Tôm chế biến của Việt Nam bị phát hiện có chất cấm
Theo kết quả được công bố, Việt Nam có 2 trường hợp vi phạm về chất cấm với mặt hàng tôm đã qua chế biến được phát hiện trong đợt kiểm tra nguy cơ từ thực phẩm nhập khẩu.
Thương vụ Việt Nam tại Úc cho biết, Bộ Nông nghiệp Úc vừa tiến hành kiểm soát và xác định những lô hàng thực phẩm có nguy cơ cao hoặc trung bình cho sức khỏe cộng đồng nhập khẩu vào nước này. Theo kết quả được công bố, Việt Nam có 2 trường hợp vi phạm về chất cấm với mặt hàng tôm đã qua chế biến được phát hiện trong đợt kiểm tra nguy cơ từ thực phẩm nhập khẩu.
Theo quy định, những lô hàng này sẽ không được phép bán tại Úc, đồng thời nhà nhập khẩu phải hủy hoặc tái xuất về nước xuất xứ dưới sự giám sát của các cơ quan chức năng Úc. Các lô hàng tiếp theo sẽ bị kiểm tra 100% cho đến khi đạt tiêu chuẩn quy định. Cơ quan chức năng của Úc không công bố tên cụ thể của đơn vị nhập khẩu cũng như xuất khẩu mặt hàng bị phát hiện có chứa chất cấm.
Bộ Nông nghiệp Úc cũng cho biết, Việt Nam không có trường hợp vi phạm nào được phát hiện trong đợt kiểm tra hoá chất, chất gây ô nhiễm và độc tố toxin đối với hàng nhập khẩu.
Sử dụng chất cấm trong nuôi tôm sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu của đất nước
Liên quan đến chất lượng thủy sản xuất khẩu, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Nafiqad) (Bộ NN&PTNT) cũng cho hay, tháng 6 tới, Hàn Quốc sẽ cử đoàn công tác sang Việt Nam đánh giá hoạt động kiểm soát hóa chất, kháng sinh trong chế biến, xuất khẩu tôm vào Hàn Quốc.
Theo Nafiqad, Bộ An toàn thực phẩm và dược phẩm Hàn Quốc đã gửi 2 công thư trong tháng 4 thông báo đã phát hiện liên tiếp dư lượng Nitrofurans (một loại kháng sinh cấm dùng trong thủy sản) trong các lô hàng tôm nhập khẩu từ Việt Nam dù đã áp dụng chế độ kiểm tra 100% từ năm 2017. Nafiqad yêu cầu 4 doanh nghiệp có lô hàng bị Hàn Quốc cảnh báo khẩn trương điều tra nguyên nhân và thực hiện biện pháp khắc phục phù hợp.
Năm 2018, Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu 9 tỷ USD các mặt hàng thủy sản. Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp, năm 2018 tiếp tục là năm thuỷ sản gặp nhiều rào cản từ các thị trường, trong đó có chương trình thanh tra cá da trơn, thuế chống bán phá giá tôm, cá của của Mỹ, “thẻ vàng” của EU… cùng với nhiều vấn đề nội tại của ngành như kháng sinh, giá thành còn cao, nguyên liệu chế biến.