từ 1-3 buồng/năm, trung bình khoảng 20kg quả/cây. Năm 2020, cau tươi có giá từ 50-60.000 đồng/kg, năm 2021 giá cau tươi từ 80-90.000 đồng/kg. Như vậy, chỉ tính riêng việc thu hoạch quả cau đã cho thu nhập trên 1 triệu đồng/cây.

Trồng cau "hái vàng": Nông dân hứng khởi trong cơn "say tiền" - 3

Cũng là hộ sở hữu cả nghìn cây cau tại xã Kênh Giang, huyện Thuỷ Nguyên (Hải Phòng), bà Nguyễn Thị Tình cho biết, nếu theo giá cau năm nay thì trồng cau cho thu nhập gấp trăm lần trồng lúa.

Ví dụ một sào đất cho thu khoảng 2 tạ thóc/vụ, bán với giá 0,8-1 triệu đồng/tạ thì cả năm 2 vụ lúa chỉ thu gần 4 triệu đồng.

Trong khi, cũng mảnh đất đó bà trồng được 150-200 cây cau. Mỗi cây cho thu hoạch trung bình 4 buồng từ tháng 8 năm nay đến tháng 4 năm sau. Mỗi buồng trung bình khoảng hơn 10kg. Với giá cau khoảng 60 nghìn đồng/kg như hiện tại thì một sào đất cho thu nhập khoảng gần 500 triệu đồng.

Trồng cau "hái vàng": Nông dân hứng khởi trong cơn "say tiền" - 4

Vậy là, tính trung bình doanh thu từ cây cau gấp hơn 100 lần trồng lúa. Còn thu nhập sẽ cao hơn vì trồng cau mất ít công và chi phí hơn rất nhiều.

Năm nay, cứ bán 1 tạ cau có thể mua được hơn 1 chỉ vàng. Trừ chi phí, những nhà trồng nhiều cau như bà Tình có thể thu được cả tỷ đồng.

Cau được giá lại dễ bán, không chỉ những người trồng cau “bội thu” mà những hộ buôn cau hay các lò sấy cau cũng thắng lớn. Khắp các vùng quê tấp nập người đi thu mua cau, bán cau. Những lò sấy cau làm hết công suất, đỏ lửa ngày đêm để lấy cau xuất bán.

Tiếng cười nói xôn xao giữa những vườn cau trĩu quả, những lái cau thoăn thoắt trèo lên từng cây để cắt xuống những buồng cau xanh rì.

Nhiều năm buôn cau tại Hải Phòng, anh Đỗ Hữu Hơn cho biết, mỗi ngày, anh thu mua được từ 1-2 tấn cau với giá từ 60.000-90.000 đồng/kg. Ngày cao điểm, doanh thu tại cửa hàng lên đến gần 200 triệu đồng/ngày, cả tháng vài tỷ đồng.

Trồng cau "hái vàng": Nông dân hứng khởi trong cơn "say tiền" - 5

Không chỉ mở điểm cân cau, ngay từ cuối tháng 4 dương lịch hàng năm, anh Hơn cùng các thợ buôn cau đến những vườn lớn để đếm cây đặt tiền mua cả vườn. Vườn xa, xấu hơn thì mua với giá từ 200.000-300.000 đồng/cây. Vườn gần, cây đẹp thì mua với giá 400.000-500.000 đồng/cây.

“Mùa cau từ tháng 8 năm nay đến hết tháng 4 năm sau. Hai năm nay được giá, cây ít thì bán được vài trăm, cây nào sai quả bán được 1-2 triệu đồng, lãi gấp 3-4 lần”, anh Hơn nói.

Cau được giá, dễ bán, người buôn cau thắng lớn lại trích thêm cho chủ vườn từ 5-10 triệu. Tuy nhiên, thương trường là chiến trường, giá cau cao thì lại có sự cạnh tranh giữa các thương lái. Có trường hợp, khi chưa hết vụ cau đã có người đến đặt mua vườn với giá cao hơn.

“Đi buôn to, bỏ ra nhiều vốn thì ăn to, lãi cả tỷ đồng nhưng tôi “gan bé”, buôn ít nên năm vừa rồi lãi được có vài trăm triệu”, anh Hơn nói.

Trồng cau "hái vàng": Nông dân hứng khởi trong cơn "say tiền" - 6
Trồng cau "hái vàng": Nông dân hứng khởi trong cơn "say tiền" - 7

Được biết, quả cau sau khi được thu hoạch, sơ chế sẽ được xuất khẩu sang Trung Quốc để sản xuất kẹo cau – một loại kẹo khá được ưa chuộng tại nước này.

Từ năm 2020 đến nay, giá cau tăng cao chót vót do Trung Quốc đẩy mạnh việc thu mua cau quả với giá cao bất thường. Do vậy, dẫn đến trường hợp người dân đổ xô mua giống về trồng, mở rộng diện tích.

