Trái cây Thái "mượn" Việt Nam tiến vào Trung Quốc

Không chỉ “hạ nốc ao” trái cây Việt ngay trên sân nhà, trái cây Thái Lan còn chiếm luôn thị trường xuất khẩu truyền thống của Việt Nam.

Theo Bộ NN&PTNT, tám tháng đầu năm 2015, Thái Lan đứng đầu trong tốp 10 nước cung cấp rau quả nhiều nhất vào Việt Nam, đạt gần 135 triệu USD. Các loại trái cây Thái xuất khẩu nhiều sang Việt Nam là sầu riêng, chôm chôm, bòn bon, me, măng cụt, xoài...

Điều đáng nói là sau nhiều năm độc chiếm thị trường Việt Nam, trái cây Trung Quốc đành “ngậm ngùi” nhường sân cho trái cây Thái.

Đánh bật trái cây Trung Quốc

Ông Nguyễn Văn Hòa, Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam (Sofri), nhận xét nhiều loại trái cây Thái có ưu thế nổi trội hơn trái cây Việt. Bòn bon Thái có diện tích trồng lớn, chất lượng hơn bòn bon trồng tại Việt Nam. Me Thái cũng có ưu thế vượt hơn hẳn vì họ làm nhiều giống me để xuất khẩu trong khi Việt Nam lại không coi trọng phát triển loại trái cây này.

“măng cụt Thái trồng trên những triền đất cao nên không bị xì mủ trái như măng cụt Việt. Dù măng cụt của chúng ta ngon, trái to nhưng lại dễ bị xì mủ trái, chất lượng không đồng đều” - ông Hòa lý giải.

Với sầu riêng, Việt Nam có những giống bản địa chất lượng ngon hơn hẳn Thái nhưng ta lại thua họ về công nghệ giống. Ông Hòa nói: “Thái Lan đi trước Việt Nam về công nghệ lai tạo giống hàng chục năm, họ tạo ra nhiều loại giống sầu riêng khác nhau. Ví dụ như giống sầu riêng mùi nhẹ dịu, nhờ đó xuất khẩu sang được các nước châu Âu. Với các nước châu Á, Thái Lan có giống sầu riêng mùi thơm hơn, cơm vàng, hạt lép nên rất được ưa chuộng”.

Trái cây Thái "mượn" Việt Nam tiến vào Trung Quốc - 1

 Trái cây Việt chủ yếu dừng lại ở sơ chế giá trị thấp, thiếu sản phẩm chế biến có giá trị gia tăng. Ảnh: QUANG HUY

Ngoại hình đẹp

Không chỉ chất lượng ngon, theo TS Võ Mai, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, mẫu mã ngoại hình trái cây đồng đều, đẹp mắt nên trái cây Thái không chỉ được người tiêu dùng Việt Nam mà nhiều nước khác lựa chọn.

“Trái cây Thái vượt mặt Trung Quốc để chiếm lĩnh thị trường Việt Nam là điều dễ hiểu, nhất là đối với các tỉnh, thành phía Nam. trước đây, trái cây Trung Quốc đẹp, hấp dẫn, giá rẻ nên được người tiêu dùng ưu ái. nhưng sau khi họ bị phanh phui xài thuốc cấm, dư lượng hóa chất cao, độc hại thì người Việt dị ứng” - bà Võ Mai phân tích.

Chưa kể trái cây Thái giá thành thấp, xuất khẩu ổn định. Chẳng hạn măng cụt Thái Lan vào mùa rộ giá chỉ 7.000-8.000 đồng/kg, sầu riêng 14.000-15.000 đồng/kg, bằng gần một nửa giá so với Việt Nam - một doanh nhân cho biết.

Mượn thị trường Việt để xuất sang Trung Quốc

TS Võ Mai chỉ ra nguyên nhân trái cây Thái đang “làm mưa làm gió” tại thị trường Việt Nam và trên thế giới là do người Thái làm nông nghiệp theo tổ nhóm, hợp tác xã. Nhờ hoạt động theo mô hình này nên họ tạo ra những vùng nguyên liệu rộng lớn, áp dụng được công nghệ kỹ thuật hiện đại, giảm được giá thành, đảm bảo nguyên liệu cho xuất khẩu. Đây là ưu thế ít nước nông nghiệp châu Á làm được.

ông Nguyễn Văn Hòa cho rằng đến cuối năm 2015, khi hình thành khối Cộng đồng kinh tế chung ASEAN (AEC), hàng hóa từ Thái Lan “mượn” Việt Nam xuất sang Trung Quốc dễ dàng hơn, tiết kiệm chi phí hơn. Trên thực tế hiện nay trái cây Thái cũng đang chuyển qua Việt Nam để xuất đi Trung Quốc. 

“Mở cửa hội nhập thì chúng ta phải chấp nhận cạnh tranh nhưng để trái cây Việt xuất khẩu tốt phải đi theo hướng chất lượng. Chúng ta đang có rất nhiều giống trái cây thế mạnh như xoài cát chu, bưởi da xanh, vú sữa, sầu riêng Ri6… Song hạn chế của ta là sản xuất nhỏ lẻ, manh mún… Để khắc phục tình trạng này, Việt Nam cần triển khai liên kết hợp tác xã, liên kết vùng nguyên liệu một số loại trái cây, từ đó tạo được số lượng ổn định, xuất khẩu được quanh năm. Đầu tư công nghệ chế biến, bảo quản, ký được hợp đồng lớn” - ông Hòa góp ý.

Tại sao trái cây Việt thua?

Chuyên gia thương hiệu Đoàn Đình Hoàng nói :  “Việt Nam có nhiều loại trái cây đặc sản nổi tiếng, chất lượng ngon nhưng tại sao không thể có chỗ đứng như Thái Lan? Nguyên nhân là do cách phát triển nông nghiệp Việt Nam còn manh mún, thiếu tổ chức một cách khoa học và khâu thị trường còn yếu”.

Còn ông Robert Trần, Tổng Giám đốc Tập đoàn Tư vấn chiến lược Robenny khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nói lợi thế của trái cây Thái là ít dùng hóa chất, phương pháp trồng đúng chuẩn quốc tế, trái ra đều, đẹp nhìn bắt mắt hơn trái cây Việt. Tuy nhiên, mùi vị nhiều loại trái cây Thái không ngon bằng của Việt Nam. 

TÚ UYÊN

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quang Huy (Pháp luật TPHCM)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN