TP Hồ Chí Minh: ''Chiêu'' kéo khách của chợ truyền thống
Treo bảng giảm giá như siêu thị, đưa hàng lên mạng, nói không với hàng kém chất lượng… là những động thái của tiểu thương tại TPHCM nhằm thu hút người tiêu dùng.
Khách tăng, chợ nhộn nhịp
Trưa 27/6, tại chợ Nguyễn Tri Phương (quận 10), kẻ mua người bán tấp nập, khác với tháng trước đó. Khách đến chợ bất ngờ khi thấy các quầy hàng đều treo bảng khuyến mãi từ 5 - 10% tất cả các sản phẩm từ thực phẩm, quần áo, giày dép đến mỹ phẩm.
Bà Thơ (tiểu thương chợ Nguyễn Tri Phương) phấn khởi vì khách đến chợ nhiều hơn. Ảnh: U.P
“Lần đầu tiên tôi thấy các quầy hàng công khai giảm giá như vậy. Tôi có thói quen săn hàng giảm giá ở siêu thị nhưng giờ đi chợ cũng đầy ắp chương trình “sale off” không thua gì kênh bán hàng hiện đại. Chợ làm mới mình bằng cách bán hàng này đã kích thích khách đến chợ nhiều hơn” - chị Thu Lan (ngụ đường 3/2, quận 11), nói.
Nhanh tay lựa chọn mực tẩm sa tế, khô cá, tôm khô… cho khách, bà Nguyễn Thị Thanh Thúy (sạp 134B) kinh doanh thủy hải sản khô chế biến vui mừng: “Thật ra trước giờ, tiểu thương nào cũng giảm giá khi bán hàng nhưng bây giờ treo bảng công khai, khách yên tâm hơn. Nhờ chương trình này, tôi có thêm nhiều bạn hàng gần xa. Kiều bào ở nước ngoài cũng biết và đặt mua. Khách đông vui, chợ có sinh khí hẳn lên! Chúng tôi luôn cố gắng nhập hàng chất lượng và bán đúng giá để kéo khách về chợ”.
Chọn những đôi giày dép đẹp nhất bày ngay mặt tiền quầy sạp, sửa lại tấm bảng giảm giá 10% ở vị trí khách dễ thấy nhất, chị Trần Thị Ánh Thu (sạp 54 bis khu A) cho biết, đã thực hiện chương trình giảm giá gần một tuần nay và hiệu quả bất ngờ, khách tăng gần 50% so với trước đó. “Mình chấp nhận lãi ít đi một chút để giảm giá giữ chân khách, kéo khách quay trở lại chợ truyền thống nên bán được nhiều hàng hơn” - chị Thu nói.
Hơn 10 năm buôn bán tại chợ Nguyễn Tri Phương, chị Thu cho biết, sau dịch COVID-19, sức mua tại chợ rất yếu. Thêm vào đó, kinh tế khó khăn, người dân thắt chặt chi tiêu, những đồ dùng không thiết yếu gần như không tiêu thụ được. Để có thể cầm cự, tiểu thương tìm mọi cách giảm giá hàng hóa, bán những sản phẩm hợp túi tiền, nhu cầu của khách…
Tương tự, ở các chợ truyền thống như Xóm Chiếu (quận 4), Bình Thới (quận 11), Bà Chiểu (quận Bình Thạnh)... để kích cầu mua sắm, các tiểu thương đã chủ động giảm giá hoặc tặng kèm quà cho khách.
Không chỉ vậy, tiểu thương còn bán hàng trực tuyến (online), trả tiền bằng mã QR. Lướt điện thoại cập nhật đơn hàng qua Facebook, Zalo…, chị Trang (kinh doanh rau quả chợ Đa Kao, quận 1) soạn nào rau, trái cây, thịt cá rồi chụp ảnh gửi khách xem, trước khi đặt xe giao hàng.