Anh Phạm Quốc Toản, trú tại Buôn Hồ (Đắk Lắk) cho biết, giá cau quả tăng gấp 3-4 lần nên năm nay bà con mua cây giống rất nhiều và mua với số lượng lớn khiến giá cau giống cũng tăng gấp đôi. Vì vậy, giá cây cau giống đã lên đến 25.000 đồng/cây, cao khoảng 30-50cm thay vì 9-10.000 đồng/cây so với trước đây.

Dù giá cây giống tăng gấp đôi năm trước nhưng theo anh Toản, người dân vẫn xuống tiền mua cau giống về trồng. Nhà ít thì mua từ 200-300 cây, nhà mua nhiều lên đến cả nghìn cây để trồng đại trà.

Trồng cau "hái vàng": Nông dân hứng khởi trong cơn "say tiền" - 8

Ông Nguyễn Văn Long, trú tại Hải Đường, Hải Hậu (Nam Định) cũng cho biết, mỗi tháng, gia đình ông cung cấp ra thị trường từ 1-2 vạn cây cau giống cho khắp các tỉnh thành. Đồng thời, gia đình ông cũng mua thêm 6 ha đất ở Đắk Nông để trồng cau.

Xác nhận điều này, ông Ngô Xuân Biện, Phó phòng NN&PTNT huyện Cư M’gar (Đắk Lắk) cho biết, mấy năm trở lại đây, nông dân trên địa bàn đổ xô trồng cau. Ngành nông nghiệp chưa thống kê số liệu cụ thể bởi nông dân chủ yếu trồng xen trong vườn cây, dọc hàng rào, bờ ao, chứ không trồng thuần.

Trao đổi với PV, ông Lê Văn Thành – Chi cục Trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Đắk Lắk cũng thông tin, thời điểm hiện tại giá cau tươi khoảng 50.000-60.000 đồng/kg, có thời điểm giá cau lên đến 70.000 đồng/kg nên giá cây cau giống cũng tăng cao.

Đầu mùa cau giống có giá 7.000 đồng/cây, hiện nay giá dao động từ 9.000-10.000 đồng/cây, có một số nơi bán 14.00-15.000 đồng/cây tùy vào hình thái, phát triển của cây giống.

Trồng cau "hái vàng": Nông dân hứng khởi trong cơn "say tiền" - 9

“Tôi nhớ năm 2006, giá cau khi ấy là 16.000 đồng/kg mà giá vàng là 800.000 đồng/chỉ nên cứ bán 1 tạ cau là mua được 2 chỉ vàng. Nhưng chỉ sau 1 năm, giá cau rớt xuống đáy, thương lái không thu mua hoặc có mua thì với giá rẻ như cho. Dân buôn cau, lò sấy cau lỗ tiền tỷ”, ông Nguyễn Văn Long, trú tại xóm 7, xã Hải Đường, Hải Hậu, Nam Định nói.

Trước thực trạng người dân ồ ạt xuống giống trồng cau mặc dù giá cau giống tăng lên gấp 2-3 lần trong thời gian gần đây do cau quả bán được giá cao, nhiều người cho rằng, nên thật sự thận trọng. Bởi vì trong quá khứ, nhiều hộ dân đã phải thua lỗ tiền tỷ vì buôn cau, thậm chí là phải chính tay mình chặt bỏ hàng trăm gốc cau vì cau quả rớt giá.

Tại huyện Tiên Phước (Quảng Nam), trước năm 2010, mỗi kg cau tươi bỗng chốc được thương lái thu mua với giá 10.000 đồng/kg khiến người dân nơi đây đổ xô trồng cau, thậm chí nhiều nhà chặt bỏ các loại cây ăn quả khác để trồng cau. Từ chỗ vài trăm hecta cau thì chỉ sau 4 năm, diện tích trồng cau của huyện đã tăng gấp 3 lần.

Trồng cau "hái vàng": Nông dân hứng khởi trong cơn "say tiền" - 10

Tuy nhiên, vào năm 2014, thương lái bất ngờ dừng mua cau tươi, hàng loạt các cơ sở chế biến cau khô tại Tiên Phước phải đóng cửa, cau chín rụng đầy vườn khiến một số nông dân phải tự tay chặt bỏ cây cau.

“Năm đó, thương lái gần như không đến vườn hỏi mua. Tôi phải nhờ người bẻ cau đem xuống chợ bán cũng chỉ được dưới 2.000 đồng/kg, không đủ tiền thuê người trèo hái nhưng phải hái trái xuống thì mùa sau mới ra trái”, ông Trần Dũng (Tiên Phước, Quảng Nam) cho hay.

Không chỉ hộ trồng cau, người buôn cau như anh Đỗ Hữu Hơn (Hải Phòng) cũng từng lâm vào cảnh “mất cả chì lẫn chài” vì giá cau lên xuống thất thường.

