Tràn lan thuốc nhuộm tóc không rõ nguồn gốc
Các loại thuốc nhuộm tóc đủ màu sắc, không rõ nguồn gốc bán tràn lan trên thị trường với giá khác nhau, khiến người tiêu dùng không khỏi lo lắng.
Sản phẩm thuốc nhuộm tóc được bán tràn lan với nhiều mức giá khác nhau khiến người mua hoàn toàn tù mù về chất lượng và nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm.
Từ thuốc nhuộm 30.000 đồng/hộp…
Dạo một vòng quanh các khu chợ, không khó để mua được một hộp thuốc nhuộm tóc với giá rẻ bất ngờ.
Khu chợ Hạnh Thông Tây (quận Gò Vấp) được xem là một trong những nơi buôn bán mỹ phẩm giá rẻ trên địa bàn TP HCM, bởi nơi đây tập trung khá nhiều khu nhà trọ, nên lượng sinh viên, công nhân và người lao động tự do tham gia mua sắm lớn. Chính vì vậy, nhiều chủ quầy mỹ phẩm trong khu chợ này đã nhập những sản phẩm giá rẻ nhằm đáp ứng nhu cầu cho đa số khách hàng.
Khảo sát tại một quầy mỹ phẩm nơi đây, phóng viên được người bán giới thiệu đủ loại thuốc nhuộm tóc, có giá từ 30.000 - 100.000 đồng/hộp, với đủ màu sắc bắt mắt. Tuy nhiên, hỏi về chất lượng, độ an toàn… người bán lại không cam đoan.
“Anh cứ mua về tự nhuộm thử đi, giá rẻ nhưng dùng thích lắm. Bên mình toàn bán buôn cho các salon chứ đâu”, người bán tư vấn.
…. đến hàng nhập ngoại
Ngoài hàng giá rẻ, một số quầy mỹ phẩm còn giới thiệu các loại thuốc nhuộm tóc được “quảng cáo” là hàng nhập ngoại, nhưng lại không có tem nhãn phụ Tiếng Việt, thắc mắc thì được người bán cho biết là hàng xách tay.
Trong vai một người muốn mua thuốc nhuộm tóc màu đen để về tự nhuộm, phóng viên được một chủ quầy mỹ phẩm ở chợ Tân Bình, TP HCM giới thiệu và chào mời nhiệt tình. Chủ quầy này đưa ra hai hộp thuốc, giới thiệu một loại của Hàn Quốc có giá 180.000 đồng/hộp, còn một loại của Nhật Bản có giá 220.000 đồng/hộp.
Theo chủ quầy, loại thuốc nhuộm của Nhật Bản “tốt” hơn và phù hợp với người đứng tuổi, màu giữ được lâu, không làm tóc bị xơ hay dị ứng.
Tuy nhiên, theo như quan sát, những loại thuốc nhuộm mà chủ quầy mỹ phẩm đưa ra cho phóng viên xem đều có điểm chung là bụi bẩn bám nhiều và có thể tháo mở sản phẩm ra dễ dàng, mà không hề có tem nhãn dán nơi miệng hộp, bởi đây là một trong những yếu tố để đảm bảo là sản phẩm chính hãng.
Thậm chí, hộp thuốc nhuộm hãng Bigen của Nhật Bản mà chủ quầy giới thiệu “tốt nhất”, phù hợp nhất với phóng viên còn bị bong tách hoàn toàn vỏ hộp bên ngoài, sau đó người bán phải dùng đến băng keo để dán lại. Thắc mắc về vấn đề này, chủ quầy giải thích rằng: “Anh mua thì em lấy hộp khác cho, còn nắp hộp bị mở thì ở đây chỗ nào chẳng thế”.
Tránh “tiền mất tật mang”
Sản phẩm thuốc nhuộm tóc được bán tràn lan với nhiều mức giá khác nhau khiến người mua hoàn toàn tù mù về chất lượng và nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm, đặc biệt, với những sản phẩm gắn mác hàng ngoại. Thế nên, người tiêu dùng cần hết sức cảnh giác trước thông tin quảng cáo sản phẩm, tránh tiền mất tật mang.
Một bệnh nhân bị dị ứng thuốc nhuộm tóc được điều trị tại Bệnh viện da liễu TP HCM - Ảnh: BVDL
Theo TS. Bác sĩ Lê Thảo Hiền, Khoa thẩm mỹ da, Bệnh viện da liễu TP HCM, dị ứng thuốc nhuộm có thể xảy ra do các thành phần hóa chất trong thuốc hoặc vấn đề da đầu của người dùng.
Cụ thể, trong thuốc nhuộm có nhiều chất như thảo dược, phẩm màu, chất bảo quản, chất tạo mùi hương... Nếu kỹ thuật nhuộm không đúng sẽ khiến thuốc bám dính trên da đầu quá nhiều, gây viêm. Thuốc nhuộm cũng là một chất lạ với cơ thể, có thể gây ra phản ứng dị ứng.
Với người nhuộm tóc lần đầu, biểu hiện của dị ứng có thể là rát, ngứa da đầu. Vài ngày sau, xuất hiện mụn nước, vỡ ra khiến vi trùng xâm nhập tạo thành mụn mủ.
Trường hợp sau nhuộm tóc, khuôn mặt bị sưng phù chứng tỏ đã diễn tiến sang nhiễm trùng toàn thân. Quanh mi mắt và môi sẽ sưng lên, nặng hơn có thể bị phù nề niêm mạc, gây khó thở.
“Khi nhuộm tóc, người dùng cần kiểm tra bằng cách nhuộm một phần tóc nhỏ, theo dõi trong 2 - 3 ngày. Nếu không có vấn đề gì trên da và cơ thể, việc nhuộm tóc có thể tiến hành. Thợ nhuộm phải có kỹ thuật tốt để thuốc không bám vào da quá nhiều hoặc thời gian ủ quá lâu, gây hại cho người được nhuộm tóc. Ngoài ra, cần chọn thuốc có nguồn gốc rõ ràng, so sánh thành phần thuốc nhuộm với loại đã từng gây dị ứng, tránh nguy cơ tái dị ứng ở lần nhuộm tiếp theo”, bác sĩ Thảo Hiền nhấn mạnh.
Đội QLTT số 5, Cục QLTT tỉnh Lào Cai tiếp tục phát hiện, xử lý 12.880 sản phẩm thanh cua ăn liền và kẹo dẻo không rõ nguồn gốc kinh doanh qua mạng xã hội.
Nguồn: [Link nguồn]