Tranh cãi về nhập khẩu đường
Hiệp hội Mía đường Việt Nam đang phản ứng việc Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai có ý định bán 30.000 tấn đường do doanh nghiệp này sản xuất tại Lào cho Công ty CP Đường Biên Hòa
Ngày 20-11, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Văn Lộc, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đường Biên Hòa, xác nhận doanh nghiệp (DN) này có ý định nhập đường thô do Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) sản xuất từ bên Lào về Việt Nam để gia công và xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc. Tuy nhiên, ông Lộc cho rằng đây mới chỉ là ý định của hai bên, chưa có kế hoạch cụ thể.
Sợ ảnh hưởng trong nước
Trong khi đó, ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), cho biết đã gửi công văn lên Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành để phản đối kế hoạch nhập khẩu đường của HAGL và Công ty CP Đường Biên Hòa. Theo ông Long, nguồn đường thô của Công ty CP Đường Biên Hòa thời gian qua chủ yếu do DN này sản xuất tại nhà máy ở Tây Ninh và một phần nhập khẩu được Bộ Công Thương phê duyệt theo lộ trình thực hiện cam kết WTO nhưng vẫn không tận dụng hết công suất của nhà máy tinh luyện. Đây là lý do 2 DN này có ý định nhập đường thô về để tinh chế. “Quan điểm của VSSA là phản đối việc này vì sẽ ảnh hưởng đến ngành mía đường trong nước” - ông Long nói.
Chứng minh điều này, ông Long cho biết lượng đường tồn kho trong nước hiện rất lớn, lại sắp đến mùa thu hoạch mía. Chưa kể, nguồn đường nhập lậu từ Thái Lan và một nước khác đang chiếm đến 30% thị phần trong nước. Đường thô của HAGL sản xuất tại Lào có giá thành thấp hơn đường trong nước từ 7-8 triệu đồng/tấn. Nếu Công ty CP Đường Biên Hòa được nhập đường thô về để tinh chế và xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc thì nhiều DN khác cũng sẽ làm theo. Điều này khiến các DN mía đường trong nước và hàng triệu nông dân trồng mía điêu đứng. “Chi phí cho 1 tấn mía nguyên liệu ở Việt Nam lên đến 1 triệu đồng trong khi mía của HAGL sản xuất chỉ vài trăm ngàn đồng thì nông dân Việt Nam không có cách gì cạnh tranh được” - ông Long chia sẻ.
Mua bán đường tại một đại lý ở TP Cần Thơ Ảnh: QUỐC HUY
Còn theo ông Hà Hữu Phái, Phó Chủ tịch VSSA, hiện Bộ Công Thương đã cấp hạn ngạch nhập khẩu đường cho 30 DN sử dụng đường để sản xuất trong nước với tổng hạn ngạch 73.500 tấn, trong đó Công ty CP Đường Biên Hòa được phép nhập về 20.000 tấn. “Với giá nhập khẩu trên thị trường thế giới thấp hơn giá đường trong nước, DN có thể hưởng chênh lệch ít nhất hàng chục tỉ đồng” - ông Phái nói.
Nơi nào có giá, thuận lợi thì làm!
Ông Nguyễn Văn Lộc cho biết từ trước đến nay, mỗi năm Công ty CP Đường Biên Hòa đều nhập từ 50.000-70.000 tấn đường thô từ nước ngoài để xuất khẩu nhưng công suất nhà máy vẫn còn thừa 30.000-40.000 tấn. Mới đây, HAGL có ý định nhập đường từ Lào về Việt Nam tiêu thụ, công ty nhận thấy việc này sẽ ảnh hưởng đến thị trường trong nước vì lượng tồn kho còn rất lớn nên đã đề nghị HAGL nhập đường thô về để chế biến lại rồi xuất khẩu. Việc này vừa giải quyết được nguồn nguyên liệu đầu vào vừa tạo được công ăn việc làm cho công nhân nhà máy. Khi đó, cả Đường Biên Hòa và HAGL đều có lợi nhưng không ảnh hưởng nhiều đến các DN trong nước vì hiện nay không còn nhiều nơi sản xuất đường thô. “Tuy nhiên, ý định này còn phải đợi nhà nước cấp phép cũng như được thị trường chấp nhận thì chúng tôi mới bắt tay vào triển khai. Nếu nhà nước chấp thuận nhưng việc giá xuất khẩu không bù đắp được giá nhập khẩu và gia công thì chúng tôi cũng không thực hiện” - ông Lộc nói.
Phản hồi kiến nghị của VSSA, ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT HAGL, cho rằng không thể nói HAGL đưa đường về cho Công ty CP Đường Biên Hòa thì công ty này không mua đường trong nước, ảnh hưởng đến DN ngành mía đường. Theo ông Đức, đường trong nước không được phép xuất khẩu, Công ty CP Đường Biên Hòa muốn mua đường để tinh luyện nhằm xuất khẩu thì phải chọn mua hàng nào xuất khẩu được, ít nhất là phải đủ tiêu chí cần thiết.
Trước thắc mắc về việc HAGL từng công bố lượng đường sản xuất bên Lào của công ty sẽ được xuất sang Trung Quốc, về lâu dài là thị trường châu Âu nhưng nay lại đưa về Việt Nam, ông Đức khẳng định: “HAGL cần hướng tới nhiều thị trường. Năm trước đúng là HAGL bán toàn bộ đường cho Trung Quốc nhưng nay Công ty CP Đường Biên Hòa đặt vấn đề thỏa thuận và hợp tác lâu dài thì HAGL sẵn sàng bán. Nơi nào có giá, thuận lợi, hợp lý nhất thì HAGL sẽ làm” - ông Đức khẳng định.
Khó quản tái xuất đường Bộ Công Thương cho biết 6 tháng đầu năm 2013, có 13.200 tấn đường tạm nhập, các vi phạm trong lĩnh vực này chưa đáng kể, số lượng không lớn. Đồng thời, Bộ Công Thương cũng bảo lưu quan điểm không đưa mặt hàng này vào danh mục tạm ngừng kinh doanh tạm nhập tái xuất. Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy từ năm 2011 đến tháng 6-2013, đã có hơn 100 DN tham gia kinh doanh tạm nhập tái xuất đường, qua kiểm tra phát hiện 102 vụ vi phạm trong lĩnh vực này. Tổng cục Hải quan cho biết vi phạm chủ yếu là dưới hình thức các DN lợi dụng ưu đãi về thuế, thậm chí được miễn thuế nếu đưa vào các khu kinh tế cửa khẩu nên sau khi nhập về đã xuất qua đường tiểu ngạch rồi tiếp tục đưa hàng quay lại bán trong nội địa. P.Nhung |