TQ tận thu tôm nguyên liệu, DN Việt lao đao
Doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu tôm trong nước đang rơi vào cảnh lao đao vì thiếu nguyên liệu sản xuất. Nguyên nhân được cho là do thương nhân Trung Quốc đang tận thu tôm nguyên liệu với giá cao.
Giá xuất khẩu tôm đã tăng mạnh trong 2 tháng qua, doanh nghiệp (DN) tranh thủ ký thêm nhiều hợp đồng mới với hy vọng gỡ gạc thì nay phải “khóc ròng” vì thiếu hàng để thực hiện hợp đồng.
Tranh mua gay gắt
Ông Trần Văn Lĩnh – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản và thương mại Thuận Phước (Đà Nẵng) cho biết, tình trạng các thương nhân Trung Quốc cạnh tranh thu mua tôm nguyên liệu tại các tỉnh ĐBSCL cũng như các tỉnh miền Trung đang ngày càng gay gắt. Ông Lĩnh nói, theo thống kê sơ bộ, mỗi ngày có khoảng 300 tấn tôm tươi nguyên liệu được xuất khẩu chính ngạch qua Trung Quốc tại các cửa khẩu. Giá tôm nguyên liệu trong nước do đó cũng đã tăng hơn gấp rưỡi so với hồi đầu tháng 7.
Doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu tôm trong nước đang rơi vào cảnh lao đao vì thiếu nguyên liệu sản xuất.
Ông Nguyễn Hải Triều – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Gió Mới (quận 12, TP.HCM) cũng than thở rằng, DN của ông đang trong cảnh thiếu hụt nguyên liệu trầm trọng, các hợp đồng xuất khẩu do đó cũng bị trì trệ nhiều. Theo ông Triều, nếu như trước đây, DN của ông thu mua 100 tấn tôm nguyên liệu mỗi tháng, thì nay lượng tôm thu mua được chỉ còn khoảng 20 tấn.
Nguy cơ ảnh hưởng lâu dài
Ông Trương Đình Hòe – Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, đơn vị này đã có văn bản báo cáo lên Bộ NNPTNT, Bộ Công Thương và Bộ Công an. Tuy nhiên đến nay, tình hình vẫn chưa được cải thiện. Cũng theo ông Hòe, nếu như trước đây, các thương nhân Trung Quốc chỉ thu mua tôm có kích cỡ từ 80 con/kg trở lên, thì nay tôm cỡ nhỏ, chỉ từ 150 con/kg cũng được thu gom, xuất khẩu về Trung Quốc.
Để hạn chế tình trạng tranh mua nguyên liệu giữa các thương nhân trong nước và thương nhân nước ngoài, ảnh hưởng tới uy tín sản phẩm tôm Việt Nam, VASEP vừa đề xuất Bộ Công Thương đánh thuế từ 10 - 25% giá trị đối với lô hàng tôm tươi xuất khẩu. |
Nguy hiểm hơn, theo các DN Việt Nam, là thương nhân Trung Quốc thu mua cả tôm không đạt chất lượng, nhiễm tạp chất, kháng sinh… nên nhiều bà con nông dân đã tái sử dụng kháng sinh trong nuôi tôm. Trong khi đó, ông Trần Văn Lĩnh cho biết, vì thiếu nguyên liệu nên dù giá xuất khẩu tăng nhưng DN đang phải chịu lỗ. Nguyên nhân là vừa phải mua nguyên liệu giá cao và phải đền nhiều hợp đồng do giao hàng không đúng thời hạn. “Hiện công suất của các nhà máy chế biến thủy sản trong nước chỉ hoạt động 40 – 50%, phần còn lại phải “nằm chờ”, trong khi tôm nguyên liệu thì liên tục bốc hơi”- ông Lĩnh cho biết.
Cơ quan chức năng chưa nắm được tình hình! Trao đổi với NTNN, ông Ngô Minh Trạng - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Sóc Trăng cho rằng, đơn vị này thường xuyên kiểm tra hoạt động mua, bán tôm nguyên liệu trên địa bàn, tuy nhiên, chưa phát hiện tình trạng thương nhân Trung Quốc thu mua tôm của nông dân. Ông Trạng cho biết, trước đây có nghe nói về tình trạng các đầu nậu bơm tạp chất vào tôm nguyên liệu để bán cho thương lái Trung Quốc với giá cao ở các vùng Bạc Liêu, Cà Mau... Ngành công thương tỉnh này cũng đã yêu cầu các đơn vị quản lý chặt chẽ hoạt động mua bán nông sản trên địa bàn. Trong khi đó, khi được hỏi về vấn đề thương lái Trung Quốc thu mua tôm trên địa bàn, ông Lê Hiền - Giám đốc Sở Công Thương Cà Mau nói rằng phải chờ ngành công thương kiểm tra, nắm tình hình lại. Theo ông Hiền, việc kiểm soát hoạt động buôn bán của nông dân và các thương lái trên địa bàn chỉ có thể thực hiện ở mặt quản lý về chất lượng sản phẩm. Còn việc dân bán cho ai, giá cả thế nào thì rất khó để quản lý. Ông Huỳnh Văn Gành - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Kiên Giang cũng cho rằng, trong tình hình hoạt động thương mại theo cơ chế thị trường, hàng hóa buôn bán tự do như hiện nay, việc quản lý người dân bán nông sản cho ai, giá bao nhiêu là không thể. Doanh nghiệp nào trả giá cao hơn, có lợi cho nông dân thì mua được hàng, không cứ là doanh nghiệp Trung Quốc hay doanh nghiệp Việt Nam. Cũng theo ông Gành, dù đã có Thông tư 08/2013 của Bộ Công Thương quy định về việc cấm các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp thu mua nông sản tại Việt Nam, tuy nhiên, tình trạng này vẫn rất khó kiểm soát. Hơn nữa, theo một đại diện ngành công thương, mua bán nông sản hiện không cần hóa đơn, chứng từ như các sản phẩm công nghiệp khác. Do đó, việc lách luật không khó thực hiện. “Ngay cả diện tích, sản lượng nông sản cũng thay đổi thường xuyên, cơ quan chức năng đâu nắm sát tình hình để quản lý được” - vị này cho biết thêm. Hải Thuận |