Tràn lan rau núp bóng 'su su Tam Đảo'

Được người tiêu dùng tin tưởng, dễ bán và bán được giá khiến nhiều tiểu thương ở Hà Nội nhập rau su su từ nhiều nguồn rồi gắn cho cái mác "su su Tam Đảo" xịn để quảng cáo.

Khảo sát tại các chợ đầu mối Dịch Vọng, Long Biên, Phùng Khoang... rau su su được bày bán ngập chợ với giá chỉ từ 8.000-10.000 đồng/kg, thậm chí đến trưa khi hàng tồn, giá có thể chỉ còn 6.000 đồng/kg. Khi hỏi nguồn gốc, tiểu thương nào cũng giới thiệu là su su Tam Đảo.

Tại các chợ bán lẻ, chợ cóc, giá loại rau này khoảng 15.000-17.000 đồng/kg.

Cầm trên tay một bó rau su su vừa mua ở chợ Dịch Vọng (Cầu Giấy), chị Nguyễn Cẩm Vân ở phố Phan Văn Trường, chia sẻ: "Trước kia ít khi gia đình dám mua loại rau này về ăn bởi giá đắt hơn nhiều so với các loại rau thông dụng khác. Nhưng giờ thấy giá tương đối rẻ, một kg rau su su giá chỉ nhỉnh hơn một chút so với bó rau muống. Nghe người bán nói là rau su su Tam Đảo được mùa nên giá rẻ, chứ làm sao người dân biết có đúng hay không".

Theo tìm hiểu của PV, ở Tam Đảo (Vĩnh Phúc) có hai vùng trồng rau su su chủ yếu với diện tích tương đối lớn là thị trấn Tam Đảo và ở một số xã dưới chân núi.

Tràn lan rau núp bóng 'su su Tam Đảo' - 1

Chị Viên Thị Hà, một người chuyên trồng rau su su nhiều năm nay tại xã Đại Đình (Tam Đảo), cho biết, rau su su bán ở Hà Nội chưa chắc đã là su su Tam Đảo. Lý do, hiện không phải thời điểm chính vụ, giá loại rau này được tiểu thương cân buôn luôn tại vườn cũng đã 12.000 đồng/kg. Sau đó, còn phải vận chuyển mấy chục cây số về chợ Thủ đô thì làm gì có chuyện giá rau bán ở mức 8.000-10.000 đồng/kg, thấp hơn cả mức cân buôn ở vườn.

"Giờ tiểu thương làm gì có chuyện đi buôn chịu hòa vốn hoặc lỗ mà bán với giá rẻ như vậy. Ngay ở Vĩnh Phúc, rau su su chỉ từ trên Tam Đảo xuống tới các chợ ở TP. Vĩnh Yên, với quãng đường chỉ 20 cây số nhưng giá rau đã đắt gấp rưỡi, huống hồ xuống tận Hà Nội", chị Hà cho hay.

Theo lời chị, hiện tại ở Tam Đảo chỉ có mỗi rau su su trên thị trấn là đang thời kỳ cho thu hoạch, còn ở dưới chân núi các hộ mới trồng được ít ngày. Do đó, phải vào khoảng đầu tháng 12 rau mới cho thu hoạch. Vào thời điểm này, rau su su không phải chính vụ. Thời điểm thu hoạch rộ phải từ mùa đông, bắt đầu từ tháng 12 dương lịch sang tới tháng giêng, tháng 2 (âm lịch) năm sau.

Qua nhiều ngày tìm hiểu tại các chợ đầu mối, PV được một tiểu thương tên Hương chuyên bán rau tại chợ đầu mối Dịch Vọng tiết lộ, ở chợ chỉ có một phần nhỏ rau su su Tam Đảo chính hiệu đã được các nhà hàng đặt. Còn các loại rau su su bán lẻ hoặc bán sỉ cho tiểu thương ở chợ dân sinh, chợ cóc phần nhiều là rau su su trồng ở một số vùng núi mà tiểu thương thường gọi là rau su su rừng, hay từ nhiều nguồn khác nhau.

Loại rau su su rừng lại khá nhiều, giá nhập về chợ rất rẻ, thường bằng một nửa hoặc 1/3 so với giá rau su su Tam Đảo. Tuy nhiên, theo lời tiểu thương này, chất lượng của loại rau su su rừng này kém xa. Rau su su Tam Đảo ngọn mập, rau mềm, xanh mượt còn rau su su rừng gọn nhỏ, rau cứng có nhiều sơ, người sành ăn nhìn sẽ biết ngay.

Khi nói chuyện tại sao lại giới thiệu các loại rau su su khác thành su su Tam Đảo, chị Hương lý giải, do tâm lý của người dân, việc gắn mác như vậy giúp họ bán chạy và được giá hơn nhiều.

"Nhập rau su su Tam Đảo về tới chợ giá thành ít nhất phải tăng gấp đôi, mà người dân giờ lại thích hàng có thương hiệu nhưng giá phải rẻ. Mua một bữa rau su su chuẩn Tam Đảo giá có thể đắt bằng cả món ăn chính như thịt, cá thì chẳng mấy người dám ăn, thế nên tiểu thương mới nghĩ ra chiêu này", chị nói. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Bản Hân (Diễn đàn kinh tế Việt Nam)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN