Tràn lan hàng nước ngoài không tem, nhãn phụ

Mặc dù các cơ quan chức năng liên tục công bố các vụ kiểm tra, xử lý vận chuyển, tiêu thụ hàng hóa nước ngoài không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng không tem, nhãn phụ, tuy nhiên tại nhiều siêu thị mi ni, cửa hàng tiện ích, tạp hóa… trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn bày bán tràn lan. Để xử lý tình trạng nhập nhèm nguồn gốc xuất xứ này đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các cấp, ngành, địa phương từ thành phố đến cơ sở.

Nhiều hàng hóa không có tem, nhãn phụ tiếng Việt bày bán tại một siêu thị ở phố Nguyễn Viết Xuân (quận Thanh Xuân).

Nhiều hàng hóa không có tem, nhãn phụ tiếng Việt bày bán tại một siêu thị ở phố Nguyễn Viết Xuân (quận Thanh Xuân).

Lờ mờ với xuất xứ của sản phẩm

Ghi nhận thực tế tại một cửa hàng tiện ích trên phố Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy) ngày 1-5, hàng chục loại bánh kẹo, đồ ăn bày bán với đa dạng chủng loại, màu sắc. Tuy nhiên, khi phóng viên định mua một hộp bánh chocopie có chữ Hàn Quốc thì không thể dịch được chữ nước này, đành phải nhờ nhân viên “dịch” hộ. Một chai bỏng ngô to, cao có các dòng chữ của nước ngoài cũng gây tò mò cho khách hàng nhưng trên vỏ hộp không có nhãn phụ tiếng Việt, đơn vị nhập khẩu, phân phối. Nhân viên bán hàng phải giới thiệu đó là bỏng ngô vị pho mai hay vị va ni và hạn sử dụng cho khách.

Tại một siêu thị ở phố Nguyễn Viết Xuân (quận Thanh Xuân) ngày 29-4, phóng viên nhận thấy rất nhiều sản phẩm bỉm, sữa, thực phẩm chức năng… có xuất xứ nước ngoài nhưng hầu như không có tem, nhãn phụ tiếng Việt dán trên bao bì sản phẩm. Các loại sữa Ensure, Glucerna được bày bán rất nhiều nhưng khách hàng muốn tìm hiểu phải hỏi nhân viên bán hàng thì mới biết đó là hàng nhập khẩu từ nước ngoài. Các mặt hàng này cũng không có hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt về nguồn gốc, xuất xứ, hạn sử dụng... trên bao bì.  

Tương tự, siêu thị khác ở phố Quán Thánh (quận Ba Đình) cũng bày bán rất nhiều mỹ phẩm, thực phẩm, đồ ăn xuất xứ từ Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc... nhưng hầu hết không có tem, nhãn phụ bằng tiếng Việt. “Tôi muốn kiểm tra nguồn gốc, thành phần của sản phẩm nhưng đều phải gọi nhân viên giới thiệu, rất mất thời gian và ngại nhân viên vì muốn tìm hiểu nhiều sản phẩm trước khi mua. Nếu có nhãn phụ tiếng Việt thì thuận lợi biết bao nhiêu”, bà Nguyễn Thanh Hương, phố Quán Thánh chia sẻ.

Hay tại "xứ sở" hàng xách tay phố Nguyễn Sơn (quận Long Biên), có khoảng gần 10 cửa hàng bày bán hàng hóa xuất xứ nước ngoài. Tại đây, tất cả các sản phẩm bánh kẹo, mỹ phẩm, hóa mỹ phẩm đến nước rửa bát, quần áo đều là chữ nước ngoài, đa chủng loại nhưng tuyệt nhiên không có sản phẩm nào được dán tem, nhãn phụ tiếng Việt. Trong khi, người bán hàng khẳng định đó là hàng xách tay nên không có chữ tiếng Việt.

Theo Điều 7 của Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14-4-2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa ghi rõ, hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hóa. Chiểu theo quy định nói trên thì hiện các sản phẩm bày bán tại siêu thị, cửa hàng tiện ích… kể trên đang vi phạm không dán tem, nhãn phụ bằng tiếng Việt, khiến người tiêu dùng "mù mịt" về cách sử dụng, nguồn gốc xuất xứ, tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa…

Lực lượng chức năng kiểm tra lô hàng thuốc có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có tem, nhãn phụ tiếng Việt tại số 115 Trung Phụng (quận Đống Đa).

Lực lượng chức năng kiểm tra lô hàng thuốc có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có tem, nhãn phụ tiếng Việt tại số 115 Trung Phụng (quận Đống Đa).

Cần xử lý triệt để

Để giảm thiểu những vi phạm như nêu trên, trong 4 tháng đầu năm 2022, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã kiểm tra, xử lý 105 hành vi vi phạm về dán tem, nhãn hàng hóa trên bao bì sản phẩm, phạt trên 507 triệu đồng. Điển hình, ngày 28-2, Cục đã phát hiện và tạm giữ 3.020 hộp có chứa thuốc nhãn hiệu Lianhua Qingwen Jiaonang; 10 lọ có chứa thuốc nhãn hiệu Molnupiravir Capsules 200mg molaz tại số 115 Trung Phụng (quận Đống Đa) có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ tiếng Việt. Tương tự, ngày 14-3, đơn vị này tạm giữ gần 58.400 bộ kit test kháng nguyên Covid-19; 155.940 sản phẩm nghi là thuốc tân dược; 18.391 sản phẩm mỹ phẩm các loại… tại số 838 Bạch Đằng (quận Hai Bà Trưng) do không có tem, nhãn tiếng Việt.

Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Chu Xuân Kiên cho biết, nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2022 của lực lượng quản lý thị trường là tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương và các tổ chức, cá nhân liên quan trong công tác đấu tranh phòng, chống vi phạm về dán tem, nhãn trên bao bì sản phẩm, các loại hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ…

Về phía địa phương, Trưởng phòng Kinh tế quận Thanh Xuân Lê Công Bao cho biết, chính quyền địa phương thường xuyên phối hợp với các ngành kiểm tra đột xuất, định kỳ nhằm kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm vi phạm không dán tem, nhãn phụ tiếng Việt. Tuy nhiên, vi phạm sẽ được xử lý triệt để hơn nếu người dân tích cực tố giác vi phạm với các lực lượng chức năng.

Thời gian qua, nhiều siêu thị đã khắc phục lỗi vi phạm sau khi bị cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý. Tuy nhiên thực tế vẫn còn rất nhiều siêu thị mi ni, cửa hàng tiện lợi... bán hàng không có tem, nhãn phụ tiếng Việt, đánh đố người mua. Điều này đòi hỏi các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát hơn nữa.

Nguồn: [Link nguồn]

“Siêu chợ” Nhà Xanh trở lại thời hoàng kim, biển người mua sắm tắc đường

Sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, “siêu chợ” Nhà Xanh (Cầu Giấy, Hà Nội) mới đây đã trở lại với “diện mạo” quen thuộc: hàng hoá ngập tràn; biển người...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Dung Nhi ([Tên nguồn])
Thông tin thị trường Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN