Trần giá sữa làm giảm cạnh tranh

Ngày 21-6, quy định về giá trần bán lẻ sữa có hiệu lực. Người tiêu dùng đã được mua sữa rẻ hơn giá cũ ít nhất là 1%.

Áp trần giá sữa được xem là động thái mạnh tay của Bộ Tài chính nhằm thiết lập sự ổn định của thị trường sữa. Tuy Bộ Tài chính khẳng định đây chỉ là biện pháp tạm thời, sẽ dỡ bỏ khi trẻ em dưới 6 tuổi được mua sữa với đúng giá trị thực nhưng nhiều ý kiến vẫn băn khoăn về tính khả thi.

Cứng nhắc

Chuyên gia kinh tế - TS Vũ Đình Ánh cho rằng với hàng trăm sản phẩm sữa trên thị trường, mẫu mã và thành phần được thêm bớt khác nhau từ nguồn sữa nhập khẩu thì rất khó quản bằng giá trần. Sữa không như xăng dầu chỉ có 1-2 loại mà rất đa dạng nên có thể quản được giá nguyên liệu đầu vào nhưng giá thành phẩm thì cực kỳ khó vì mỗi doanh nghiệp (DN) có công thức riêng, không thể so sánh với nhau.

Nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại (cũ) Hà Nội - ông Vũ Vinh Phú - cũng cho rằng áp giá trần là sử dụng biện pháp hành chính cứng nhắc, hiệu quả thấp nhất trong mọi cách thức quản lý giá. Muốn đạt kết quả cao hơn thì phải tạo điều kiện để DN cạnh tranh với nhau, từ đó có sản phẩm chất lượng cao với mức giá tốt nhất thì người dân mới được hưởng lợi hoàn toàn.

Các chuyên gia cũng cho rằng trong bảng giá trần với danh sách 25 dòng sản phẩm bị điểm danh, Bộ Tài chính không chỉ rõ cơ sở nào để áp các mức giá khác nhau dành cho các sản phẩm có cùng trọng lượng của các nhà sản xuất khác nhau. Người dân có quyền đặt câu hỏi về chất lượng sản phẩm sau khi áp giá trần bởi điều này Bộ Tài chính không dễ dàng quản.

Dễ lách luật

Những lo ngại là có lý vì ngay sau tuyên bố của Bộ Tài chính, nhiều DN đã tung sản phẩm mới với trọng lượng thấp hơn hay thay tên đổi họ một số dòng sữa. Tuy nhiên, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Tài chính, khẳng định điều này hoàn toàn không phải nhằm đối phó với trần giá sữa mà là chiêu cũ DN thường dùng nhằm đẩy mạnh thương hiệu, kích cầu hoặc tăng giá. 25 mặt hàng áp giá trần là mặt hàng chuẩn để DN dựa vào đó tính giá tối đa cho sản phẩm tương tự. Sản phẩm mới hoặc thay đổi mẫu mã bao bì đều phải đăng ký giá lại từ đầu và cơ quan quản lý có quyền kiểm tra chi phí của các mặt hàng đó.

Trần giá sữa làm giảm cạnh tranh - 1

Các siêu thị đã áp dụng giá mới cho nhiều mặt hàng sữa bột dành cho trẻ em Ảnh: Tấn Thạnh

Trên thực tế, người tiêu dùng không rõ mức giá giảm hiện nay đã đúng quy định chưa. Nhiều dòng sữa có giá bán buôn được Bộ Tài chính quy định thấp hơn hẳn giá bán trên thị trường nhưng sau khi cộng tối đa 15% chi phí cho phép thì giá chỉ giảm rất nhẹ. “Có nhiều cách để lách giá. Ví dụ, giá bán lẻ tính bằng giá bán buôn tối đa do Bộ Tài chính công bố cộng thêm tối đa 15% chi phí. Tuy nhiên, chi phí mỗi nơi khác nhau, chưa kể đại lý không niêm yết giá bán buôn mà chỉ thông báo giá bán lẻ nên DN và đại lý sẽ có đủ kẽ hở để hưởng lợi ngoài vòng kiểm soát của cơ quan quản lý” - ông Phú nhận xét.

