Tràn lan dùng chất cấm nuôi lợn
Tình trạng lạm dụng dùng chất cấm trong chăn nuôi đang ở mức báo động, đặc biệt là ở khu vực phía Nam. Nhiều “ông lớn” trong ngành sản xuất cám, chăn nuôi đã bị bêu tên lần này...
Tại một lò giết mổ lợn tự phát
Dư lượng chất cấm vượt hơn 600 lần
Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ NN&PTNT hôm 31/8, ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng Phòng Thanh tra (Thanh tra Bộ NN&PTNT) cho biết: Vấn đề chất cấm trong chăn nuôi đang ở mức báo động. Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát đã lập đoàn công tác đặc biệt, thanh kiểm tra vấn đề chất cấm đang bùng lên tại các tỉnh phía Nam.
Theo ông Dũng, trong 6 tháng đầu năm, TPHCM đã lấy 227 mẫu nước tiểu lợn tại cơ sở giết mổ tại 51 lô, và phát hiện 31 mẫu (của 7 lô) dương tính với chất cấm Salbutamol (chất tạo nạc, bung đùi có thể gây ung thư cho người tiêu dùng), hàm lượng 80-1.300 ppb (mức cho phép chỉ 2 ppb). Trong 7 lô trên, có 4 lô có nguồn gốc từ Đồng Nai, có 2 lô của Tiền Giang và 1 lô của Long An. Chi cục Thú y TPHCM đã có công văn gửi cho các địa phương để xử lý các vụ việc trên.
Tại Đồng Nai, cơ quan thú y tỉnh này lấy mẫu nước tiểu tại 44 trong số gần 2.000 trang trại trên địa bàn, phát hiện 14 trại có lợn “dính” chất cấm Salbutamol (ở huyện Trảng Bom, Vĩnh Cửu và thành phố Biên Hòa). Ngoài ra, Thanh tra Sở NN&PTNT tỉnh này cũng phát hiện 1 đại lý bán sản phẩm chứa chất cấm.
Theo ông Dũng, sau khi nhận được công văn đề nghị phối hợp để truy xuất nguồn gốc từ Chi cục Thú y TPHCM, Chi cục Thú y Đồng Nai chưa làm đúng yêu cầu, chỉ lấy mẫu kiểm tra nước tiểu tại nơi kiểm dịch gốc và “dừng lại ở đó”. “Chúng tôi đã đề nghị các cơ quan công an Đồng Nai phối hợp để truy tìm chủ trại nuôi lợn có chất cấm, và truy ra đường dây cung cấp Salbutamol trên địa bàn, mà trước đó Chi cục Thú y tỉnh này chưa làm hết trách nhiệm”- ông Dũng nói.
Thanh tra Bộ NN&PTNT cho biết, có hai ông lớn trong ngành chăn nuôi và thức ăn chăn nuôi (TACN) là Cty CP và Cty Anco cũng “dính” chất cấm. Công ty CP có trang trại sử dụng chất cấm. “Họ cho biết, trong ký kết là chủ trại nuôi không được sử dụng chất cấm, nhưng kiểm soát không đến nơi, đến chốn. Sau khi làm việc, Công ty đã yêu cầu kiểm tra nước tiểu các lô trước khi xuất chuồng”- ông Dũng nói.
Tại Cty Anco, Thanh tra Bộ NN&PTNT phát hiện hành vi vi phạm mới của thương lái là mua heo ở các trại (của công ty về) rồi vỗ béo. Thời gian vỗ béo 5-30 ngày, lợn tăng trọng rất nhanh. Cty Anco đang nuôi 95.000 con tại các trại tập trung, mỗi tháng xuất 14.000 con. “Chúng tôi đã làm việc, yêu cầu đơn vị này mỗi ngày phải lấy 1 mẫu nước tiểu và 1 mẫu cám, kiểm tra chất cấm và giám sát lợn trước khi xuất chuồng”- ông Dũng nói.
Theo ông Dũng, hiện có kẽ hở là các công ty nuôi lợn khi xuất bán cho thương lái kèm phiếu tiêm phòng. Sau đó, thương lái tiếp tục nuôi vỗ béo lợn bằng chất cấm 20-30 ngày nữa, nhưng sử dụng giấy tiêm phòng đó trình cơ quan thú y để lách việc sử dụng chất cấm khi kiểm dịch. “Cơ quan thú y phải giám sát việc kiểm dịch, nếu làm không chặt chẽ, vô tình tiếp tay cho thương lái vi phạm. Vì lợn khi xuất chỉ 80-90 kg, nhưng khi thương lái bán có khi lên đến 120 kg”- ông Dũng nói.
