Tranh nhau mua cá, tôm... với thương lái Trung Quốc
Doanh nghiệp phải tranh giành với thương lái Trung Quốc mới mua được nguyên liệu phục vụ chế biến.
Dịp cuối năm nhu cầu tiêu thụ của thị trường trong và ngoài nước tăng mạnh. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp (DN) lại mất cơ hội do lâm vào tình trạng thiếu nguyên liệu.
Mất hợp đồng lớn
Nhằm đảm bảo lợi ích giữa người sản xuất và người tiêu dùng, Hiệp hội Mía đường Việt Nam mới đây đã yêu cầu các nhà máy đường không tự nâng giá mía, gây ra trình trạng tranh mua tranh bán, phá vỡ giá mua mía đã thống nhất trong vùng.
Đặc biệt là không tạo tâm lý khan hiếm hàng, đột biến về giá. Bởi thời gian qua có thời điểm giá đường trong nước đã tăng đến 500-700 đồng/kg. Điều này gây khó khăn cho các công ty sản xuất bánh, kẹo, nước giải khát… phục vụ mùa tết. Bên cạnh đó tạo cơ hội cho đường nhập lậu từ Thái Lan với giá rẻ hơn giá đường trong nước 500-1.000 đồng/kg tràn vào nước ta.
Không riêng ngành mía đường mà hàng loạt ngành khác như cá tra, tôm, điều… cũng rơi vào tình cảnh đói nguyên liệu. Ông Phạm Hải Long, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thực phẩm Agrex Saigon, chia sẻ hiện nay công ty thiếu nhiều nguyên liệu để chế biến hàng xuất khẩu như tôm, cá, bột… Mọi năm nguồn nguyên liệu trong nước cung ứng hơn 70% nhu cầu chế biến của nhà máy, chỉ phải nhập khoảng 30% sản lượng nguyên liệu từ nước ngoài. Nhưng năm nay nguồn cung giảm rõ rệt.
“Những tháng cuối năm này, nhu cầu tiêu thụ tăng cao nhưng do thiếu nguyên liệu khiến chúng tôi không dám ký nhiều hợp đồng xuất khẩu lớn với đối tác nước ngoài” - ông Long nêu thực tế.
Ông Long cũng cảnh báo nếu phải nhập khẩu trên mức 40% tổng sản lượng nguyên liệu chế biến xuất khẩu thì sẽ “rất nguy hiểm”. Ông phân tích: “Vì giá thủy sản nước ngoài cao, nếu nhập nhiều đồng nghĩa chi phí đầu vào tăng lên, lợi nhuận giảm. Chưa kể DN sẽ phải phụ thuộc vào các thị trường nhập khẩu nguyên liệu và các nước bán nguyên liệu sẽ tìm cách tăng giá bán nhưng DN Việt vẫn phải ngậm đắng nuốt cay để mua”.
Nhiều DN đã liên kết với nông dân để sản xuất nông sản phục vụ người tiêu dùng. Ảnh: CHÂN LUẬN
Đừng kinh doanh kiểu “ăn xổi”
Nhiều DN lý giải nguyên nhân dẫn đến thiếu nguyên liệu là do ảnh hưởng của thời tiết thất thường (hạn hán, mưa lũ), dịch bệnh và sự cố môi trường biển tại miền Trung. Cộng thêm vào đó, thương lái Trung Quốc ráo riết tranh mua nguyên liệu với DN Việt càng khiến tình hình thêm trầm trọng.
Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản và Thương mại Thuận Phước Trần Văn Lĩnh cho hay các thương lái Trung Quốc đến tận ao thu mua tôm, cá với giá cao hơn giá thị trường nhằm hớt tay trên của các công ty trong nước. Đáng nói là thương lái Trung Quốc mua rất dễ dãi, không quan tâm đến chất lượng. Vì vậy DN khó càng chồng khó.
Để giải bài toán trên, nhiều ý kiến cho rằng quan trọng nhất là các DN cần liên kết với nông dân, trang trại để vừa đảm bảo nguồn nguyên liệu chế biến sạch phục vụ người tiêu dùng, vừa dẹp được bẫy giá tranh mua của thương lái Trung Quốc.
Đơn cử như việc nông dân thuộc Hợp tác xã Thới An ở Cần Thơ ký hợp đồng nuôi gia công cá tra với DN. Theo đó, người nuôi không lo đầu ra, đảm bảo mức lãi trên 2.000 đồng/kg cá.
“Nhiều năm qua tình trạng treo ao, thua lỗ của người nuôi cá tra rất nhiều. Tuy nhiên, các hộ nuôi cá trong Hợp tác xã Thới An và các vùng lân cận vẫn duy trì vì có lợi nhuận. Hơn nữa DN cũng được lợi vì ổn định được nguồn hàng, quản lý được vùng nuôi, thức ăn, thuốc trị bệnh… để có nguyên liệu sạch, chất lượng” - ông Nguyễn Ngọc Hải, Chủ nhiệm Hợp tác xã Thới An, cho hay.
Tương tự, bà Bùi Thị Quy, Giám đốc Công ty TNHH Mía đường cồn Long Mỹ Phát, cũng thông tin nhờ liên kết với nông dân xây dựng vùng nguyên liệu mía, đảm bảo đầu ra cho bà con nên chủ động được đầu vào cho sản xuất, chế biến.
Mất cả chục triệu USD Ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), dự báo năm nay Việt Nam có thể phải nhập khẩu tới 1 triệu tấn điều thô nguyên liệu. Con số này chiếm tới 65% lượng điều chế biến trong nước vì nguồn cung trong nước không tăng mà còn giảm. Với số lượng nhập khẩu như trên, ngành điều là một trong những ngành hàng có cung cầu nguyên liệu mất cân đối nghiêm trọng nhất. Điều này dẫn đến việc DN không chủ động được chế biến xuất khẩu và khó kiểm soát được chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm. Từ đó đã làm thiệt hại hàng chục triệu USD cho Việt Nam. |