Tốn cả tỉ USD nhập giống rau quả
Thậm chí những giống đơn giản như bầu bí, cà chua, lúa chúng ta vẫn phải nhập khẩu.
GS Võ Tòng Xuân, một chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp, cho biết năm 2014 ước tính Việt Nam (VN) xuất khẩu khoảng 1,2 tỉ USD rau củ quả thì cũng phải bỏ ra khoảng 50% số tiền này để nhập khẩu giống.
Miếng bánh ngon cho doanh nghiệp ngoại
Theo GS Xuân, thị trường hạt giống rau trong nước hiện do các công ty nước ngoài chi phối với hơn 80% thị phần. Trong 10 doanh nghiệp (DN) hàng đầu chiếm 70% thị phần hạt giống rau thế giới thì sáu công ty đã có mặt tại VN. Các DN này đều đánh giá VN là thị trường tiềm năng. Có DN trung bình mỗi năm bán ra thị trường VN hơn 1 tỉ USD tiền hạt giống các loại.
Theo GS Xuân, bầu bí, cà chua… là loại cây dễ trồng, dễ lưu trữ giống nhưng thật đáng buồn là VN cũng phải nhập giống. Thật xót ruột khi hằng năm VN tốn hàng trăm triệu USD để nhập phần lớn hạt giống rau từ Mỹ, EU, Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan...
Bà Nguyễn Thị Ánh Ngọc, Chủ nhiệm HTX Rau an toàn Thỏ Việt, cho hay hiện nay các trang trại trồng rau đều mua giống từ các công ty giống trong nước. Nhưng thực tế, những công ty này cũng nhập giống từ nước ngoài hoặc nhập về rồi tự lai tạo nhân giống bán. Giống rau quả ngoại nhập tỉ lệ nảy mầm cao, phát triển nhanh hơn giống nội nên người trồng ưa chuộng lựa chọn.
DN giới thiệu các giống rau, quả tại hội chợ triển lãm nông nghiệp. Ảnh: QUANG HUY
GS Võ Tòng Xuân cho rằng Nhà nước mà cụ thể là Bộ NN&PTNT cần đặt hàng hạt giống chất lượng cho nhóm nhà khoa học tự làm để tránh rơi vãi kinh phí làm giống khi rót xuống các trung tâm, viện.
Không chỉ rau, nhiều giống lúa lai, bắp lai đang được gieo trồng trong nước cũng đều phải nhập khẩu. TS Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, cho biết ước tính tỉ lệ giống ngô lai VN nhập là 90% và nhập 70%-80% giống lúa lai. Hằng năm chúng ta phải chi khoảng 46 triệu USD để nhập khẩu 15.000 tấn giống lúa lai, 30-40 triệu USD mua gần 10.000 tấn hạt giống bắp lai. Lúa lai chủ yếu trồng ở miền Bắc, còn các tỉnh phía Nam vẫn chủ động được nguồn giống lúa thường.
TS Võ Mai, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn VN, cho biết nước ta nhập hạt giống bắp, rau củ quả và cả lúa nữa một phần vì trình độ chọn tạo giống trong nước còn kém phát triển, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế sản xuất. Trong khi đó các DN giống nước ngoài giàu tiềm lực về kinh tế và công nghệ có thể tạo ra giống lai F1 chất lượng cao. Giống lai ngày càng chiếm ưu thế ở VN vì năng suất cao, đem lại giá trị kinh tế cao. Giống ngoại nhập cho rau quả thành phẩm có chất lượng đồng đều, phù hợp cho việc chế biến công nghiệp và xuất khẩu. Vì vậy dù cả nước có hàng trăm DN sản xuất, kinh doanh hạt giống nhưng phần lớn trong số đó là công ty thương mại, chủ yếu nhập khẩu giống từ Trung Quốc, Thái Lan về bán lại cho người dân.
