TP.HCM phát hiện chuỗi cửa hàng mỹ phẩm nghi giả, nhái
Hàng ngàn sản phẩm mỹ phẩm từ các thương hiệu nổi tiếng của Pháp, Hàn Quốc, Nhật, Pháp… nghi có dấu hiệu giả, nhái tại chuỗi cửa hàng mỹ phẩm Ansan Cosmetics.
Cơ quan chức năng kiểm tra chuỗi cửa hàng mỹ phẩm lớn tại TPHCM
Ngày 18/3, Tổ công tác 368 về Thương mại điện tử của Tổng Cục quản lý thị trường (QLTT) phối hợp với Đội 3 Cục QLTT TPHCM bất ngờ kiểm tra chuỗi cửa hàng mỹ phẩm Ansan Cosmetics tại 4 điểm gồm 774 Sư Vạn Hạnh (nối dài), P.12, Q.10; 32 D2 Nguyễn Gia Trí, P.25, Q. Bình Thạnh; 140 Võ Văn Ngân, P. Bình Thọ, Q. Thủ Đức; 225A - 229A - 229B Tân Hòa Đông, P.14, Q.6.
Tại địa chỉ 774 Sư Vạn Hạnh, P.12, Q.10, cửa hàng có hàng ngàn mỹ phẩm thuộc các thương hiệu nổi tiếng như L’oreal, Innisfree, Vichy, Shiseido, Estee Lauder…
Theo ghi nhận của phóng viên, nhiều mỹ phẩm ngoại được bày bán tại đây có giá rất rẻ, chỉ bằng 1/5 so với hàng bán đại đại lý chính hãng. Ví dụ như kem dưỡng ẩm 50ml của L’oreal có giá từ 500.000-700.000 đồng/hộp tại showroom, thì ở cửa hàng của Ansan Cosmetics chỉ 155.000 đồng/hộp;
... nước hoa Versace loại 5ml chỉ 155.000 đồng/hộp…
Đại diện Tổ công tác 368 cho hay, xuất phát từ các dấu hiệu nghi ngờ trên mạng Internet, 368 phát hiện đối thượng kinh doanh mỹ phẩm, thực phẩm chức năng trên mạng, sử dụng Facebook, website thương mại điện tử, sàn thương mại điện tử bán hàng.
“Bước đầu kiểm tra, chúng tôi thấy có dấu hiệu vi phạm liên quan đến đến sản phẩm, liên quan đến sở hữu trí tuệ, các thương hiệu đã đăng ký bảo hộ tại Việt Nam” – vị này cho biết.
Ông Nguyễn Hữu Tuấn, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết, dù bán hàng tại shop hay bán online, trên các sàn thương mại điện tử thì người kinh doanh vẫn phải có nghĩa vụ đóng thuế nếu doanh thu trên 100 triệu đồng/năm.
Hiện nay, kinh doanh online là mảnh đất “màu mỡ” cho các đối tượng kinh doanh hàng giả, thậm chí là hàng cấm, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ… Tuy nhiên việc kiểm tra phát hiện, xử lý rất khó vì đối tượng phân phối kho hàng ở khắp nơi; người tiêu dùng thấy rẻ là mua.
Bên cạnh đó, đơn vị sản xuất cũng không dám lên tiếng khi phát hiện sản phẩm của mình bị làm giả. Lý do là doanh nghiệp sợ ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của mình. Vì vậy, đối tượng kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ vẫn ngang nhiên buôn bán mà không sợ bị phát hiện.
Nguồn: [Link nguồn]
Cơ quan chức năng phát hiện hàng chục ngàn chiếc khẩu trang giả suýt bị đưa ra thị trường.