Trồng cam Vinh bán Tết, trái to như trứng ngỗng, kiếm bộn tiền
Vào vườn cam Vinh của gia đình ông Phạm Văn Yên, thôn Văn Yên (xã Mường Thải, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La) trong những ngày cận tết Âm lịch, nhiều người không khỏi ngỡ ngàng trước hình ảnh 600 gốc cam Vinh sai quả rủ xuống đất, trái nào cũng to, căng như trứng ngỗng, vàng óng cả một triền đồi. Vườn cam Vinh của ông Yên rộng 1ha, sau khi trừ chi phí mỗi năm ông thu lời khoảng 300 triệu đồng.
Từ lâu xã Mường Thải (Phù Yên) được biết đến là vùng đất nổi tiếng với những trái cam bọng nước, thơm ngon được rất nhiều khách hàng ưa chuộng. Vào dịp giáp tết Nguyên Đán, nhiều nhà vườn tất bật hái cam bán ra thị trường, nhờ đó mà giá cả cũng cao và ổn định hơn so với các sản phẩm bán tết khác.
Từ lúc chuyển sang trồng cam Vinh, thu nhập của gia đình ông Yên cao gấp nhiều lần so với trồng ngô trước đây.
Ông Yên chia sẻ về cơ duyên đến với nghề trồng cam: "Tôi thấy bà con ở xã Mường Thải trồng cam Vinh bán dịp Tết cho năng suất và thu nhập cao. Sau đó, tôi quyết định chuyển đổi 1ha đất nương trồng ngô sang trồng cam Vinh phát triển kinh tế gia đình.
Tôi mua 600 cây giống ở huyện Văn Giang (Hưng Yên) mang về trồng tại nương. Để bảo đảm nước tưới cho vườn cây, tôi đầu tư vốn khoan giếng, mua máy bơm lắp đặt hệ thống ống dẫn nước khắp vườn, để tiện lợi cho việc cung cấp nước tưới hàng ngày cho cây, tạo điều kiện cho vườn cam sinh trưởng và phát triển tốt hơn. Từ lúc chuyển sang trồng cam, thu nhập kinh tế của gia đình tôi cao hẳn lên so với ngô, sắn và chăn nuôi gia súc, nhờ vậy mà cuộc sống gia đình đã khấm khá và dư giả".
Ông Yên vui mừng, khi năm nay vườn cam Vinh cho sai quả để bán dịp Tết Nguyên đán.
Theo kinh nghiệm của ông Yên, cam Vinh là loại cây ăn quả khó tính nên người trồng phải chăm sóc rất khoa học, cần áp dụng quy trình chăm sóc nghiêm ngặt. Trước khi trồng phải đào hố rộng 30cm, sâu 30cm rồi bón thúc phân chuồng, phân hữu cơ. Khâu quan trọng nhất để cây ra được hoa, kết trái nhiều người trồng phải nắm bắt, theo dõi chặt chẽ dự báo thời tiết. Trước khi chuẩn bị trời rét đậm cần xử lý diệt một phần rễ và khoanh gốc cam... đảm bảo được các yếu tố trên cam sẽ sai quả hơn và chín vào dịp giáp tết.
Nhờ cách chăm sóc tốt, cam Vinh của gia đình ông Yên cho quả to và sai đầy cành.
Ngoài ra, ông Yên còn dùng phân hữu cơ kết hợp với phân chuồng, với ngô ngâm trong bể gần 8 tháng, sau đó lấy nước bón cho cây cam tại vườn. Thời điểm cam ra hoa, ông tiến hành phun thuốc sinh học để cây không bị sâu bệnh và tỷ lệ đậu quả cao hơn. Nhờ cách chăm sóc bài bản như vậy, mà 1ha vườn cam Vinh của gia đình ông luôn phát triển tốt và cho quả đầy cành.
Ông Yên đang kiểm tra cam để chuẩn bị cắt bán phục vụ tết.
Ông Yên cho hay: "Sau một vụ thu hoạch quả, tôi tiến hành cắt tỉa cành khô đi, để lại những cành khỏe mạnh để năm tiếp theo cây cho quả sai hơn. Sau đó, tôi tiếp tục bón phân thúc phân đạm, phân hữu cơ, tạo điều kiện cho cây bù đắp lại chất dinh dưỡng sau chuỗi ngày nuôi quả.
Từ thời điểm gia đình tôi chuyển sang trồng cam đến giờ, thu nhập của gia đình cao gấp nhiều lần so với trồng ngô, cuộc sống kinh tế đã khấm khá lên nhiều. Hiện tại, tôi bán cam Vinh tại vườn với giá 27.000 đồng/kg, Tết năm nào cũng có thương lái trong tỉnh Sơn La, Hà Nội, Yên Bái... đánh xe tải vào vườn thu mua với giá cao. Một năm sau khi trừ chi phí chăm sóc, tôi thu lãi khoảng 300 triệu đồng".
Gia đình ông Yên đang tất bật hái cam bán cho các thương lái vào dịp tết nguyên đán 2019.