Trái cây Việt bị rẻ rúng ở nước ngoài
Không chỉ yếu về công nghệ bảo quản mà cách tiếp thị, bán hàng của nông sản Việt Nam ở nước ngoài quá kém khiến giá trị giảm sút, khách hàng quay lưng.
Các doanh nghiệp (DN) Việt kiều ở nhiều nước đã chỉ ra những mặt hạn chế của nông sản xuất khẩu Việt Nam ở các thị trường nước ngoài qua Diễn đàn kết nối DN Việt kiều và DN trong nước do Bộ NN&PTNT tổ chức vào ngày 9-2 tại TP.HCM.
Một quả xoài giá 30 USD
Đó là giá bán tại siêu thị ở Canada, song đáng tiếc phần lớn là hàng nhập khẩu từ Thái Lan, trong khi đó tìm không ra xoài Việt Nam mà mua. Bà Đinh Kim Nguyệt, chủ một DN Việt kiều ở Canada, kể.
Bà Nguyệt bộc bạch: “Việt Nam xuất khẩu gạo đứng nhì thế giới nhưng bà con Việt kiều hay người tiêu dùng nước ngoài toàn ăn gạo Thái Lan. Một ký rau thơm như húng quế có giá tới 10 USD, một quả xoài cát 30 USD hay một nải chuối sứ giá tới 40 USD. Trong khi các loại rau quả này ở Việt Nam xuất khẩu với giá rẻ hơn nhiều, đúng là tiếc. Nếu bán được giá cao như vậy nông dân nước ta đã khác. Lý do không phải vì nông sản Việt Nam khó xuất sang được mà do chính DN nước ta không biết cách bán hàng, tiếp thị”.
DN Việt Nam cần bỏ cách bán hàng kiểu đổ đống nông sản như trong nước, nếu không sẽ bị đánh bật khỏi thị trường nước ngoài. Trong ảnh: Thanh long bán đổ đống đầy đường với giá thấp. Ảnh: TTO
Bán đổ đống không bao bì, nhãn mác!
Dẫn chứng về điều này, bà Nguyệt nói đến cách bán thanh long tại Canada rất dở. DN dường như đã quen kiểu bán hàng như ở Việt Nam. Trong siêu thị hay chợ đều bán theo kiểu đổ đống. Ở Canada, họ cũng bán kiểu đổ đống không bao bì, nhãn mác, không áp phích, poster giới thiệu đây là trái cây gì, nhập ở đâu, chất lượng ra sao. Người tiêu dùng nước ngoài họ không thích mua hàng kiểu vậy, họ muốn biết thông tin, muốn hàng được chăm chút, bảo quản có bao bì, thương hiệu.Vì vậy thanh long Việt đổ đống được một thời gian bị xấu mã, hư hỏng giá có rẻ cũng không ai thèm mua. Chính vì vậy trái cây Việt nhanh chóng bị đánh bật khỏi thị trường bởi hàng Thái Lan.
Bà Vũ Thị Mai Liên, DN Việt kiều ở Liên bang Nga, cho biết đúng là trái cây Việt Nam tốt, rẻ, ngon nhưng lại cạnh tranh không nổi với trái cây các nước khác ở khâu bảo quản. Trái thanh long, nhãn, vải, xoài… được thị trường Nga rất chuộng. Tuy nhiên, như trái thanh long loại 1, giá xuất khẩu là 1 USD/kg nếu xuất bằng đường biển thì cước phí thấp, vận chuyển được nhiều nhưng lại mất quá nhiều thời gian. Để vận chuyển sang được Nga bằng đường biển thì mất hai tháng, sang đến nơi thanh long chắc chỉ bán được thời gian ngắn là hư hỏng nhanh. Nếu vận chuyển bằng hàng không thì giá cước lên tới 6 USD/kg, như vậy không thể cạnh tranh nổi.
Thói quen, tư duy về trồng trọt cũng làm giảm tính cạnh tranh của DN Việt Nam. Chị Kim Hoa nhiều năm kinh doanh ở Israel cho hay: “Tôi về nước thấy người nông dân ở tỉnh Hưng Yên chỉ trồng bưởi Diễn cung ứng cho dịp tết, trong khi có thể nghiên cứu trồng quanh năm để xuất khẩu. Năng suất chỉ khoảng 40-50 trái/cây là quá thấp. Tôi có trao đổi với các chuyên gia nông nghiệp Israel, họ có thể giúp một cây bưởi Diễn ra 100-150 trái”.
