Tràn lan hàng hiệu, rượu ngoại giả
Tình hình buôn lậu, gian lận thương mại ở TP HCM diễn biến ngày càng phức tạp, đặc biệt trên môi trường trực tuyến
Ngày 7-6, Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả TP HCM (Ban Chỉ đạo 389 TP HCM) tổ chức hội nghị tổng kết công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024.
Nhiều thủ đoạn tinh vi
Báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 TP HCM cho thấy tình hình buôn lậu, gian lận thương mại diễn biến ngày càng phức tạp. Năm 2023, cơ quan chức năng đã kiểm tra 20.776 vụ buôn lậu, kinh doanh hàng giả, gian lận thương mại; trong đó có 1.357 vụ kinh doanh hàng giả - tăng gần 88% so với năm 2022. Trong 5 tháng đầu năm 2024, lực lượng chức năng đã kiểm tra và xử lý 7.773 vụ, tương đương cùng kỳ năm ngoái.
Đáng chú ý, rượu ngoại là một trong những mặt hàng bị làm giả nhãn hiệu rất nhiều. Mới đây, tại địa bàn quận Tân Phú, cơ quan chức năng phát hiện một người chạy xe máy chở 6 chai rượu có dấu hiệu làm giả rượu Chivas. Mở rộng điều tra, cơ quan chức năng phát hiện hàng chục chai rượu giả nhãn hiệu Chivas, Ballantine's, Johnnie Walker. Tại nơi sản xuất rượu giả, cơ quan năng còn phát hiện bình, chậu chứa nước màu nâu để làm giả rượu cùng hàng trăm tem giả, máy co nắp chai, vỏ chai, vỏ hộp các loại.
Lực lượng chức năng cũng vừa phát hiện 25.000 đơn vị sản phẩm nước hoa giả các thương hiệu nổi tiếng như Chanel, Dior, Gucci... tại quận 12. Số hàng giả này được các đối tượng tiêu thụ trên các kênh mạng xã hội, chủ yếu qua hình thức livestream bán hàng. Trong khi đó, một công ty ở quận Tân Bình bị phát hiện sản xuất, mua bán 36.606 đơn vị sản phẩm thực phẩm chức năng, tinh dầu, thuốc lá điện tử, thiết bị sản xuất thực phẩm chức năng. Mở rộng điều tra, cơ quan chức năng phát hiện thêm 54.450 đơn vị sản phẩm tinh dầu, 4.141 thùng tinh dầu, 1.102 hộp thực phẩm chức năng, 367 kg tem giả, máy dán tem, máy đóng hạn sử dụng.
Theo Ban Chỉ đạo 389 TP HCM, hàng lậu được vận chuyển từ biên giới Tây Nam vào thị trường nội địa có dấu hiệu tăng trở lại. Bên cạnh đó, hoạt động kinh doanh hàng cấm, hàng không rõ xuất xứ, hàng kém chất lượng, sản xuất và kinh doanh hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ... không có dấu hiệu giảm. Các đối tượng lợi dụng nền tảng trực tuyến như mạng xã hội, sàn thương mại điện tử... để tiêu thụ các sản phẩm này.
Gần đây còn nổi lên thủ đoạn khai báo tạm nhập tái xuất hàng hóa sang nước thứ 3 - chủ yếu là Campuchia, sau đó chia nhỏ hàng hóa và tìm cách đưa về lại TP HCM. Sau khi làm thủ tục quá cảnh tại cảng, các đối tượng móc nối với một số cán bộ hải quan biến chất thực hiện thủ đoạn xóa thông tin container trên hệ thống hoặc khi di chuyển ra cửa khẩu sẽ tổ chức cưa cửa container để lấy hàng.
Một thủ đoạn khác là không khai báo hải quan để đưa hàng về kho ngoại quan nhằm né tránh các quy định về kinh doanh tạm nhập tái xuất. Hàng lậu thậm chí còn được trà trộn vào hàng hóa hưởng luồng xanh (luồng ưu tiên dành cho hàng hóa có độ rủi ro thấp), luồng vàng (hàng hóa đã được kiểm tra).
Đại diện các cơ quan hải quan, quản lý thị trường, bộ đội biên phòng cũng phản ánh một số đối tượng đặt sản xuất hàng giả, hàng giả mạo nhãn hiệu, hàng nhái từ nước ngoài rồi nhập lậu về thị trường trong nước và tung ra các chương trình khuyến mãi, giảm giá "ảo" để tiêu thụ.
Cục Quản lý thị trường TP HCM kiểm tra cửa hàng kinh doanh rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ
Khó kiểm soát
Ông Đỗ Thanh Quang, Phó Cục trưởng Cục Hải quan TP HCM, cho biết với địa bàn rộng, từ cảng biển, sân bay đến hệ thống bưu điện, chuyển phát nhanh, khu chế xuất..., việc kiểm soát tình hình buôn lậu, gian lận thương mại ở TP HCM gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, đại diện Công an TP HCM chỉ ra phương thức hoạt động của tội phạm buôn lậu rất đa dạng và phức tạp hơn trước. Các đối tượng này sử dụng nhiều chiêu thức tinh vi như núp bóng, mượn danh nghĩa doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh, lợi dụng sơ hở trong hoạt động quản lý của cơ quan nhà nước để hoạt động.
Theo ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TP HCM, tình hình gian lận thương mại trong lĩnh vực thương mại điện tử rất phức tạp. Việc tạo lập tài khoản, sử dụng thông tin giả để bán hàng ngày càng phổ biến nên lực lượng chức năng rất khó xác định được đối tượng cũng như nơi chứa trữ hàng hóa vi phạm để kiểm tra. Chưa kể, việc tìm kiếm các đơn vị đại diện các nhãn hiệu cũng khó khăn nên không dễ xác định hàng thật, hàng giả.
Trước xu thế chuyển đổi từ kinh doanh trong môi trường truyền thống sang môi trường mạng, ông Đạt kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông nghiên cứu quy định về định danh người bán hàng, qua đó xác định được các nghĩa vụ của người kinh doanh với nhà nước. Ngoài ra, lực lượng chức năng cần tăng cường kiểm soát hoạt động vận chuyển của doanh nghiệp bưu chính viễn thông; quy định sàn thương mại điện tử và người bán hàng trên sàn phải thống kê, lưu giữ tất cả giao dịch trên hệ thống để phục vụ việc truy xuất các giao dịch và nguồn gốc hàng hóa.
Phó Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Văn Dũng đề nghị trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo 389 TP HCM cần tập trung kiểm tra, kiểm soát các đường dây buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc.
Con vật này chỉ xuất hiện theo mùa, không phải thời điểm nào trong năm cũng có. Vì vậy, nhiều người tranh thủ đặt mua về cho cả gia đình thưởng thức.
Nguồn: [Link nguồn]