TPHCM: Nhiều tiểu thương bỏ sạp
Dù các chợ truyền thống tại TPHCM đã hoạt động trở lại khá lâu sau thời gian giãn cách, nhưng nhiều quầy sạp, ô vựa ở chợ vẫn lặng im. Không ít tiểu thương ngậm ngùi trưng biển sang sạp, nghỉ bán vì không thể tiếp tục cầm cự.
Lặng im
Trưa 5/4, phóng viên có mặt tại chợ An Đông (quận 5) - khu chợ sỉ chuyên cung cấp quần áo, vải vóc, giày dép… đi các tỉnh nhưng hiện tại, nhiều quầy sạp trong chợ đồng loạt treo biển sang sạp, nghỉ bán. Chị Nhung, chủ quầy mỹ nghệ Tuyết Nhung, cho biết, đã theo mẹ buôn bán tại chợ khi mới 15-16 tuổi, chưa bao giờ thấy nhiều quầy hàng nghỉ bán như lúc này. “Những sạp nghỉ bán do chịu không nổi chi phí thuê sạp hơn chục triệu đồng/tháng, trong khi mãi lực chợ đang rất chậm. Nhiều sạp treo bảng nhiều tháng nay nhưng vẫn không tìm được người thuê”, chị nói.
Tại chợ An Đông (quận 5), nhiều tiểu thương đóng sạp, sang quầy (Ảnh chụp trưa 5/4)
Theo chị Nhung, nếu không tính phí thuê sạp, tiểu thương chợ An Đông khi kinh doanh trở lại, trung bình phải đóng tầm 7 triệu đồng/tháng cho các loại thuế, phí điện, nước… “Tôi bán hàng trở lại từ 10/2, nhưng thu nhập chưa tới 100.000 đồng/ngày. Do vậy nên không dám kêu thêm người phụ hàng, tự mình vừa làm chủ, vừa làm lính; còn thuế, phí mỗi tháng đóng cho Ban quản lý (BQL) thì lấy tiền nhà ra đóng. Ráng cầm cự thêm vài tháng, hy vọng dịch ổn hơn, khách du lịch đến nhiều thì tình hình bán buôn khởi sắc trở lại”, nữ tiểu thương nói.
Khi đề cập giá thuê sạp, chị Hà, tiểu thương quầy quần áo có 2 sạp trong An Đông Plaza đang có nhu cầu sang nhượng, cho biết, với diện tích 2 x 2,8m2 giá cho thuê từ 60-100 triệu đồng/tháng. Thế nhưng 2 năm qua, dịch bệnh COVID-19 phức tạp, kinh doanh không chạy hàng nên chị thông báo cho thuê bớt 1 sạp chỉ với giá 28 triệu đồng/tháng mà vẫn không có ai liên hệ.
Dạo một vòng quanh chợ An Đông, thấy rất ít người mua. Tầng 2, 3 là nơi bán vải vóc, quần áo, giày dép,... có những khu vực cho thuê, nhượng quyền cả dãy sạp. Giá rao cho thuê dao động từ chỉ 10-15 triệu đồng/ tháng, thậm chí nhiều chủ sạp hứa hẹn giảm giá cho khách thuê vì biết thời buổi làm ăn khó khăn do dịch.
Tình cảnh chợ ế, đóng sạp, cho thuê sạp… cũng diễn ra tại nhiều ngành hàng quần áo, giày dép ở các chợ Bà Chiểu, Tân Bình, Gò Vấp, Phước Long, Rạch Ông… Bán vải, áo dài tại chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh) hơn 10 năm nay, chị Minh Hoa tâm sự, từ sau Tết tới giờ, gần như kinh doanh “đóng băng”. “Quá đuối nên tôi quyết định cho thuê sạp, kể cả khách muốn sang sạp, tôi cũng để lại giá rẻ”, chị Hoa nói.
Hỗ trợ
Nhìn nhận tiểu thương gặp khó khăn do chợ vắng khách, mãi lực giảm hơn 50%, bà Trần Thị Thanh Thúy, Trưởng BQL An Đông Plaza, cho biết, đơn vị đã giảm 50% giá cho thuê sạp đối với khách mới thuê và cộng thêm thời gian thuê cho khách cũ đã thuê dài hạn. Từ tháng 4, khách thuê sạp sẽ được giảm 30% tiền thuê sạp. “Hỗ trợ dịch COVID-19 không phân biệt khách sang nhượng hay khách thuê sạp. Đối với tiểu thương sang nhượng, BQL sẽ tổng kết và có chính sách hỗ trợ thêm”, bà Thúy nói.
Bà Đỗ Thúy Hòa, Chủ tịch Hội Phụ nữ chợ Bà Chiểu, cho hay, thành phố đang có gói hỗ trợ dành cho tiểu thương với mức 1,2 triệu đồng/sạp, nhưng tùy vào điều kiện giấy tờ, đóng thuế, người đứng tên sạp. Trước đó, BQL chợ cũng hỗ trợ giảm phí quản lý cho các hộ kinh doanh trong thời gian chợ đóng cửa phòng chống dịch COVID-19.
Đại diện BQL chợ Bàn Cờ (quận 3) chia sẻ, chợ hỗ trợ tiểu thương bằng cách bảo lãnh cho tiểu thương vay vốn ưu đãi. “Trong chợ có nhiều tiểu thương đóng quầy sạp nhưng chỉ một phần rất nhỏ treo biển sang sạp, còn lại họ vẫn giữ sạp và sẽ trở lại kinh doanh trong thời gian tới khi mãi lực chợ ổn hơn”, vị này nói. Các chợ Phước Long (quận 7), chợ Bình Thới (quận 11)… cũng xác nhận nhiều tiểu thương nộp đơn xin nghỉ bán. Chợ Phước Long chỉ có khoảng 200/600 sạp kinh doanh và hơn 15% tiểu thương xin trả sạp. BQL cũng đã có chính sách miễn phí tiền thuê sạp 4 - 5 tháng cho tiểu thương và gia hạn thời gian cho những hộ đã thanh toán tiền thuê một năm…
Chiều 5/4, trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Lê Minh Hiệp, Phó trưởng BQL chợ Bến Thành (quận 1), cho biết: “Chợ có 500/1.300 (chiếm 40%) hộ đã kinh doanh trở lại. Điều đáng mừng trong vài tuần nay, khách du lịch đã đến chợ nhiều hơn nên buôn bán tại chợ đang dần khởi sắc. Tiểu thương vẫn đang thăm dò sức mua, vì đã xác định ra chợ thì phải buôn bán được. Chợ vẫn duy trì công tác phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả; đồng thời tuyên truyền tiểu thương cam kết bán hàng đúng giá, có tem truy xuất nguồn gốc… để khách yên tâm đến chợ”, ông Hiệp nói.
Tại buổi họp báo của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế TPHCM ngày 4/4, bà Nguyễn Thị Kim Ngọc, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM cho rằng, một số chợ truyền thống lớn trên địa bàn như An Đông, Bà Chiểu… đìu hiu, vắng khách do dịch bệnh kéo dài, nhiều tiểu thương đã chuyển đổi từ hình thức kinh doanh trực tiếp sang trực tuyến. Ngoài ra, có một số lượng tiểu thương tại các chợ đã về quê để tránh dịch và chưa quay lại thành phố.
Nguồn: [Link nguồn]
Ngoài điều kiện tự nhiên phù hợp, yếu tố con người cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nên chất lượng và thương hiệu bưởi Tân Triều