Đặc biệt, đoàn công tác đã truy xuất lô hàng của công ty sản xuất thú y Khoa Nguyên (TPHCM) sản xuất tháng 7/2014. Doanh nghiệp này thừa nhận có sử dụng chất cấm. Đoàn cũng phát hiện 15 sản phẩm thuốc thú y của công ty này không nằm trong danh mục cho phép (đã lập biên bản vi phạm hành chính tới 420 triệu đồng, đình chỉ sản xuất thức ăn bổ sung 1 tháng, và cấm sản xuất thuốc thú y).
Ngoài ra, Chi cục Thú y tại Vĩnh Long, đã kiểm tra, phát hiện sản phẩm chứa Salbutamol hàm lượng tới 3.160. Cty Cường Phát (xã Bắc Sơn, Trảng Bom, Đồng Nai) là nơi đặt hàng Cty Bắc Âu Mỹ (Long Thành, Đồng Nai) sản xuất. Với Cty Cường Phát bị phát hiện 10 sản phẩm không có trong danh mục, đề xuất phạt 340 triệu đồng. Ngoài ra, tại Tiền Giang, cơ quan chức năng phát hiện 25/38 mẫu nước tiểu lợn dương tính với Salbutamol; Bến Tre lấy 20 mẫu (16 mẫu nước tiểu, 4 mẫu thức ăn bổ sung), trong đó 4/16 mẫu nước tiểu dính chất cấm; Tây Ninh phát hiện 2/2 mẫu có chất cấm.
Hám lợi giết chính... mình
Theo Bộ NN&PTNT, việc sử dụng chất cấm thường ở các trang trại nhỏ lẻ (nuôi 100-200 con lợn), chất lượng con giống kém, nên dùng chất cấm để tăng trọng, thu lợi bất chính. Thậm chí, xuất hiện một số cá nhân, thương lái, thuê lại các trang trại chăn nuôi, rồi thu mua lợn đã xuất chuồng của các công ty, dùng chất cấm vỗ béo.
Lợn sau nhốt và dùng chất cấm 10-30 ngày, sẽ tăng trọng 20-30kg/con, đạt trọng lượng 130-140 kg/con. Trừ chi phí, thương lái lời khoảng 500 - 1 triệu đồng/con lợn. Các thương lái cũng quay vòng phiếu tiêm phòng, hợp lý hóa thủ tục để tiến hành xin cấp giấy kiểm dịch của cơ quan thú y.
Theo ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT, tình trạng sử dụng chất cấm tăng trong thời gian qua, vì giá lợn cao tới 45-47 nghìn đồng/kg hơi, khiến nhiều người hám lợi, làm việc phi pháp. “Có tình trạng thương lái ép người nuôi dùng chất cấm, bung đùi, nở mông cho lợn đẹp, dễ bán. Một số địa phương không kiểm soát chặt”- ông Dương nói. Chất cấm đang sử dụng phổ biến thuộc nhóm Beta Agonist (gồm Salbutamol, Clenbuterol và Ractopamine). Theo ông, nếu kiểm tra chất cấm qua nước tiểu, chỉ mang tính định tính. Do vậy, để chính xác hơn, mẫu đó có chất cấm hay không, cần phân tích định lượng khối phổ mới chính xác.
“Tới đây, chúng tôi sẽ đề xuất dùng que thử với nước tiểu của lợn để phát hiện chất cấm, vì nếu chờ kết quả phân tích phải mất mấy ngày. Bằng cách này, người dân cũng có thể kiểm tra mà không ai có thể cãi được. Còn kiểm tra chất cấm trong thức ăn thì khó hơn, vì phải bắt quả tang. Thậm chí, người tiêu dùng có thể dùng que thử có thể cắm ngay vào thực phẩm, nếu đổi mầu thì không mua nữa, tẩy chay”- ông Dương nói.
Chất tạo nạc chủ yếu thuộc nhóm Beta Agonist. Ở Việt Nam sử dụng phổ biến nhất Salbutamol. Các chất này có tác dụng làm “bung đùi, nở mông, da óng mượt”. Trong cơ thể vật nuôi, Salbutamol được bài tiết dần qua nước tiểu, nhưng vẫn tích lâu trong gan, thận, mỡ và không bị phân hủy khi nấu chín. Đây cũng là nguyên nhân khiến người ăn nội tạng bị ngộ độc, nguy cơ bị ung thư. |