Theo anh Hơn, vào thời điểm năm 2016, giá cau tự dưng tăng cao. Bán được giá, dân buôn tranh nhau đi mua vườn với giá từ 200-500.000 đồng/cây. Tuy nhiên, năm sau thời tiết khiến cau ra ít quả lại còn bị rụng hết, có vườn bị mất trắng, giá thu mua lại thấp. Nhiều người thua lỗ, bán cả nhà cả đất mới có tiền trả nợ.

Đầu tư lò sấy hết 4 tỷ đồng để làm cau sấy xuất đi Trung Quốc, thế nhưng, chị Đỗ Thị Nhung (Thuỷ Nguyên, Hải Phòng) cho rằng, giá cau luôn luôn bất ổn định, phụ thuộc hoàn toàn vào bạn hàng Trung Quốc nên phải có “gan to” mới có thể “chơi được”.

Lấy ví dụ, chị Nhung cho biết, năm 2017, giá cau tự dưng lên cao, 100.000 đồng/kg. Năm đó, nhà chị làm cau sấy thu lời khoảng 1 tỷ đồng.

Trồng cau "hái vàng": Nông dân hứng khởi trong cơn "say tiền" - 11

Tuy nhiên, đến năm 2018, 2019, giá cau lại rớt xuống chỉ còn 5.000 đồng/kg, đắt nhất chỉ 20.000 đồng/kg khiến gia đình chị ôm lỗ hơn 2 tỷ đồng.

Trồng cau "hái vàng": Nông dân hứng khởi trong cơn "say tiền" - 12

Từ năm 2020 đến nay, giá cau tăng cao chót vót dẫn đến trường hơp người dân đổ xô mua giống về trồng, mở rộng diện tích. Tuy nhiên, các địa phương, ngành chức năng đều khuyến cáo, người dân đừng nhìn thấy giá cau tăng mà ham trồng nhiều bởi giá cau tăng chỉ mang tính đột biến mà không theo quy luật thị trường.

Ông Lê Văn Thành – Chi cục Trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Đắk Lắk khuyến cáo, mặc dù giá cau tươi tăng cao so các năm trước, bà con nông dân cần thận trọng trong việc mở rộng diện tích sản xuất cau. Không nên đổ xô xuống giống, phát triển trồng cau với diện tích lớn mà chỉ nên trồng xen, trồng cạnh hàng rào hoặc tận dụng trồng trong vườn nhà, diện tích trồng thuần, không nên trồng tập trung vì hiện nay thị trường tiêu thụ cau tươi chưa ổn định, giá cau phụ thuộc vào thương lái là chủ yếu.

Ông Trần Vinh, quyền Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên cũng cho rằng, người dân chỉ nên trồng cau xen quanh vườn, ao cá vừa làm phong cảnh, vừa thêm thu nhập, tránh phát triển ồ ạt. Thị trường loại quả này không rộng, chủ yếu bán sang Trung Quốc. Đặc biệt, người dân không nên chặt phá cây trồng chính như cà phê, hồ tiêu, cây ăn trái… để chạy theo cây cau.

Trồng cau "hái vàng": Nông dân hứng khởi trong cơn "say tiền" - 13

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Như Cường – Cục Trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết, người dân không nên vì một thời điểm cau tăng giá mà xuống giống ồ ạt, mở rộng diện tích trồng cau. Đặc biệt, tuyệt đối không nên phá cây trồng khác để trồng cau.

“Nếu người dân vẫn giữ thói quen trồng – chặt, chặt – trồng thế này thì người chịu rủi ro đầu tiên và trước nhất chính là bản thân những người nông dân chứ không phải ai khác”, ông Cường nhấn mạnh.

Theo công Cường, đối với cây cau, từ khi xuống giống đến lúc cho thu hoạch phải mất 4-5 năm. Lúc đó, không giữ giá được nữa thì vấn đề gì sẽ xảy ra? Chưa kể, nếu lượng cau dư thừa mà không xuất đi đâu được thì thiệt hại bao giờ người nông dân cũng chịu hết.

Vì vậy, ông Cường cho rằng, trước khi trồng bất kỳ loại cây trồng gì với diện tích lớn, người dân cần tự tìm hiểu thật kỹ càng và được tư vấn về giống, kỹ thuật trồng, khí hậu, thổ nhưỡng, cùng với các thông tin về thị trường tiêu thụ và các giải pháp kỹ thuật khác chứ không nên trồng theo dư luận.

Trồng cau "hái vàng": Nông dân hứng khởi trong cơn "say tiền" - 14
 

Bài viết: Hồng Cảnh

Thiết kế: Nãm Trung Nguyên

Thứ Hai, ngày 22/11/2021 05:00 AM (GMT+7)

Nguồn: [Link nguồn]

Theo Hồng Cảnh - Trung Nam ([Tên nguồn])