Xuất thô, bảo mãi mà không quản!
Thừa nhận những hạn chế của nông sản xuất khẩu Việt Nam, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho rằng xuất khẩu nông sản những năm qua tăng về lượng, kim ngạch nhưng lại thiếu chất. Con cá chỉ lọc phi lê bán đông lạnh; gạo, cà phê, hạt điều, hạt tiêu… đều xuất khẩu thô, nói là chế biến nhưng độ phức tạp sản phẩm không có nên giá bán, sự cạnh tranh không cao.
Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, Bộ đang có những chương trình quảng bá hình ảnh của một số mặt hàng nông nghiệp Việt Nam như thủy sản, trái cây… tại một số thị trường để giúp người tiêu dùng nước ngoài hiểu rõ về cách thức nuôi trồng đảm bảo các tiêu chuẩn thế giới về an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường.
Đặc biệt, Việt Nam cũng đang hợp tác chuyển giao công nghệ bảo quản nông sản từ Nhật. Họ đang có những công nghệ đông lạnh tế bào có thể bảo quản rau quả vài năm, khi rã đông vẫn tươi nguyên, giữ được giá trị dinh dưỡng. Tuy nhiên, cái khó là giá công nghệ rất đắt. Đồng thời, thông qua các DN Việt kiều, DN trong nước có thể tiếp cận thị trường tốt hơn không mất thời gian kiểm chứng độ tin cậy.
Tiếp thị "bầy đàn" chẳng tới đâu
Ông Ngô Chi Phượng, DN Việt kiều ở Thụy Điển, cho biết dù có tốn nhưng Việt Nam cũng buộc phải đầu tư về lâu dài, nếu không người nông dân mãi nghèo, DN cũng không khá được vì lợi nhuận quá thấp. Hãy học những công nghệ bảo quản của người Nhật, chỉ với túi nylon nano, với ít hơi nước, trái cây có thể tươi như mới cả tháng mà rất an toàn cho người sử dụng.
Đại diện Hiệp hội DN Việt Nam tại Pháp cho biết sắp tới sẽ thay đổi cách xúc tiến thương mại của DN Việt Nam. Trước đây, Việt Nam mỗi lần sang Pháp đều kéo nguyên đoàn 30-40 DN, đông vậy không thể kết nối, truyền tải cách thức tiếp cận thị trường. Tới đây, mỗi đoàn chỉ dưới 10 DN thì mới có cơ hội để DN tiếp cận và khai thác thị trường hiệu quả hơn.
Kết nối nông sản Việt với sàn giao dịch quốc tế Sắp tới, tại lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột, một số DN Việt kiều sẽ kết nối với Chính phủ Việt Nam mời các “ông lớn” của sàn giao dịch hàng hóa lớn trên thế giới ở sàn Chicago, New York đến tìm hiểu về thị trường cà phê Việt Nam. Sau đó sẽ triển khai cách thức hợp tác liên kết đưa mặt hàng cà phê lên sàn giao dịch thế giới, giúp nâng cao giá mặt hàng này, giảm tầng trung gian. Nếu thành công sẽ đưa thêm các mặt hàng nông sản khác. Phía Đan Mạch, DN Việt kiều cũng đang thuyết phục chuyển giao các công nghệ chăn nuôi hàng đầu thế giới cho phía ngành chăn nuôi nước ta. Ông NGÔ DƯƠNG HOÀNG THAO, DN Việt kiều ở Đan Mạch Bán hàng tại nước ngoài mà cứ kiểu đổ đống thì tự hạ thấp giá trị sản phẩm nước ta. DN trong nước nên kết nối với các DN Việt kiều để hiểu thị trường, học cách bán hàng của các nhà xuất khẩu như Thái Lan, Nhật… Trái thanh long được bao gói, bảo quản tốt, quảng cáo thông tin cụ thể thì giá bán sẽ cao, người tiêu dùng sẽ thích. Ông NGÔ CHI PHƯỢNG, DN Việt kiều ở Thụy Điển |