“Tôi vừa bán trực tiếp, vừa bán online, giá cả như nhau. Tôi cũng liên kết với nhiều tiểu thương khác để đa dạng sản phẩm, vừa thuận lợi cho khách, vừa tiết kiệm chi phí giao hàng. Điều quan trọng là mình phải đặt uy tín, chất lượng lên hàng đầu” - chị Trang nói và cho biết thêm, nhờ bán hàng kiểu “giao tận nơi” mà từ đầu năm đến nay, thực phẩm đều tiêu thụ hết trong ngày.
Xây dựng chợ văn minh
Trao đổi với PV Tiền Phong, bà Đàm Vân - Phó Ban quản lý chợ Nguyễn Tri Phương cho biết, sau các đợt dịch COVID-19, có hơn 15% tiểu thương ngừng kinh doanh, nhiều sạp chỉ kinh doanh một buổi do chợ ế, sức mua quá yếu. “Hiện có khoảng 100 tiểu thương tham gia khuyến mãi. Việc khuyến mãi giúp kích cầu tiêu dùng, thu hút khách đến chợ, sức mua ở mỗi sạp tăng từ 70 - 80%” - bà Vân nói.
Theo bà Vân, không đợi có đợt khuyến mãi tập trung, Ban quản lý chợ vẫn phối hợp với tiểu thương tổ chức những đợt khuyến mãi ngắn nhân dịp lễ, như ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3), ngày Gia đình Việt Nam (28/6). “Thời gian tới, Ban quản lý chợ sẽ có thêm nhiều chương trình khuyến mãi định kỳ hàng quý, vận động các tiểu thương cùng tham gia. Đó là cách để chợ tăng mãi lực, đưa khách hàng đến chợ nhiều hơn. Chợ cũng có kế hoạch sửa sang lại nhà vệ sinh, chỉnh trang sạch đẹp, thoáng mát… Kỳ vọng sẽ kích cầu, nâng sức mua tại chợ truyền thống” - bà Vân nói và cho rằng, nếu được giảm thuế, nhất là thuế giá trị gia tăng (VAT), thuế khoán giúp giá cả hàng hóa ổn định thì các chợ sẽ còn thu hút người tiêu dùng đến nhiều hơn.
Bà Phạm Thị Sành - Trưởng ban quản lý chợ Hòa Hưng (quận 10) cho biết, đầu tháng 7 này sẽ triển khai chương trình khuyến mãi từ 10 - 20% tất cả các sạp hàng tại chợ. Ngoài ra, chợ Hòa Hưng dự kiến sẽ nâng cấp thành chợ “văn minh thương nghiệp” sạch sẽ, thông thoáng, tạo ấn tượng với khách hàng.
Theo TS. Đinh Thế Hiển - chuyên gia kinh tế, không thể phủ nhận được tầm quan trọng của chợ truyền thống. Chợ thể hiện được nét đặc trưng của ẩm thực Việt. Ngoài ra, chợ còn là nơi có cách thức tiêu thụ hàng tươi sống rất tốt và linh động.
Theo TS Đinh Thế Hiển, các địa phương cần chuẩn hóa về tổ chức, giao thông để người mua có thể tiện lợi di chuyển vào các khu chợ truyền thống, thay vì dừng xe mua nhanh dọc đường. Bên cạnh đó, chính quyền cần nâng cấp vệ sinh hạ tầng, cống thoát nước, nhà vệ sinh ở các khu chợ đảm bảo sạch sẽ, văn minh. “Hiện tại, những nước phát triển như Pháp, Nhật Bản vẫn còn chợ truyền thống. Chợ truyền thống là một lựa chọn tốt, vấn đề chỉ là chuẩn hóa”. TS Hiển nói.
Nguồn: [Link nguồn]
Những quả được hái từ cây trong rừng lại có công dụng tốt cho sức khỏe nên chúng được tìm mua rất nhiều.