Trái cây ĐBSCL: Vui nhờ giá, lo vì giá!

Đầu tư chưa đúng mức, sản xuất manh mún, thiếu qui hoạch... là những hạn chế cơ bản của trái cây vùng ĐBSCL hiện nay. Tìm giải pháp phát triển bền vững trái cây đang là vấn đề bức bách...

Giá trái cây: Lên xuống thất thường

Sau khi rớt giá xuống còn 8.000đ/kg (cam sành (CS) loại 1) và 4.000đ/kg (CS bán sô), vài ngày nay giá CS loại 1 nhích lên 10.000đ/kg, bán sô 7.000đ/kg...

Ông Huỳnh Hữu Phúc ở xã Tân Thành (huyện Lai Vung, Đồng Tháp) cho biết, giá CS có nhích lên, nhưng so với mấy tháng trước vẫn còn thua xa. Thời điểm vụ nghịch giá CS vọt lên 31.000-32.000đ/kg. Hộ nào có CS bán lúc đó thu lời đậm.

Đồng tâm trạng trên, theo ông Nguyễn Văn Nuôi - chủ 1,5ha CS ở xã Xuân Hòa (huyện Kế Sách, Sóc Trăng), lúc CS tăng giá nhiều người phá bỏ ruộng lúa, vườn cây khác... để trồng CS. Nay giá giảm lại khiến nhiều người lo âu.

Sở NNPTNT Hậu Giang cảnh báo, toàn tỉnh có khoảng 7.000ha CS, tuy đây là cây đặc sản của địa phương, nhưng “đầu ra” chủ yếu tiêu thụ nội địa. Vì vậy cần thận trọng, trồng CS quá nhiều sẽ dễ dẫn tới rớt giá. Khuyến cáo là vậy, nhưng nhiều nhà vườn ở Hậu Giang, Vĩnh Long... vẫn chạy đua trồng CS.

Theo sở NNPTNT các tỉnh ĐBSCL, các năm trước khi mận An Phước giá 15.000-20.000đ/kg, ai cũng đổ xô trồng; sau đó giá rớt còn 2.000đ/kg dẫn đến lỗ nặng.

Trước đó, phong trào trồng nhãn long cũng rầm rộ bởi giá cao, không bao lâu giá nhãn long chỉ còn 500đ/kg, nhà vườn lại quay sang đốn bỏ. Điệp khúc “trồng - chặt” là căn bệnh nan y của trái cây vùng ĐBSCL nhiều năm qua...

Liên kết và rải vụ


Theo PGS-TS Nguyễn Minh Châu - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam (SOFRI), vùng ĐBSCL có nhiều loại trái cây chất lượng hơn hẳn các nước (xoài cát Hòa Lộc, bưởi da xanh, nhãn xuồng cơm vàng, măng cụt, sầu riêng Ri- 6... Đặc biệt, vú sữa Lò Rèn và sơ ri Gò Công chỉ Việt Nam mới có trồng.

Vấn đề đặt ra hiện nay là qui hoạch và điều chỉnh hợp lý vùng chuyên canh để tránh rớt giá. SOFRI đề xuất phương án rải vụ trái cây; trong đó nghiên cứu “né” thời điểm thu hoạch của Thái Lan, Trung Quốc...

Cụ thể, nhà vườn Tiền Giang, Bến Tre áp dụng cho chôm chôm ra trái vào tháng 12 (thay vì tháng 6 như bình thường), nhờ đó chôm chôm xuất sang Hoa Kỳ được giá cao.

Hay như sầu riêng ở ĐBSCL cho trái từ tháng 1 đến tháng 4, sớm hơn sầu riêng miền Đông nên bán được giá. Bưởi da xanh, bưởi Năm Roi, quýt đường cho trái quanh năm, cần điều chỉnh cho trái nhiều từ tháng 3 đến tháng 9 để tránh đụng với trái cây miền Bắc và Trung Quốc...

Còn Sở NNPTNT Hậu Giang cho rằng, rải vụ cần được Bộ NNPTNT chỉ đạo thống nhất giữa các địa phương, tránh trùng lắp dẫn đến thừa sản lượng.

Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Bùi Bá Bổng, cùng với rải vụ, bộ chủ trương đẩy mạnh sản xuất theo mô hình Global GAP, VietGAP và liên kết với DN để đảm bảo đầu ra cho trái cây.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo H.Trọng (Lao động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN