Trai làng tháo vát trồng cam đường canh, thu hàng trăm triệu/năm
Vào vườn cam đường canh của anh Hoàng Xuân Trang thôn Lân Páng, xã Đồng Ý, huyện Bắc Sơn (Lạng Sơn) nhiều người không khỏi choáng ngợp trước hình ảnh cam sai trĩu rủ xuống đất, sáng đỏ cả một vùng đồi. Anh Trang - một chàng trai trẻ chưa lập gia đình nhưng dám nghĩ, dám làm trồng vườn cây ăn quả cho thu nhập hàng trăm triệu/năm.
Sinh ra trong một gia đình thuần nông tại mảnh đất cách mạng Bắc Sơn, anh Hoàng Xuân Trang luôn tìm hướng đi cho bản thân. Sau khi tốt nghiệp THPT anh Trang đi xuất khẩu lao động Malaysia với mong muốn tích góp chút vốn rồi quay về quê hương phát triển kinh tế. “Năm 2007, mình đã xin gia đình cho đi xuất khẩu lao động, công việc cũng vất vả nên đến năm 2009 mình quyết định nghỉ việc và trở về...”- anh Trang bộc bạch.
Anh Hoàng Xuân Trang bên vườn Cam sai trĩu đang chuẩn bị bước vào vụ thu hoạch.
Trở về với chút vốn liếng ít ỏi, chàng trai trẻ luôn suy nghĩ về cách làm giàu mới. Với suy nghĩ nếu cứ bám lấy cây lúa thì khó mà làm giàu được nên anh đã bàn với gia đình và quyết định trồng cây ăn quả. “Một lần tình cờ mình xem được một chương trình trên ti vi nói về mô hình trồng cam đường Canh, mình thấy quả màu vàng cam rất đẹp, sai trĩu và được nhiều người tìm mua để đặt bàn trong các dịp lễ tết. Ban đầu mình cũng hơi băn khoăn khi chọn trồng loại cam này, vì đất quê mình xưa nay nổi tiếng thích hợp với giống quýt vàng bản địa, liệu cam đường có phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng ở đây...” anh Trang thổ lộ. Sau nhiều lần suy tính, cuối cùng chàng trai trẻ quyết tâm trồng thử giống cam mới này.
Do trồng trên đất đồi nên Cam đường canh tại vườn nhà anh Trang luôn có vị ngọt hơn và màu đỏ cam đẹp mắt.
Năm 2010 anh dùng số vốn có trong tay mua diện tích đất đồi để trồng thử. Do đất đồi khá cằn và nông nên anh phải thuê máy cuốc đất nên chi phí đầu tư khá lớn. Ban đầu anh trồng vài trăm gốc sau đó thấy cây khá hợp khí hậu và thổ nhưỡng anh mới mở rộng dần. “Mình lặn lội xuống Học viện Nông nghiệp Hà Nội để mua 300 cây giống cam đường Canh về trồng thử nghiệm”.
Tuy nhiên, hiệu quả kinh tế lại không tỷ lệ thuận với diện tích bởi những năm đầu do không được đào tạo bài bản về kỹ thuật trồng và chăm sóc loại cây ăn quả này nên vườn cam nhà anh có hiện tượng vàng lá và thối rễ. “Thời gian đó nhìn vườn cây bị chết dần mình xót lắm, bao nhiêu công sức, tiền bạc đổ hết vào đấy. Sau gần 2 năm chán nản mặc kệ vườn cây cỏ um tùm mình quyết định làm lại vườn...”, anh Trang chia sẻ.
Vườn cam sai trĩu, rủ xuống đất.
Sau khi đi học hỏi kinh nghiệm của các chủ vườn đã trồng chăm sóc thành công cây cam trên đất đồi Lục Ngạn (Bắc Giang), kết hợp với việc đúc rút kinh nghiệm trong quá trình lao động sanh Trang đã làm chủ được kỹ thuật chăm sóc cây cam đường Canh ở trên đất đồi. Anh sử dụng kỹ thuật chặt rễ và đảo đất thay cho kỹ thuật đánh bật gốc cây của miền xuôi, cùng đó là kết hợp với kỹ thuật khoanh gốc, bón phân hợp lý đã giúp cho cam đơm hoa, kết trái sai trĩu cành. Không những vậy, mẫu mã và chất lượng quả cam khi được trồng chăm sóc tốt trên đất đồi lại cho vị ngọt và thơm ngon hơn so với ở miền xuôi.
Những quả cam Canh tại vườn nhà anh Trang căng mọng và có màu đẹp mắt nên được các thương lái rất ưa chuộng.
Hiện tại vườn anh Trang đang có hơn 1.300 gốc cam Canh và 400 gốc bưởi Diễn. Anh cho biết: vườn nhà anh sau khi được chăm sóc lại mới cho quả nên năng suất chưa cao. Dự tính sau khi thu hết vườn nhà anh thu được hơn 4 tấn cam và vài nghìn quả bưởi Diễn cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Cam và bưởi tại vườn nhà anh chủ yếu bán cho các thương lái, chợ đầu mối trong tỉnh và các tỉnh Thái Nguyên, Hà Nội… ới giá bán buôn là 40.000/kg cam và 25.000/quả bưởi.
Ngoài phát triển kinh tế gia đình, vườn cây nhà anh Hoàng Xuân Trang còn tạo công ăn việc làm theo thời vụ cho nhiều người dân trong vùng.