Trái cây 'nếm mật, nằm gai' mang về tỉ đô cho Việt Nam

Sự kiện: Kinh Doanh

Dù lập nhiều kỳ tích nhưng trái cây Việt Nam xuất khẩu vẫn còn cảnh “sáng rau, chiều rác” vì nhanh héo. Ngày đầu giá bán có thể 10 USD/kg nhưng sang ngày thứ ba chỉ giá chỉ còn 1/3...

Trái cây 'nếm mật, nằm gai' mang về tỉ đô cho Việt Nam - 1

Ngành hàng rau quả mà cụ thể là trái cây đang thể hiện được tiềm năng xuất khẩu sang nhiều thị trường khó tính trên thế giới khi “vượt mặt” những mặt hàng xuất khẩu tỉ đô khác là dầu thô, gạo, cà phê… Tuy nhiên, các doanh nghiệp lẫn chuyên gia lo lắng là công nghệ bảo quản trái cây Việt Nam còn hạn chế, chưa khai thác hết giá trị.

Thu về hơn 300 triệu USD/tháng

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong tháng 4-2018, xuất khẩu rau quả nước ta tiếp tục đạt được con số ấn tượng khi đạt kim ngạch hơn 353 triệu USD nâng tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt hơn 1,3 tỉ USD, tăng gần 30% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Ông Nguyễn Văn Kỳ, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit), thị trường Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất của rau quả nước ta nhiều năm nay, từ 1,7 tỉ USD xuất khẩu năm 2016, năm 2017 giá trị xuất khẩu sang thị trường này đã tăng lên mức “khủng” hơn 2,6 tỉ USD.

Vinafruit đánh giá xuất khẩu rau quả năm 2018 tiếp tục tăng trưởng 25%-30% và đạt khoảng 4,3-4,5 tỉ USD, trong đó Trung Quốc vẫn là thị trường chính.

Sau khi “qua mặt” nhiều ngành hàng xuất khẩu nông sản chủ lực như gạo, cà phê, hạt điều… thì nay rau quả chính thức vượt qua kim ngạch xuất khẩu của dầu thô (xuất khẩu dầu thô bốn tháng đầu năm chỉ đạt 668 triệu USD, giảm 25%).

Để có được thành tích đó, mặt hàng rau quả đã trải qua nhiều năm đàm phán tìm cách đáp ứng để có mặt trên kệ hàng siêu thị của các thị trường khó tính trên thế giới.

Như mới đây, qua bảy năm nộp hồ sơ và đàm phán qua lại, chôm chôm Việt Nam mới được cấp phép nhập khẩu vào thị trường New Zealand.

Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) tiết lộ để xuất khẩu vào thị trường này, chôm chôm phải được Cục cấp mã số vùng trồng, kiểm soát sinh vật gây hại; khâu thu hoạch cũng phải đóng gói, ghi nhãn theo yêu cầu của phía New Zealand. Bên cạnh đó, các lô hàng phải được chiếu xạ để đảm bảo không bị nhiễm các loài sinh vật gây hại.

Trước đó, Cơ quan Kiểm dịch động thực vật Mỹ (APHIS) trực thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ cho biết từ năm 2018 quả vú sữa tươi của Việt Nam chính thức được chấp thuận nhập khẩu vào thị trường này.

Như vậy, đến nay Mỹ đã đồng ý nhập năm loại trái cây của Việt Nam bao gồm: thanh long, chôm chôm, vải, nhãn và vú sữa.

Là doanh nghiệp chuyên xuất khẩu trái cây vào thị trường khó tính Mỹ, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Vina T&T Group, cho biết đầu năm 2018, công ty đã lần đầu tiên, nhãn lồng Sơn La, Hưng Yên tới Mỹ, có mặt tại những điểm bán thu hút khách trong các siêu thị.

Ông Tùng cho biết xuất sang Mỹ, doanh nghiệp đã “nếm mật, nằm gai” nhiều năm nay để xây dựng chuỗi liên kết từ vùng nguyên liệu, nhà máy, chiếu xạ đến vận chuyển xuất khẩu giúp kiểm soát tốt được chất lượng sản phẩm. Bằng chứng hơn 80% kim ngạch xuất khẩu của công ty đến từ thị trường Mỹ.

Đánh giá về thị trường, ông Tùng cho rằng với đa dạng trái cây, chất lượng ngon, với nhu cầu thế giới ngày càng lớn, xuất khẩu ngành hàng này sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ. 

Trái cây 'nếm mật, nằm gai' mang về tỉ đô cho Việt Nam  - ảnh 1Đến nay Mỹ đã đồng ý nhập năm loại trái cây của Việt Nam bao gồm: thanh long, chôm chôm, vải, nhãn và vú sữa.

Trái cây 'nếm mật, nằm gai' mang về tỉ đô cho Việt Nam - 2

Đến nay Mỹ đã đồng ý nhập năm loại trái cây của Việt Nam bao gồm: thanh long, chôm chôm, vải, nhãn và vú sữa.

