Trái cây lo giảm xuất khẩu

Trái cây Thái Lan cũng vào mùa và được hỗ trợ phí vận chuyển.

Hiệp hội Rau quả Việt Nam dự báo xuất khẩu trái cây sắp tới sẽ sụt giảm, doanh nghiệp (DN) sẽ gặp khó vì cạnh tranh không nổi với trái cây Thái Lan, Philippines, Ecuador, Zambia… và rào cản kỹ thuật của châu Âu.

Vào mùa nhưng thua đủ bề

Ông Ngô Văn Chánh, Phó Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu (Chợ Lách, Bến Tre), cho biết mới xuất 200 tấn chôm chôm sang Mỹ. Hiện chôm chôm là loại trái cây đang vào vụ thu hoạch với số lượng lớn. Thế nhưng việc xuất khẩu sắp phải chựng lại vì gặp phải sự cạnh tranh lớn từ Thái Lan. Chôm chôm Việt xuất sang Mỹ phải bằng đường hàng không, chi phí 4 USD/kg. Trong khi, DN Thái Lan xuất khẩu chôm chôm lại được chính phủ nước họ hỗ trợ chi phí vận chuyển nên chi phí chỉ còn có 1 USD/kg thôi.

Không chỉ chôm chôm mà các loại trái cây xuất khẩu khác của DN Thái Lan đều được hưởng chính sách hỗ trợ này.

“Giá chôm chôm Thái rẻ hơn. Chôm chôm Việt 20.000 đồng/kg thì chôm chôm Thái chỉ 15.000-17.000 đồng/kg. Giống chôm chôm nước ta là giống lấy từ Thái Lan, chất lượng quả không ngon bằng chôm chôm Thái, họ cũng vào mùa như ta nên ta khó cạnh tranh lắm” - ông Chánh chia sẻ.

Bà Trần Thị Minh Vân, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Rau quả Minh Vân, cho biết khi ta vào vụ thu hoạch trái cây thì các nước khác cũng vào vụ. Vì vậy, trái cây mùa này phải cạnh tranh nhau giá cả, thời gian vận chuyển. Trái cây Việt có chất lượng tốt nhưng ở xa, trong khi Ecuador, Brazil gần Mỹ hơn.

Trái cây lo giảm xuất khẩu - 1

Nhờ xây dựng được vùng nguyên liệu tập trung, ổn định nên thanh long vẫn xuất khẩu mạnh

Giữ thị trường bằng… độc quyền

Theo bà Vân, chỉ có dứa, thanh long thì vẫn xuất khẩu được và mạnh nhờ xây dựng được vùng nguyên liệu tập trung, ổn định đầu vào, vì vậy tìm đầu ra dễ dàng hơn. DN sẵn sàng ký được những hợp đồng lớn mà không phải lo thiếu hàng như trước đây.

Sở dĩ trái thanh long chưa bị cạnh tranh là vì thanh long là trái cây “độc quyền” của Việt Nam với chất lượng tốt, sản lượng nhiều nhất thế giới, ông Trần Ngọc Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH Thanh long Hoàng Hậu, chia sẻ. Vì vậy mà đơn hàng xuất khẩu thanh long vẫn rất nhiều. Ông cũng cho rằng muốn xuất khẩu bền vững, DN phải biết chăm sóc một vài mối “ruột”. Khi đó, dù có người chào giá thấp thì mối vẫn dành một số hợp đồng cho mình. DN kiểm soát tốt chất lượng, uy tín thì nhà nhập khẩu sẽ không bỏ rơi.

Chôm chôm Việt cũng có thể khai thác thế độc quyền này. Ông Ngô Văn Chánh cho biết Việt Nam có thể phát triển vùng trái cây nghịch vụ, DN có thể hướng dẫn kỹ thuật cho bà con để đẩy mạnh hình thức canh tác này. Hiện chôm chôm, thanh long nước ta có thể trồng nghịch vụ, Thái Lan và các nước khác không trồng. Vì vậy, phải đến khoảng tháng 9, 10, các nước khác hết mùa, không còn hàng thì DN mới có thể xuất khẩu trái cây nhiều hơn.

Mới đây, có thông tin về táo Trung Quốc bị bọc từ nhỏ cho tới lúc chín bằng túi tẩm thuốc sâu. TS Nguyễn Văn Hòa, Thành viên Hội đồng Thẩm định thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), Viện phó Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, cho biết hiện vẫn có giải pháp chăm sóc trái cây bằng cách bao túi nylon.

Ông khẳng định việc này giúp trái cây tránh được các loại ruồi đục quả, sâu bệnh… Cách làm đúng là khi trái cây đủ lớn, ta sẽ phun thuốc bảo vệ thực vật cho phép lên cây rồi mới bọc quả lại. Trước khi thu hoạch khoảng 7-15 ngày thì tháo túi nylon để thuốc bảo vệ thực vật đào thải đi.

Còn cách bọc táo từ nhỏ bằng túi tẩm thuốc, thuốc là loại không cho phép dùng, bọc đến tận ngày thu hoạch thì không đúng quy trình. Bọc trong thời gian quá lâu sẽ dẫn đến dư lượng trong trái cây quá lớn và khó đào thải, sau khi tháo bọc phải mất cả tháng mới hết nổi dư lượng thuốc.

Trong tháng 5, xuất khẩu trái cây đạt 52 triệu USD, tăng gần 12% so với cùng kỳ năm 2011.

Tuy nhiên, xuất khẩu trái cây năm tháng đầu năm đạt 257 triệu USD, chỉ tăng 2% so với năm 2011.

Ông NGUYỄN VĂN KỲ, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam

Khi vào vụ loại trái cây nào thì DN sẽ xuất khẩu trái cây đó nhiều. Thế nhưng qua đến Mỹ, nếu một lô bị phát hiện có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật là “vạ lây” cả những lô khác, ách lại để kiểm, rất mất thời gian. Trong khi đó, họ lại quy định phải bán hết trái cây trong một thời gian nhất định, bán không hết thì phải hủy. Thế là cả lô thanh long mấy trăm triệu đồng coi như đi tong.

Ông MAI XUÂN THÌN, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại, Dịch vụ Rồng Đỏ

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quang Huy ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN