Trên liếp trồng dừa, nuôi heo rừng, dưới mương thả cá, lời 300 triệu/năm
Trên diện tích 3,8ha, ông Nguyễn Đình Quất, xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh (TP. Hồ Chí Minh) lên liếp trồng dừa, dưới mương nước thả cá. "Chỉ tính tiền bán dừa, mỗi tháng tôi có lời 24 triệu đồng. Kết hợp nuôi cá, gà, heo rừng trên bờ nữa; mỗi năm tôi bỏ túi khoảng 300 triệu đồng...", ông Quất tự tin "khoe".
Ông Nguyễn Đình Quất cho hay trồng dừa cho đầu ra ổn định. Ảnh: Nguyên Vỹ
Lê Minh Xuân là một trong những xã hiếm hoi có diện tích đất nông nghiệp lớn của huyện Bình Chánh với gần 2.500ha. Sát thị trường đô thị lớn nên các loại cây trồng truyền thống ở vùng này là mía và lúa ngày càng không mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân.
Những năm gần đây, nhiều nông dân đã chuyển đổi dần sang các cây trồng có giá trị kinh tế cao mà lại đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng thành phố như lan, hoa kiểng, dừa, mai kiểng…Trong đó, mô hình trồng dừa ngay trên vùng đất nhiễm phèn nặng ở xã Lê Minh Xuân đang giúp nhiều nông dân ổn định cuộc sống và làm giàu.
Theo ông Quất, việc trồng dừa không tốn nhiều công chăm sóc, chỉ cần cần trồng, chăm sóc đúng kỹ thuật. Ảnh: Nguyên Vỹ
Ông Nguyễn Đình Quất từ năm 2012 đã bỏ hẳn trồng lúa. Sau khi vay 500 triệu đồng theo Quyết định 04 (Chương trình hỗ trợ lãi suất của thành phố), toàn bộ diện tích 3,8ha m2 đất của gia đình đã được ông Quất chuyển sang trồng dừa.
2 năm đầu tiên, dừa chỉ cho thu hoạch khoảng 20%. Đến nay, vườn của ông Quất cho thu hoạch đều đặn mỗi tháng. Sản phẩm dừa quả hái tại vườn được thương lái vào thu mua trực tiếp. Mỗi tháng 1 lần, ông Quất xuất đi khoảng 4.000 trái. Với giá bán 6.000 đồng/trái, mỗi tháng ông thu lại 24 triệu đồng.
Ông Quất kể việc trồng dừa không tốn quá nhiều công, kỹ thuật không quá phức tạp nhưng phải chăm sóc đúng cách.
Cây dừa thích ứng tốt trên vùng đất nhiễm phèn nặng như ở xã Lê Minh Xuân (Bình Chánh). Ảnh: Nguyên Vỹ
Ông Quất cho hay, khoảng cách và mật độ trồng giữa các cây dừa cách nhau khoảng 5 - 7m. Mỗi hàng dừa được trồng trên một luống đất. Giữa các luống đất là mương nước chạy dọc theo.
Tận dụng diện tích mặt nước này, ông Quất thả nuôi thêm các loại cá trê, trắm…Năng suất từ mô hình hiện tại cao hơn khoảng 30 triệu/năm so với làm lúa.
“Cùng với việc chăn nuôi gà, vịt, heo rừng; mỗi năm trừ hết chi phí, tôi lời khoảng 300 triệu đồng. Số tiền lời này chủ yếu từ dừa và cá...Tất cả các công việc chỉ 1 tay tôi làm chứ không cần thuê mướn nhân công”, ông Quất kể.
Mô hình trồng dừa đang được nhiều nông dân ở xã Lê Minh Xuân áp dụng để ổn định thu nhập. Ảnh: Nguyên Vỹ
Theo bà Lê Thị Thủy, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lê Minh Xuân, các thành viên trong Tổ hợp tác trồng dừa vẫn thường xuyên trao đổi kinh nghiệm và tìm đầu ra ổn định để giới thiệu cho nhau.
“Có thể nói, mô hình trồng dừa đang đem lại hiệu quả kinh tế cao nhưng không tốn quá nhiều công chăm sóc, giá cả đầu ra lại ổn định. Đây là mô hình cần được nhân rộng đến với nông dân” bà Lê Thị Thủy chia sẻ.
Từ 700 con ốc nhồi giống bố mẹ, sau 3 năm, anh Nguyễn Văn Hào, trú tại khu 1, xã Đồng Cam, huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) đã...