Nhiều ý kiến cho rằng áp giá trần kiểu đánh đồng giữa DN nội và ngoại là thiếu công bằng và làm giảm động lực cạnh tranh của DN nội vì tự bản thân các DN đã cạnh tranh với nhau nhằm đưa ra sản phẩm chất lượng có giá tốt cho người tiêu dùng. Nếu áp trần giá như nhau sẽ vô tình triệt tiêu sản xuất trong nước với các nỗ lực về tiết giảm chi phí, sáng tạo kiểu dáng, chất lượng mà lại hướng DN dịch chuyển sang nhập khẩu.

Ở góc độ quản lý giá, ông Vũ Vinh Phú nói áp giá trần sẽ “tước” quyền tự lên kế hoạch sản xuất, kinh doanh, kế hoạch về giá thành đối với các DN sữa. Giá trần không chỉ ảnh hưởng đến 5 DN bị thanh tra và phát hiện sai phạm mới đây mà mọi DN đều phải dựa vào 25 sản phẩm chuẩn để tính toán lại giá các sản phẩm của mình. Như vậy là đánh mất tính cạnh tranh của thị trường. Để bảo đảm thị trường sữa cạnh tranh, cần có những giải pháp căn cơ gỡ khó cho sữa nội. Có thể mất 5-10 năm để hoàn thành chính sách và thực hiện việc gỡ khó cho sản xuất sữa trong nước, bởi có nhiều việc phải làm, không thể đốt cháy giai đoạn.

Sức mua tăng trở lại

Dù ngày 21-6 mới là thời hạn phải áp dụng giá bán lẻ sữa theo khung giá trần của Bộ Tài chính nhưng các DN sữa đã sớm triển khai giá bán mới đến hệ thống phân phối. Đến ngày 20-6, có 175 sản phẩm của 11 DN đăng ký giá với Sở Tài chính TP HCM và 141 sản phẩm đăng ký giá với Bộ Tài chính. Giá đăng ký mới thấp hơn giá cũ từ 1%-31% (tương đương từ 8.300 đồng đến hơn 200.000 đồng/hộp).

Ông Võ Hoàng Anh, Giám đốc marketing hệ thống siêu thị Co.opmart, cho biết ngoài 21 sản phẩm sữa của 5 DN đã bán theo giá trần (do 4 sản phẩm bị áp giá trần của Mead Johnson đã ngưng sản xuất và ra mẫu mới), hiện hơn 100 sản phẩm sữa khác của các nhà cung cấp dành cho trẻ em dưới 6 tuổi đã có giá mới. Các siêu thị đã áp dụng giá mới cho nhiều mặt hàng sữa bột dành cho trẻ em; các cửa hàng, đại lý sữa tại TP HCM cũng đã bán thấp hơn vài ngàn đồng/hộp so với giá trần công bố.

Chiều 21-6, ông Hồ Quốc Nguyên, Giám đốc đối ngoại Big C, cho biết hệ thống siêu thị này đang phân phối 89 sản phẩm sữa dành cho trẻ em thuộc diện đăng ký giá trần. Các DN đều áp dụng giá mới. Ngoài ra, để hỗ trợ người tiêu dùng, Big C đã chủ động cắt giảm các chi phí trung gian nên giá bán 89 sản phẩm sữa này tại Big C rẻ hơn giá trần công bố từ 3%-12%. Sức mua mặt hàng sữa bột dành cho trẻ em đang tăng trở lại; trước đó, trong 2 tuần đầu tháng 6-2014, sức mua giảm mạnh.

TS Vũ Đình Ánh nói: “Cơ quan ban hành giá trần phải tính đến yếu tố lợi nhuận của DN trong khung giá nhằm bảo đảm quyền lợi của người kinh doanh. Tuy nhiên, việc quy định tỉ lệ lợi nhuận của DN hoàn toàn mang tính chất bao cấp, đem áp dụng đối với mặt hàng có tính chất cạnh tranh là rất khó”.

Triển khai kiểm soát giá sữa

Tại buổi họp báo hôm 20-6 về giá sữa, ông Nguyễn Quốc Chiến, Trưởng Ban Vật giá - Sở Tài chính TP HCM, cho biết sẽ gửi văn bản đến các sở, ngành liên quan và đội kiểm tra liên ngành 24 quận, huyện về việc triển khai kiểm soát giá sữa trên thị trường. Theo đó, sẽ xử phạt những điểm bán hàng bán sữa cao hơn giá công bố.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thùy dương - Thanh Nhân (Người Lao Động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN