Trám đen xứ Lạng giá cao kỉ lục, tranh nhau mua vì ngon... quên sầu
Từ tháng 7 đến tháng 9 (âm lịch) hàng năm, trám đen xứ Lạng (Lạng Sơn) lại xuất hiện trong những phiên chợ để làm nên những món ăn cực kì ngon miệng, thơm, bùi. Năm nay trám được mùa được giá, dù giá tăng “kịch trần" lên tới 70.000 đồng/kg nhưng vẫn đắt hàng.
Trám là một loại quả đặc sản tự nhiên của núi rừng xứ Lạng, có công dụng giải khát, thanh giọng, giải độc, giải rượu... Quả trám có hai loại: trám trắng và trám đen. Trám trắng thường dùng làm mứt, ô mai. Trám đen dùng làm các món kho, sốt với cá..., đặc biệt nếu làm món xôi trám đen thì ngon "quên sầu".
Trám ở xứ Lạng thường là cây to có đường kính 1 người lớn ôm không xuể, thân thẳng nên rất khó khăn trong việc thu hái. Ảnh: Liễu Chang
Chỉ những người có kinh nghiệm thì mới chọn được những loại trám ngon và bùi, vì không phải cây trám nào cũng ngon và bở. Ảnh: Liễu Chang
Cây trám đen lâu năm có chiều cao trên 20m, đường kính lên tới 90cm, thân cây to, tán xòe rộng. Để trèo lên độ cao như vậy phải là người gan dạ, có kinh nghiệm mới dám đứng trên cành trám dùng cây sào dài đập quả. Quả trám tươi cứng rơi từ trên cao xuống, người ở dưới phải đội mũ đề phòng khi đang nhặt bị quả rơi trúng đầu.
Quả trám hình thoi, khi chín có màu tím thẫm, cùi màu vàng, hạt nhọn hai đầu, nhân hạt trắng ngần. Mùa thu hoạch trám bắt đầu từ tháng 7 âm lịch, kéo dài đến khoảng tháng 9 âm lịch, sau đó quả tự chín và rụng dần.
Tại các phiên chợ, trám luôn là thứ đặc sản được nhiều người tìm mua. Ảnh: Chang Liễu
Mọi năm giá trám thường từ 35.000 - 40.000 đồng/kg nhưng năm nay giá tăng lên tới 70.000 đồng/kg.
Bán trám đen tại chợ Tu Đồn, thị trấn Văn Quan, cô Thiệm ở Bình Gia cho biết: “Nhà tôi có khoảng 40-50 cây trám cổ thụ do các cụ trồng trong rừng sâu. Năm nay cây cũng khá sai quả, nhưng do trám là cây thân gỗ, gốc thẳng trơn trượt nên rất khó để trèo hái. Trung bình một buổi gia đình hái được hơn 1 tạ quả và tự mang bán tự các phiên chợ chứ không bán buôn".
Bà Thiệm cho biết năm trước giá trám dao động từ 30.000 - 40.000 đồng/kg, cao nhất cũng chỉ được 50.000 đồng/kg nhưng năm nay lại được giá hơn. "Từ sáng tới giờ tôi bán đã được hơn 50kg với giá 70.000 đồng/kg. Trám đen của người dân ở đây đều mọc tự nhiên, trong rừng sâu nên rất ngon, bùi và ngậy” - bà Thiệm nói.
Dù giá cả có đắt hơn mọi năm nhưng những hàng bán trám đen luôn nườm nượp khách tranh nhau chọn mua.
Trám đen là món ăn nổi tiếng của Lạng Sơn, trước khi ăn phải om trám cho mềm rồi tách hạt sau đó làm những món như xôi trám, thịt kho trám, trám ngâm tương..., ăn rất bùi, thơm. Trước đây, trám đen chỉ dùng trong gia đình, bán không được giá nên ít người quan tâm, nay cây trám đem lại giá trị kinh tế cao nên một số hộ dân đang ươm trồng, sau khoảng 7 - 8 năm cho quả.
Đông nghịt người chen chúc nhau tại khu bán trám, nhiều người mua đến chục cân để làm quà cho người thân ở xa. Ảnh: Chang Liễu
Thịt trám sau khi tách có thể phơi khô bỏ lọ hoặc bỏ trong ngăn đá tủ lạnh để bảo quản dùng quanh năm.
“Trước đây có câu thơ là "trám bùi để rụng, măng mai để già", nay trám đen không để rụng nữa mà được tận thu, mỗi cây trám là một "cây tiền”, trám sau khi tách lấy thịt thì hạt trám lại được thu lại với giá 40.000 - 50.000 đồng/kg hạt” anh Quân, một thương lái buôn trám cho biết.
Trám sau khi tách lấy thịt thì hạt lại được mang bán tại chợ với giá 40.000 - 50.000 đồng/kg hạt.
Theo anh Quân trám năm nay được mùa, được giá, loại 1 giá lên tới 70.000 đồng/kg, loại 2, 3 dao động từ 60.000 - 65.000 đồng/kg.
“Tôi phải đi vào các bản mà có trồng nhiều trám để thu mua trực tiếp của người dân. Trung bình mỗi phiên chợ hai vợ chồng bán được 2-3 tạ quả, lấy về bằng nào là bán hết sạch bằng đó”, anh nói.