Tôm thẻ chân trắng được ưa chuộng
Chỉ mới được phép nuôi đại trà tại ĐBSCL hơn 5 năm trở lại đây, nhưng tôm thẻ chân trắng đã phát triển vượt bậc cả về diện tích nuôi và giá trị xuất khẩu, đe dọa “qua mặt” con tôm sú đã phát triển rất lâu trước đó.
Tôm thẻ chân trắng được nông dân chuộng vì thời gian sinh trưởng ngắn, thu hồi vốn nhanh, trong khi thị trường cũng tăng tiêu thụ sản phẩm này nhờ giá “mềm”, đáp ứng nhu cầu nhiều đối tượng người tiêu dùng.
Năng suất cao, dễ quay vòng vốn
Đầu năm 2008, sau một thời gian có mặt tại Việt Nam, tôm thẻ chân trắng được Bộ NNPTNT cho phép nuôi đại trà tại vùng ĐBSCL nhằm đa dạng hóa đối tượng thủy sản xuất khẩu. Chỉ sau một thời gian ngắn, tôm thẻ chân trắng được nhiều nông dân chọn nuôi, diện tích, sản lượng do đó đã tăng nhanh chóng.
Tôm thẻ chân trắng đang “vượt mặt” tôm sú.
Thống kê của Tổng cục Thủy sản cho biết, tính đến cuối tháng 9.2013, diện tích nuôi tôm cả nước đạt hơn 628.700ha, sản lượng thu hoạch đạt hơn 258.780 tấn. Trong đó, diện tích tôm sú đạt gần 581.500ha, sản lượng đạt trên 152.313 tấn. Trong khi diện tích tôm thẻ chân trắng xấp xỉ 47.300ha nhưng sản lượng thu hoạch được cũng đạt mức rất cao, 106.479 tấn.
Tại nhiều vùng chuyên nuôi tôm khu vực ĐBSCL hiện nay như Tiền Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh,... tôm thẻ chân trắng được nhiều nông dân ưu tiên chọn nuôi do năng suất cao, thời gian sinh trưởng ngắn, chỉ từ 2 - 3 tháng có thu hoạch nên quay vòng vốn nhanh.
Ông Nguyễn Hữu Vĩ (ngụ xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang, Trà Vinh) cho biết, gia đình có 3 ao tôm với tổng diện tích hơn 8.000m2. Sau nhiều năm thất bại với tôm sú vì dịch bệnh, ông Vĩ “đánh liều” chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng, mong lấy lại vốn nhanh. “Không ngờ, từ năm 2010 đến nay, vụ tôm thẻ nào cũng được kha khá. Chỉ cần nuôi từ 35 – 40 ngày tuổi là có thể huề vốn rồi, trong khi nuôi tôm sú phải cần đến 3 tháng tôm mới đạt cỡ trên dưới 50 con/kg” - ông Vĩ cho biết.
Hiện tại, giá tôm thẻ chân trắng ở ĐBSCL cũng đang ở mức cao, xấp xỉ giá tôm sú. Cụ thể, tại Tiền Giang, tôm sú cỡ 40 con/kg đang có giá 180.000 đồng/kg, trong khi đó tôm thẻ chân trắng cùng cỡ có giá 170.000 đồng/kg.
Xuất khẩu khả quan
Bên cạnh sự phát triển về năng suất, sản lượng trong nước, hoạt động xuất khẩu tôm thẻ chân trắng cũng tăng mạnh thời gian gần đây.
Báo cáo của Hiệp hội Chế biến, xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết, tính đến giữa tháng 9.2013, kim ngạch xuất khẩu tôm thẻ chân trắng đạt 875,4 triệu USD, vượt qua mức 868,3 triệu USD thu từ xuất khẩu tôm sú.
Việt Nam hiện vẫn chưa chủ động nguồn con giống tôm thẻ chân trắng. Tôm bố mẹ chủ yếu được các doanh nghiệp nhập khẩu từ các nước về để nhân giống. |
Vasep cũng cho biết, ước tính giá trị xuất khẩu tôm thẻ chân trắng 9 tháng đầu năm 2013 chiếm hơn 47% tổng giá trị xuất khẩu tôm cả nước, cao hơn xuất khẩu tôm sú với mức gần 46%. Ông Trương Đình Hòe – Tổng Thư ký Vasep cho biết, sau một thời gian tham gia thị trường xuất khẩu, tôm thẻ chân trắng đã “vượt mặt” tôm sú. Ngoài ra, nhu cầu nhập khẩu tôm thẻ chân trắng cũng đang tăng lên ở tất cả các thị trường chính của tôm Việt Nam.
Cụ thể, thống kê của Hải quan cho thấy, 8 tháng đầu năm 2013, tỷ trọng tôm thẻ chân trắng xuất khẩu sang Nhật Bản tăng từ 31,6% cùng kỳ năm 2012 lên 42,7%. Tỷ trọng tôm thẻ chân trắng xuất khẩu sang Mỹ cũng tăng gần gấp đôi, từ 37% lên 66,3%. Xuất khẩu tôm thẻ chân trắng sang EU và Trung Quốc cũng tăng đáng kể.
Ông Trần Văn Lĩnh – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản và Thương mại Thuận Phước cho biết: “Hiện nhu cầu tôm thẻ chân trắng tại các thị trường cho mùa lễ hội cuối năm đều ở mức cao, trong khi nguồn cung từ các nước như Ấn Độ, Thái Lan giảm mạnh do ảnh hưởng của dịch bệnh tôm chết sớm. Với đà này, năm nay, tôm thẻ chân trắng của Việt Nam có thể đạt mức kỷ lục về kim ngạch xuất khẩu, đạt khoảng 1,2 tỷ USD”- ông Lĩnh cho biết thêm.