"Trốn" vào núi thẳm, trồng vườn cây trái, lãi 700 triệu đồng

Sự kiện: Kinh Doanh

Chẳng ai ngờ giữa rừng sâu, núi thẳm ở xã Mường Sang (huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La) lại có một vườn cây trái rộng mênh mông, trĩu quả đến như vậy. Suốt nhiều năm qua, chính vườn cây trái này đã mang lại mức lãi hơn 700 triệu đồng cho chủ nhân - chị Nguyễn Thị Thủy ở bản Sò Lườn

Khởi đầu nơi vùng đất mới

Trang trại vườn cây ăn quả của chị Thủy nằm dọc trên sườn dốc giữa đồi cao và rừng thẳm. Khu vườn rộng gần 8 ha trồng đủ các loại quả, loại nào cũng xanh tốt, trong đó xoài, nhãn, cam, bơ là những cây đang giúp gia đình chị hái ra nhiều tiền nhất, mỗi năm cho thu hoạch hàng chục tấn quả các loại, trung bình lãi hơn 700 triệu đồng/năm. Không chỉ là nữ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi mà chị còn giúp nhiều gia đình khó khăn làm ăn vươn lên thoát nghèo.

"Trốn" vào núi thẳm, trồng vườn cây trái, lãi 700 triệu đồng - 1

Cả khu vườn rộng gần 8 ha của gia đình chị Thủy đang cho thu nhập mỗi năm hàng chục tấn quả các loại

Chị Thủy kể về năm tháng trước đây, năm 2001 tốt nghiệp trung học phổ thông ở cái tuổi mười tám đôi mươi mơ mộng, chị theo bố mẹ rời vùng quê Hưng Yên lên Mộc Châu – Sơn La. "Lần đầu tiên đặt chân lên vùng đất Mường Sang này tôi cũng chẳng nghĩ là mình sẽ gắn bó lâu dài với vùng đất này đến như vậy, bởi khi đó nơi đây đâu đâu cũng là rừng, là núi, đường đi lại khó khăn vất vả. Người ở dưới quê lên thăm nhà tôi mà ái ngại bảo: "Trốn vào rừng sâu núi thẳm thế này liệu có khấm khá". Số trời xui thế nào tôi quen với một anh thanh niên cùng quê rồi nên duyên vợ chồng, thế là sống luôn tại mảnh đất này."

Mới lập gia đình còn khó khăn, hai vợ chồng phải đi chặt cây, bới đất gieo hạt ngô, hạt lúa, trồng sắn, tuy không phải chịu cảnh đói giáp hạt nhưng hiệu quả kinh tế thấp, hơn nữa đất trồng bị xói mòn, rửa trôi, bạc màu. 7 năm trồng ngô, sắn mà kinh tế gia đình vẫn dậm chân tại chỗ. Trong cái khó ló cái khôn, trên mảnh vườn khai khoang được, bố mẹ chị mang giống bưởi dưới quê lên trồng rất sai quả, đem ra chợ bán được giá nhưng do giống bưởi địa phương nên chất lượng chưa cao. Được người mách, năm 2005, chị cắt cành để ghép cam thay bưởi, sau một năm cam bói quả, dễ bán.

Hiệu quả từ trồng cây ăn quả

Năm 2007, gia đình chuyển toàn bộ diện tích 5.000 m2 đất sang trồng hơn 100 gốc cam. Thành quả ngoài mong đợi, sau 2 năm nỗ lực chăm bón không mệt mỏi của vợ chồng, vụ cam đầu tiên vừa được mùa, được giá, thu lãi hàng chục triệu đồng, lãi gấp nhiều lần so với trồng ngô, sắn. Lúc này chị Thủy tính đến việc mở rộng diện tích trồng cam, nhưng do ít vốn nên chị tính mỗi năm dùng số tiền bán cam tích được thầu thêm đất của bà con dân bản, ngoài ra, chị trồng thêm nhãn, xoài, bơ. Cứ thế đến nay, diện tích vườn cây ăn trái của chị mở rộng gần 8ha. Mỗi năm cho thu hoạch gần 40 tấn quả các loại, ước tính lãi hơn 700 triệu đồng.

"Trốn" vào núi thẳm, trồng vườn cây trái, lãi 700 triệu đồng - 2

Vườn cam, bưởi sai lúc lỉu

Theo chị Thủy, đến nay khu vườn của chị có 1.000 gốc cam, 300 gốc bưởi Diễn và bưởi da xanh, 300 gốc nhãn, 50 gốc bơ. Mỗi năm cho thu hoạch hơn 20 tấn nhãn, 10 tấn cam, 2 tấn bơ và hàng chục tấn xoài. Trong số các loại ăn quả tại khu vườn chị Thủy mới chỉ đang cho thu hoạch một nửa, số còn lại năm nay đã bói quả. Chắc chắn vụ này, sản lượng sẽ tăng lên nhiều.

Thấy mô hình trồng cây ăn quả của chị Thủy đem lại hiệu quả kinh tế cao, nhiều bà con trong xóm cũng học và làm theo. Hiện cả bản Sò Lườn ai cũng trồng cây ăn quả thay thế cây ngô, cây sắn, hiệu quả đem lại cao hơn nhiều. Khi số diện tích cây ăn quả ngày một nhiều, đầu ra bắt đầu gặp khó khăn. Cuối 2017, chị Thủy đứng ra kêu gọi một số bà con trong bản thành lập Hợp tác xã hoa quả An Phú, với mục đích liên kết sản xuất, liên kết với doanh nghiệp, thương lái thu mua sản phẩm cho bà con. Hiện HTX An Phú của chị Thủy có 10 thành viên, trên 17 ha diện tích trồng cây ăn quả các loại và đang hướng tới sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap.

"Trốn" vào núi thẳm, trồng vườn cây trái, lãi 700 triệu đồng - 3

Trong số các loại cây ăn quả của gia đình chị Thủy thì cây nhãn cho thu hoạch nhiều nhất, mỗi năm thu hơn 20 tấn nhãn

Nói về kinh nghiệm trồng cây ăn quả, chị Thủy chia sẻ: Mỗi loại cây trồng có cách chăm sóc khác nhau. Đối với cây nhãn trung bình mỗi cây bón 1 - 2 kg phân/1 lần, chia làm 3 lần trong năm, ngoài ra còn bổ sung phân hữu cơ. Đối với cây cam, bưởi chia làm 4 lần trong năm, ngoài ra bổ sung thêm vôi bột rắc quanh mỗi gốc để tăng sức đề kháng chống sâu bệnh. Theo chị Thủy, cây cam, bưởi đòi hỏi kỹ thuật chăm sóc cao hơn, ngoài bón phân đúng quy cách, tưới nước theo quy định thì cần phun thuốc bảo vệ thực vật để cây không bị sâu bệnh, ảnh hưởng đến sự phát triển của lá, đồng thời thường xuyên cắt tỉa cành, tạo tán hợp lý, làm cỏ bằng thủ công, không được phun thuốc diệt cỏ...

"Trốn" vào núi thẳm, trồng vườn cây trái, lãi 700 triệu đồng - 4

Hơn 10 năm gắn bó với nghề trồng cây ăn quả, giờ đây kinh tế gia đình chị ngày một khấm khá, không những thế chị còn tạo công ăn việc làm cho một số lao động tại địa phương, có thu nhập ổn định.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quốc Định ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN