Tôm khô Đất Mũi ngọt thơm nức tiếng, 1,3 triệu đồng/kg cũng đáng
Chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán 2018, đây cũng là thời điểm các hộ sản xuất tôm khô ở Rạch Gốc, nơi có thương hiệu tôm khô trứ danh khắp cả nước, tất bật bước vào vụ. Tuy nhiên, nhiều hộ dân cho biết giá tôm nguyên liệu năm nay tăng cao, nên giá tôm khô dịp Tết cũng sẽ tăng theo.
Clip Giá tôm khô Rạch Gốc tăng giá mạnh dịp Tết 2018
Theo ghi nhận của phóng viên, tại thị trấn Rạch Gốc (huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau), hiện các hộ đang tất bật sản xuất tôm khô, chuẩn bị nguồn hàng nhằm cung ứng cho thị trường Tết sắp tới. Tuy nhiên, theo phản ánh của một số hộ giá tôm khô năm nay sẽ tăng cao so với năm ngoái do nguồn tôm nguyên liệu tăng giá.
Tôm khô Rạch Gốc sẽ tăng từ 200.000-300.000 đồng/kg Tết 2018. (Ảnh: Chúc Ly).
Ông Bùi Văn Chương - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Tân Phát Lợi, cho biết: Hiện do nhu cầu tăng cao nên giá tôm đất tại địa phương dao động từ 120.000-160.000 đồng/kg, cao hơn năm vừa rồi khoảng 30.000 đồng/kg. Cũng chính vì vậy, đối với những hộ thiếu vốn hoặc ít vốn thì buộc họ phải giảm sản lượng. Riêng đối với hợp tác xã, năm nay sản lượng cũng sẽ giảm so với mọi năm và giá sẽ cao hơn từ 200-300.000 đồng/kg, tùy loại.
Theo đó, hiện giá tôm khô loại I có giá khoảng 1,3 triệu đồng/kg. Dịp Tết này, HTX nhận sản xuất theo đơn đặt hàng khoảng 3 tấn, chỉ đáp ứng khoảng 60% nhu cầu khách hàng. (Ảnh: Chúc Ly).
Nhằm phục vụ tốt cho thị trường, hiện HTX Tân Phát Lợi đã đầu tư máy móc, thiết bị sản xuất, đổi mới công nghệ, sản phẩm được sản xuất theo quy trình an toàn vệ sinh thực phẩm.
HTX Tôm Khô Tân Phát Lợi chế biến các loại tôm khô đặc sản như: Tôm khô tách vỏ, tôm khô nguyên vỏ, tôm thẻ lụi khô, tôm khô chà bông…Bằng nguồn tôm nguyên liêu tươi sống, HTX cho ra những sản phẩm chất lượng thơm ngon ngọt dẻo không sử dụng phẩm màu hóa chất.
Tôm khô Rạch Gốc nổi tiếng khắp cả nước bởi chất lượng vượt trội. (Ảnh: Chúc Ly).
Từ năm 2011, khi được cấp chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể tôm khô Rạch Gốc, một số cơ sở sản xuất tôm khô đã mở rộng qui mô sản xuất, đầu tư cải tiến quy trình sản xuất, đầu tư thêm nhiều máy móc phục vụ cho nghề. Nhờ đó, chất lượng tôm khô được nâng lên, đáp ứng nhu cầu của nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh.
Tôm khô Rạch Gốc được chế biến hết sức cầu kì. Ảnh: Chúc Ly
Tôm khô Rạch Gốc tuân thủ quy trình sản xuất chặt chẽ. (Ảnh: Chúc Ly).
Được biết, quy trình cơ bản để làm nên con tôm khô Rạch Gốc, trước tiên là tiếp nhận nguyên liệu – chọn tôm đạt cỡ - rửa sạch – luộc - phơi – sấy - tách vỏ - sàng, lau bóng – phân loại – đóng gói. Các cơ sở sản xuất đăng ký sử dụng nhãn hiệu tập thể đều phải đảm bảo tuân thủ đúng quy trình này.
Hiện toàn huyện Ngọc Hiển có khoảng 15 cơ sở sản xuất tôm khô, mỗi tháng sản xuất từ 20-30 tấn tôm khô (theo mùa vụ), phần lớn bán cho thị trường TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận. Ngoài ra, làng nghề còn giải quyết cho từ 200-300 lao động nông thôn tại địa phương.
Đối với tôm đất loại 140 con/kg, trung bình từ 7,5-8kg tôm tươi sẽ chế biến được 1kg tôm khô thành phẩm. (Ảnh: Chúc Ly).
Theo nhiều hộ sản xuất tôm khô lâu năm tại Ngọc Hiển, để cho ra được con tôm khô có vị vừa ăn mà vẫn giữ được hương vị đậm đà đặc trưng của tôm khô Rạch Gốc, khâu luộc tôm rất quan trọng, cần nêm muối vừa tay với tỷ lệ 10kg tôm nguyên liệu – 100gr muối, khi thịt tôm rút lại tách rời với vỏ thì mới đem phơi. Còn khi sấy tôm, cũng phải đảo đều và sấy ít nhất 2 lần để thịt tôm khô hẳn.