Triệu đồng gói trà và lá mãng cầu Việt bán trên Amazon
Gói gồm túi trà và lá mãng cầu khô được doanh nghiệp Việt bán trên Amazon (Mỹ) với giá 300.000 đến hơn một triệu đồng (tùy trọng lượng).
Là sản phẩm không quá đắt khách ở Việt Nam, nhưng lá và trà mãng cầu được bán nhiều trên sàn thương mại điện tử Amazon (Mỹ).
Chị Hoàng Anh, sống tại Mỹ cho biết thường xuyên mua hàng trên Amazon và bất ngờ khi thấy trà, lá mãng cầu được bán tại đây với giá đắt đỏ. Trước đây, ở Việt Nam gia đình chị chỉ biết tới trái mãng cầu. Gần đây, khi lá mãng cầu được chế biến làm trà và giới thiệu tốt cho sức khỏe, chị tìm mua dùng thử. "Loại trà này có vị hấp dẫn, dễ uống nên tôi thường xuyên mua dùng", chị Hoàng Anh cho biết.
Khảo sát trên Amazon cho thấy, một gói gồm 40 túi trà lá mãng cầu khô có giá hơn 13,2 USD, tức 330.000 đồng. Riêng gói combo 230-250 lá khô, 40 túi trà và 40 túi bột trái cây mãng cầu có giá 56 USD (1,4 triệu đồng). Trong khi, tại Việt Nam, một kg lá trà mãng cầu khô (vài nghìn lá) khoảng 250.000-300.000 đồng.
Combo lá, túi trà, bột trái mãng cầu bán trên Amazon của nhà cung cấp Việt Nam có trụ sở tại Hà Nội. Ảnh: Thi Hà
Theo nhà cung cấp, để có được những gói trà thơm ngon này, nhà vườn phải thu hoạch, tuyển chọn lá tươi ngon nhất. Lá sau đó được sấy khô, và trải qua quá trình xử lý để giữ được màu sắc đẹp mắt. Loại này giàu dưỡng chất Vitamin C, B1, B2 và B3 giúp tăng cường miễn dịch. Ngoài ra, lá trà mãng cầu có thể giúp chống viêm. Sở dĩ chúng đắt đỏ vì chi phí sản xuất tăng, khâu vận chuyển và bảo quản sản phẩm tương đối cầu kỳ.
Bà Nguyễn Vũ Cảnh Duyên, quản lý cao cấp tài khoản Amazon tại Việt Nam chia sẻ thị trường Mỹ đang yêu thích các loại trà thảo mộc, có thành phần và yếu tố tự nhiên vì các sản phẩm này tốt cho sức khỏe, phù hợp với xu hướng sống xanh hiện tại.
Theo thống kê của Amazon, năm 2023 có hàng nghìn nhà bán hàng Việt xuất khẩu qua kênh này, với 17 triệu sản phẩm. Giá trị xuất khẩu hàng hóa qua sàn này tăng 50% so với 2022. Số lượng đối tác bán hàng Việt có doanh thu vượt 100.000 USD tăng 70% so với 2022.
2024, theo giới phân tích, là thời điểm vàng để các thương hiệu Việt tiến ra thị trường thế giới qua kênh thương mại điện tử. Nghiên cứu của Juniper Research (Anh) cho hay quy mô thị trường thương mại điện tử xuyên biên giới năm 2023 khoảng 1.600 tỷ USD và sẽ vượt 3.000 tỷ USD vào 2028.
Cùng với đó, các nhà sản xuất và thương hiệu Việt Nam đang "có vị thế rất tốt" để nắm bắt cơ hội, khi những thị trường xuất khẩu lớn có mức độ thâm nhập về thương mại điện tử xuyên biên giới khá cao. Theo số liệu của nền tảng eMaketer, mức độ thâm nhập của thị trường Mỹ và Trung Quốc là hơn 31%.
Nguồn: [Link nguồn]
Việc 30 lô sầu riêng vượt dư lượng chất cadimi vừa bị Trung Quốc phát hiện là hồi chuông cảnh báo đối với hoạt động kiểm soát chất lượng mặt hàng tỷ USD của Việt Nam. Nguyên nhân cụ thể vẫn đang được cơ quan chức năng xác minh nhưng trước đó, trên thị trường phân bón đã xôn xao câu chuyện thiếu kiểm soát chất này.