Đừng để rơi vãi kinh phí làm giống
Ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hội Giống cây trồng VN, cho hay trình độ nghiên cứu giống của nước ta mới chỉ dừng lại ở nhập khẩu giống ngoại về rồi chọn lọc, lai tạo, nhân giống. Giống sử dụng và phát triển trong vài năm sẽ bị thoái hóa và chúng ta tiếp tục phải nhập khẩu. Hơn nữa, kinh phí đầu tư để nhà khoa học nghiên cứu phát triển giống lại không đủ. Một nghịch lý là nghiên cứu xong, làm ra giống nhưng giá thành lại cao hơn so với giống ngoại bán tại VN.
Theo ông Long, muốn giảm nhập khẩu hạt giống, bớt lệ thuộc DN nước ngoài thì VN phải có những DN chịu đầu tư đứng ra sử dụng nhân lực chất lượng, trả lương cao, thậm chí thuê nhà khoa học đầu ngành để họ làm ra giống, sản phẩm trong nước đang cần với chất lượng tốt hơn, giá rẻ hơn.
Đồng quan điểm, GS Võ Tòng Xuân cho rằng các tập đoàn nông nghiệp của Thái Lan, Malaysia, Mỹ có viện nghiên cứu phát triển giống. Họ thuê hàng chục nhà khoa học quốc tế, trả lương hậu hĩnh, tạo mọi điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị để có những thành tựu khoa học về giống về công nghệ sản xuất giống. Trong khi đó ở nước ta, ví dụ hạt giống, viện nào cũng làm dẫn đến không tập trung được nguồn nhân lực.
“Nhiều năm nay chúng ta chủ yếu đi khai thác công nghệ, tiến hành nghiên cứu, hạt giống của VN không ra được đồng ruộng trên diện rộng. Chúng ta sai ngay từ cách đặt đề tài, cách tổ chức thực hiện. Phần lớn đề tài do các nhà khoa học tự đề xuất, hội đồng khoa học xét duyệt rồi làm. Do không xuất phát từ nhu cầu của thị trường nên các đề tài này manh mún, chỉ đơn thuần là ý tưởng đơn lẻ. Việc đặt hàng giống không tập trung và không ai chịu trách nhiệm. Có tiền tỉ nhưng rốt cuộc rơi vãi hết, đến cán bộ nghiên cứu thì chẳng còn tí nào” - GS Xuân chia sẻ.
Theo GS Xuân, hiện nay Nhà nước đã tạo điều kiện về vốn vay, thuế nhưng DN cần được hỗ trợ hơn nữa. Muốn có những sản phẩm hạt giống tầm quốc gia, Nhà nước nên đặt hàng cho các nhóm nhà khoa học hay công ty giống, trung tâm nghiên cứu đủ năng lực. Nhà nước phải cấp tiền, chủ nhiệm đề tài được tự chủ hoàn toàn trong hoạt động tài chính, tự thuê nhân lực ngoại, miễn làm sao có giống chất lượng. Bên cạnh đó nên có một giải pháp cung ứng và quản lý giống. Chẳng hạn, quy định các nhà nhập khẩu buộc phải sản xuất hạt giống trong nước sau hai năm khi bắt đầu nhập khẩu.
Coi chừng giống biến đổi gen Nhiều nhà khoa học về cây trồng cho biết cuối tháng 8 VN đã mở cửa cho nhập một số giống bắp biến đổi gen (có chứng nhận an toàn sinh học) làm thức ăn chăn nuôi, thực phẩm. Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng đã cảnh báo về nguy cơ lệ thuộc hoàn toàn vào các công ty nước ngoài về nguồn giống. Các nhà khoa học cho rằng giống bắp biến đổi gen có giá rất cao, gấp bảy lần so với giống bắp người nông dân trong nước đang trồng. VN có thể tốn hàng trăm triệu USD mua giống từ công ty nước ngoài. Đáng lo khi giống bắp biến đổi gen đã chiếm ưu thế, việc quay trở lại với giống truyền thống sẽ rất khó nếu không muốn nói là không thể. Đó là chưa ai chắc chắn về sức khỏe người dân và việc tác động đến môi trường của giống bắp biến đổi gen. |