Nỗi lo công nghệ bảo quản

Nhiều chuyên gia cho rằng xuất khẩu rau quả Việt Nam hoàn toàn đạt được con số giá trị xuất khẩu 10 tỉ USD mỗi năm nếu làm tốt khâu bảo quản sản phẩm.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Vina T&T Group, cho biết trái cây Việt Nam xuất sang Mỹ hiện mới chỉ được bán một số bang, nguyên nhân là do thời gian bảo quản của trái cây Việt Nam còn rất hạn chế nên không thể vận chuyển đến các tiểu bang xa hơn trên nước Mỹ.

Hạn chế công nghệ bảo quản, giữ cho trái cây tươi lâu thấy rõ khi sản lượng xuất khẩu trái cây sang Mỹ của những loại trái cây Việt Nam đã được cho phép vào thị trường này.

Theo ông Tùng, Việt Nam xuất sang Mỹ số lượng lớn nhất vẫn là nhãn và thanh long vì có phương pháp bảo quản tương đối dài. Như trái nhãn bảo quản được 45 ngày, thanh long được 30 ngày. Nhưng với thời gian bảo quản như trên, nhãn và thanh long Việt Nam khi sang Mỹ bằng tàu biển, cũng chỉ đến được những bang gần, không đủ thời gian tới những bang xa hơn.

Chôm chôm với thời hạn bảo quản chỉ khoảng 1 tuần, nếu xuất sang Mỹ buộc phải đi máy bay. Mà như đã nói ở trên, giá cước máy bay rất cao, khiến cho xuất khẩu chôm chôm sang Mỹ bị hạn chế khá nhiều. Còn trái vải gần như không còn được các DN xuất khẩu sang Mỹ do thời gian bảo quản quá ngắn.

TS Võ Mai, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, cho rằng rau quả Việt Nam muốn xuất khẩu thu được giá trị cao cần làm tốt công nghệ bảo quản, như Nhật Bản họ có công nghệ bảo quản đông lạnh tế bào giữ được trái cây tươi lâu cả năm trời, chất lượng vẫn đảm bảo.   

Theo TS Mai, trái cây Việt Nam xuất khẩu vẫn còn cảnh “sáng rau, chiều rác” vì nhanh héo, ngày đầu giá bán có thể 10 USD/kg nhưng sang ngày thứ ba chỉ giá chỉ còn 1/3.

“Không chỉ thị trường Mỹ, Nhật, Úc khó tính mà Trung Quốc - thị trường lớn nhất của rau quả Việt Nam cũng đang ngày càng khó tính hơn. Họ bắt đầu yêu cầu rau quả Việt Nam phải truy xuất nguồn gốc, đảm bảo an toàn thực phẩm khi xuất vào thị trường này. Vì vậy, muốn xuất khẩu bền vững cần Nhà nước có chính sách khuyến khích đầu tư công nghệ bảo quản”, TS Mai chia sẻ.

GS Võ Tòng Xuân, chuyên gia nông nghiệp, cho rằng Việt Nam trước khi đàm phán mở cửa cho một loại trái cây, cần sự tư vấn góp ý từ các doanh nghiệp, hiệp hội, chuyên gia. Nếu Việt Nam đang có giải pháp bảo quản tốt, giữ cho loại trái cây ấy tươi, có khả năng cạnh tranh, xuất được số lượng lớn thì quyết định đàm phán.

“Rau quả cũng cần chú trọng công tác quảng bá, xúc tiến thương mại. Các tham tán thương mại cũng cần nghiên cứu, cung cấp thông tin về thị trường tiêu thụ rau quả của các nước. Thậm chí hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài để chuyển giao công nghệ, khai thác sản phẩm giá trị gia tăng từ rau quả”, GS chia sẻ.

Trái cây 'nếm mật, nằm gai' mang về tỉ đô cho Việt Nam - 3

Không chỉ thị trường Mỹ, Nhật, Úc khó tính mà Trung Quốc - thị trường lớn nhất của rau quả Việt Nam cũng đang ngày càng khó tính hơn

Cấp gần 6.000 mã số vùng trồng trái cây xuất khẩu

Để mở cửa thị trường rau quả phải giải quyết hai rào cản chính là kiểm dịch thực vật và an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đối với những sản phẩm rau củ quả. 

Đến nay, Cục Bảo vệ thực vật đã cấp được gần 6.000 mã số vùng trồng đối với thanh long, xoài, nhãn, chôm chôm, vải. Cục đang phối hợp với các địa phương tiếp tục mở rộng cấp thêm mã số cho những vùng nguyên liệu phục vụ xuất khẩu.

Bên cạnh việc tổ chức lại thị trường, để gia tăng giá trị rau quả, tránh tình trạng “được mùa rớt giá”, nông dân bị động trong tiêu thụ nông sản, ngoài 145 doanh nghiệp tham gia chuỗi chế biến rau quả, Bộ NN&PTNT đã và đang phối hợp với các doanh nghiệp tiếp tục xây dựng thêm bảy nhà máy chế biến với công suất quy mô vùng và khu vực.

Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quang Huy (Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN